Ấn Độ gánh hậu quả vì "ngó lơ" vấn đề sức khỏe tinh thần người dân trước COVID-19

Trang Phan-Thứ ba, ngày 08/09/2020 06:40 GMT+7

Vấn đề sức khỏe tinh thần người dân trước COVID-19 tại Ấn Độ thường bị "ngó lơ". (Ảnh: CNN)

VTV.vn - 40% số người tham gia khảo sát đang mắc các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm, do đại dịch.

Tâm lý tồi tệ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng cơ thể

"Nhịp tim của tôi nặng trĩu. Thật khó để thở đều. Tay tôi run và vã mồ hôi", Aritri Paul, đến từ Kolkata, Tây Bengal, kể về những lần cô bị những cơn hoảng loạn tấn công. Chúng tìm đến Paul thường xuyên hơn kể từ khi Ấn Độ bắt đầu phong tỏa do COVID-19 vào tháng 3.

Chính phủ Ấn Độ bắt đầu nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt nhất vào tháng 6, nhưng ảnh hưởng của việc cách ly đối với sức khỏe tinh thần của người dân tới nay vẫn đang tăng mạnh, khi quốc gia này giờ trở thành một trong những ổ dịch COVID-19 lớn nhất trên thế giới. Ấn Độ hiện có hơn 4,2 triệu trường hợp mắc bệnh, cao thứ hai trong số các nước có nhiều ca COVID-19 nhất, chỉ sau Mỹ.

"Đáng sợ nhất là những cơn đau đầu và đau mắt của tôi" - Paul cho biết - "Chỉ trong năm nay thôi mà tôi đã có nhiều cơn hoảng loạn hơn so với cả cuộc đời tôi cộng lại".

Ấn Độ gánh hậu quả vì ngó lơ vấn đề sức khỏe tinh thần người dân trước COVID-19 - Ảnh 1.

Aritri Paul đã phải hứng chịu nhiều cơn hoảng loạn hơn trong đại dịch COVID-19. (Ảnh: CNN)

Tỷ lệ tự tử đáng báo động

Nghiên cứu được thực hiện vào tháng 5 bởi Tổ chức Phòng chống Tự tử ở Ấn Độ (SPIF) cho thấy gần 65% trong số 159 chuyên gia sức khỏe tâm thần được hỏi cho biết bệnh nhân của họ gia tăng xu hướng tự làm hại bản thân.

Một cuộc khảo sát khác vào tháng Tư của Hiệp hội Tâm thần Ấn Độ cho thấy 40% trong số 1.685 người tham gia khảo sát đang mắc các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm, do đại dịch. Tình hình không được cải thiện kể cả khi Ấn Độ nới lỏng phong toả.

Trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, Ấn Độ có tỷ lệ tự tử cao nhất ở Đông Nam Á và nằm trong số những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Thống kê của năm 2016 cho thấy cứ 100 nghìn người dân Ấn Độ, lại có 17 người tự tử. Còn nay, theo các chuyên gia y tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần của nước này đang bị đẩy đến mức giới hạn."Hệ thống này vốn đã hoạt động quá tải, giờ đây với COVID-19, chúng tôi đang phải trải qua thảm họa do số bệnh nhân tăng vọt, nguồn cung thuốc men thiếu thốn và nhân viên tuyến đầu mệt mỏi" - Ông Nelson Moses, người sáng lập SPIF, cho biết.

Không có khái niệm "sức khỏe tâm thần" tại Ấn Độ

Từ lâu, người dân Ấn Độ vốn không hay thảo luận về sức khỏe tâm thần.

Vào năm 2016, một cuộc Khảo sát Sức khỏe Tâm thần Quốc gia được thực hiện trên 12 bang với nhiệm vụ ghi chép lại danh sách hơn 50 thuật ngữ được sử dụng cho những người bị bệnh tâm thần. "Thông thường, người ta tin rằng những người mắc bệnh tâm thần là không đủ năng lực và không đáng tin cậy, do đó họ có cơ hội kết hôn thấp" - Một trong những người tham gia cho biết.

