Ba Lan ký thỏa thuận mua bệ phóng HIMARS. (Ảnh: YouTube/Bộ Quốc phòng Ba Lan)
Bộ Quốc phòng Ba Lan xác nhận, hợp đồng mua 486 bệ phóng của hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) M142 được định giá khoảng 10 tỷ USD.
Theo Đài RT (Nga), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak hôm 11/9 tuyên bố: "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một tình huống mà trong đó quân đội Ba Lan hùng mạnh sẽ ngăn chặn đối phương. Chúng tôi sẽ làm điều đó".
Ông Blaszczak nói thêm rằng trong vòng hai năm tới, Ba Lan sẽ sở hữu lực lượng lục quân hùng mạnh nhất. Ông nhấn mạnh, một trong những thành phần quan trọng nhất của đội quân này là pháo phản lực.
Lô linh kiện đầu tiên của các bệ phóng dự kiến sẽ được chuyển giao bắt đầu từ năm 2025. Ba Lan dự kiến bắt đầu nhận hàng vào cuối năm 2025. Cùng với thỏa thuận mua hệ thống pháo do Mỹ sản xuất vào năm 2019, thỏa thuận mới nhất sẽ mang lại cho nước này tổng cộng 500 đơn vị HIMARS.
Mục tiêu của Ba Lan là đồng bộ hóa các bệ phóng mới với các hệ thống hiện có. Quá trình tích hợp này sẽ được hoàn thành trong vòng hai năm.
Các hệ thống HIMARS khai hỏa trong một cuộc tập trận. (Ảnh: Getty/Images)
Các nhà thầu quân sự phương Tây đang phải vất vả đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về phần cứng của loại vũ khí này trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine leo thang. Hồi đầu năm nay, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, liên minh này khó có thể sản xuất đạn pháo đủ nhanh để kịp đáp ứng tốc độ bắn của Ukraine.
Lockheed Martin cho biết, họ sẽ hợp tác với ngành công nghiệp Ba Lan để điều chỉnh bộ module nạp đạn phóng HIMARS lắp trên xe tải Jelcz 6X6 do Ba Lan sản xuất.
Các nhà thầu Ba Lan dự kiến cũng được cấp phép sản xuất đạn HIMARS. Giám đốc điều hành Lockheed Martin Paula Hartley cho rằng: "Chúng tôi mong muốn cùng nhau đảm bảo Ba Lan và toàn bộ khu vực vượt qua các mối đe dọa an ninh mới nổi".
Trong khi đó, cuộc xung đột ở Ukraine cũng giúp lực lượng Nga có nhiều cơ hội thực hành đối phó với hệ thống HIMARS. Hồi tháng 7, Bộ Quốc phòng Ukraine thừa nhận Nga đã tìm cách gây nhiễu hệ thống dẫn đường GPS cho tên lửa do Mỹ sản xuất, làm giảm hiệu quả của hệ thống này.
Các nhà thầu chính của Ba Lan tham gia chương trình HIMARS bao gồm Polska Grupa Zbrojeniowa (PGZ), Huta Stalowa Wola (HSW), WZU và MESKO. Do bệ phóng HIMARS và đạn đi kèm có giá khoảng 5,1 triệu USD, khoản đặt cọc của Ba Lan vào hệ thống do Mỹ sản xuất có thể lên tới khoảng 2,5 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!