Theo Baldev Singh, cố vấn tình nguyện của Quỹ MINDS, một tổ chức phi lợi nhuận của Ấn Độ, "Mọi người quan niệm rằng nói về cảm xúc của bản thân khiến bạn trở nên yếu đuối - có rất nhiều quan niệm sai lầm".

Các chuyên gia cho rằng việc sức khoẻ tâm thần không được coi là một vấn đề thực sự để được giải quyết có thể một phần là do thiếu thuật ngữ dành cho nó. Dĩ nhiên vẫn có các thuật ngữ cho nỗi buồn (udaasi), đau buồn (shok) hoặc tàn phá (bejasi) trong tiếng Urdu và các ngôn ngữ Ấn Độ khác, nhưng không một ngôn ngữ nào trong số 22 ngôn ngữ của Ấn Độ có từ mang ý nghĩa "sức khỏe tâm thần" hay "trầm cảm".

"Người Ấn Độ quan niệm rằng nói về cảm xúc của bạn khiến bạn trở nên yếu đuối – thật là một quan niệm sai lầm".

- Baldev Singh -

Tiến sĩ S.K. Chaturvedi, Trưởng phòng tại Viện Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần và Khoa học Thần kinh (NIMHANS) ở Bangalore, Ấn Độ cho biết: "Mọi người dễ dàng nói về các triệu chứng và bệnh tật khác hơn là bày tỏ với gia đình rằng họ đang cảm thấy thấp thỏm hoặc trầm cảm".

Paul cho biết, cô chưa bao giờ thấy gia đình mình nói về những cảm xúc tiêu cực kể từ khi cô còn là đứa bé bắt đầu biết ý thức cho tới khi lớn lên. "Kể từ khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã ghi nhớ rằng chúng tôi không nói về những điều làm chúng tôi phiền muộn". Paul cho hay gia đình cô luôn tránh né và gạt các vấn đề sang một bên.

Ấn Độ gánh hậu quả vì ngó lơ vấn đề sức khỏe tinh thần người dân trước COVID-19 - Ảnh 2.

Aritri Paul đã lên tiếng về các vấn đề về sức khỏe tâm thần của mình để khuyến khích những người khác tìm kiếm sự giúp đỡ. (Ảnh: CNN)

Hệ thống sức khoẻ tâm thần quá tải

Định kiến về sức khỏe tâm thần có thể khiến một số người không nhận ra rằng họ cần được giúp đỡ. Còn đối với những người muốn được điều trị, cơ sở vật chất lại có hạn.

Theo Khảo sát Sức khỏe Tâm thần Quốc gia năm 2016 của Ấn Độ, 83% người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần ở nước này không được tiếp cận với việc điều trị sức khỏe tâm thần đầy đủ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khảo sát cùng năm đó cho biết trung bình cứ 1 triệu người thì mới có 3 bác sỹ tâm thần, thậm chí còn ít hơn. Tỷ lệ này ở Mỹ là 100 bác sĩ tâm thần và gần 300 bác sĩ tâm lý cho mỗi 1 triệu người.

Trong nhiều trường hợp, việc tiếp cận điều trị sức khỏe tâm thần ở Ấn Độ còn phụ thuộc vào nơi sinh sống. Pragya Lodha, Giám đốc Chương trình Mumbai của Quỹ MINDS cho biết: "Nếu tôi ở Mumbai, tôi có thể đến bệnh viện điều trị thường xuyên. Nhưng đối với những người dân ở nông thôn, điều đó gần như không thể".

Các bệnh viện tuyến huyện phục vụ cho khoảng 30.000 người, tương đương với từ 15 đến 20 làng. Tuy nhiên, các bệnh viện này thường không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Một số người dân có thể phải đi quãng đường lên đến 60 km để có thể được điều trị. Việc đi lại này cần thời gian và tiền bạc. Kể cả khi những người dân có thể trả tiền cho việc đi lại của họ đến bệnh viện, thì việc điều trị thường cũng chỉ giới hạn ở việc dùng thuốc vì họ không thể tiếp tục đến bệnh viện một cách thường xuyên. Nhưng trên thực tế, sức khoẻ tâm thần lại không được những người dân ở nông thôn Ấn Độ ưu tiên. "Người dân ở các cộng đồng nông thôn thường đã phải lo cho những vấn đề cơ bản hơn của cuộc sống nên sức khỏe tâm thần không được ưu tiên" – Lodha cho biết.

Sự phân chia thành thị - nông thôn

Khi chính phủ Ấn Độ tuyên bố ngừng mọi hoạt động trên toàn quốc vào tháng 3, nước này đang bước vào mùa thu hoạch. Singh, người dân sống ở làng Nara, một cộng đồng nông dân nông thôn khoảng 2.000 người ở Gujarat, cố vấn tình nguyện cho biết: "Nông dân hoang mang về việc liệu họ có thể thuê lao động nhập cư trong bối cảnh lệnh cấm di chuyển xuyên biên giới hay không và liệu cây trồng có thể được vận chuyển đến chợ hay không. Mọi người phải đối phó với rất nhiều căng thẳng - nông dân đau đầu về việc với việc sản phẩm của họ bị ế khi họ không thể đưa nó đến thị trường hoặc phân phối nó kịp thời". Theo Singh, người dân ở vùng nông thôn Ấn Độ đang cảm thấy bị cô lập hơn bao giờ hết.

"Ở vùng nông thôn Ấn Độ, nơi mọi người không có nhận thức về các vấn đề sức khỏe tâm thần và không thể nói chuyện với những người xung quanh về những căng thẳng của họ, tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn".

- Baldev Singh -

Công nghệ đã trở thành yếu tố quan trọng giúp nhiều người kết nối và giảm căng thẳng trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, liệu pháp trực tuyến thường không áp dụng cho những người dân không có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh hoặc internet ở nhiều làng quê.

Quỹ MINDS đào tạo các tình nguyện viên - như Singh - trở thành "lãnh đạo cộng đồng" để nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần và khuyến khích mọi người tìm kiếm sự giúp đỡ khi họ cần.

Hành động của chính phủ Ấn Độ

Thay đổi nhận thức về sức khoẻ tâm thần ở một đất nước 1,3 tỷ dân là một thách thức to lớn. Nhưng những tháng gần đây, đã có dấu hiệu tích cực.

Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ đã thiết lập một đường dây trợ giúp để giới thiệu những bệnh nhân tương lai đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Trong khi đó, chính phủ lại ban hành các hướng dẫn về giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần cũng như lời khuyên về việc xác định những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đại dịch. Và Bộ Y tế đã chia sẻ các áp phích nhấn mạnh tầm quan trọng của các phương pháp rèn luyện sức khỏe, chẳng hạn như yoga để cải thiện sức khỏe tâm thần.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những sáng kiến ​​này là không đủ. Theo họ, điều cần thiết là có thêm kinh phí. Trong tổng ngân sách 2020-2021 của Ấn Độ, chỉ 2% được dành cho chăm sóc sức khỏe. Và trong số đó, chưa đến 1% được phân bổ cho sức khỏe tâm thần. Giờ là thời điểm để chính phủ Ấn Độ cần bắt đầu ưu tiên các dịch vụ sức khỏe tâm thần nhiều hơn.

Paul đã chọn cách nói về những cơn hoảng loạn của mình để nâng cao nhận thức về một vấn đề thường bị bỏ qua ở Ấn Độ. Paul cho biết: "Không còn chấp nhận được việc quan niệm sức khỏe tâm thần là" điều cấm kỵ" nhắc đến và tiếp tục ngó lơ vấn đề".

"Cần phải có nhiều thông tin hơn nữa... chúng ta cần bắt đầu từ con số 0 ở các trường trung học, phổ thông và đại học, đồng thời trao đổi với phụ huynh và khiến họ trở nên thoải mái hơn với việc nói về tâm trạng, để con cái họ có thể thoải mái trò chuyện với họ về các vấn đề của chúng" – Paul nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước