Bài học từ làn sóng COVID-19 thứ 3 tại Hong Kong (Trung Quốc)

Quang Duy (Theo BBC, CNBC, SCMP)-Thứ bảy, ngày 08/08/2020 17:52 GMT+7

VTV.vn - Cho đến gần đây, Hong Kong (Trung Quốc) vẫn được coi là hình mẫu chống dịch COVID-19. Thế nhưng tình hình nhanh chóng thay đổi.

Hong Kong (Trung Quốc) là hình mẫu chống dịch trong giai đoạn đầu…

Khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc đại lục từ tháng 1 năm nay, nhiều người lo ngại dịch bệnh sẽ sớm lan đến Hong Kong (Trung Quốc). Thời điểm đó, thông tin dịch bệnh mới lây truyền từ người sang người khiến nỗi ám ảnh kinh hoàng của dịch viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2002 - 2003 dội về với người dân nơi đây. Dịch SARS đã cướp đi sinh mạng của gần 300 cư dân Hong Kong, đặc khu hành chính này là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.

Thời điểm ban đầu, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Hong Kong được dự báo sẽ rất tồi tệ. Đây là một trong những thành phố có mật độ dân cư dày nhất thế giới. Giao thông công cộng lúc nào cũng chật kín người. Thành phố còn có nhiều chuyến tàu, chuyến bay kết nối trực tiếp với Vũ Hán, tâm điểm dịch bệnh của thế giới thời điểm đó. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong tháng 1/2020 đã có tới 2,5 triệu người di chuyển từ Trung Quốc đại lục tới Hong Kong.

Bài học từ làn sóng COVID-19 thứ 3 tại Hong Kong (Trung Quốc) - Ảnh 1.

Những con phố sầm uất ở trung tâm Hong Kong (Trung Quốc) trước khi làn sóng COVID-19 thứ 3 ập tới - Ảnh: Getty

Thế nhưng, chính quyền Hong Kong đã chuẩn bị sẵn tâm thế cẩn trọng khi đối phó với dịch COVID-19. Thành phố nhanh chóng đóng 9 trên 12 cửa khẩu nối với Trung Quốc đại lục, 3 cửa khẩu còn lại chỉ để vận chuyển hàng hóa. Cơ quan y tế thực hiện truy vết, cách ly và khoanh vùng các ổ dịch từ sớm.

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hong Kong (Trung Quốc) cấm người từ bên ngoài (không có giấy tờ cư trú dài hạn ở Hong Kong) nhập cảnh vào thành phố. Trong tháng 4, mỗi ngày chỉ có hơn 100 người nhập cảnh và họ phải cách ly bắt buộc 14 ngày. Giới chức thậm chí còn phát vòng tay điện tử để theo dõi quá trình tự cách ly của các trường hợp từ nước ngoài về.

Anh Marco Bellenda trở về Hong Kong từ Italy hồi đầu tháng 5 và ngay lập tức được xét nghiệm COVID-19 tại sân bay. Mặc dù kết quả âm tính, anh được yêu cầu cách ly 14 ngày và đeo vòng điện tử.

"Tôi phải đeo thứ này khi ngủ, khi tắm, khi nấu ăn. Phải đeo khi làm tất cả mọi thứ" - anh Bellenda chia sẻ khi đưa chiếc vòng lên cho phóng viên của kênh CNBC xem.

Bài học từ làn sóng COVID-19 thứ 3 tại Hong Kong (Trung Quốc) - Ảnh 2.

Anh Marco Bellanda đeo vòng điện tử theo dõi việc tự cách ly 14 ngày khi từ Italy trở về Hong Kong (Trung Quốc) - Ảnh: CNBC

"Tôi không dám đi ra ngoài vì sợ rằng cái vòng sẽ phát ra tiếng kêu cảnh báo" - anh nói - "Thú thực tôi không dám thử vì tiền phạt lên tới 25.000 đô la Hong Kong (tương đương hơn 74 triệu đồng) và 6 tháng tù giam".

Với hàng loạt các biện pháp đồng bộ, cho đến đầu tháng 7, thành phố đã kiểm soát dịch COVID-19 tương đối tốt. Có thể lấy Singapore để so sánh và cái nhìn trực quan hơn về hiệu quả chống dịch của Hong Kong.

Singapore cũng là thành phố hút khách du lịch, cũng là điểm kết nối quốc tế như Hong Kong. Singapore có hơn 5,6 triệu dân nhưng ghi nhận tới 43.000 ca mắc COVID-19. Hong Kong có 7,5 triệu dân nhưng chỉ có 1.200 ca. Đặc khu hành chính này có nhiều tuần liền không ghi nhận ca mắc mới. Hong Kong cũng không phải đóng cửa toàn bộ thành phố, không giãn cách xã hội triệt để như nhiều vùng ở Trung Quốc, ở châu Âu hay ở Mỹ.

Bài học từ làn sóng COVID-19 thứ 3 tại Hong Kong (Trung Quốc) - Ảnh 3.

Số ca COVID-19 ở Hong Kong (Trung Quốc) thấp hơn Singapore hàng chục lần - Nguồn: CNBC

… nhưng đang vất vả đối phó làn sóng dịch lần thứ 3

Thành công chống COVID-19 chỉ mang tính tạm thời. Được coi là hình mẫu chống dịch trong đợt bùng phát đầu tiên, Hong Kong (Trung Quốc) cũng không tránh khỏi làn sóng dịch bệnh thứ 2 và bây giờ đang vất vả đối phó với đợt bùng dịch lần thứ 3. Chỉ trong 2 tuần cuối tháng 7 đầu tháng 8, số ca mắc mới tăng vọt, trung bình mỗi ngày hơn 100 ca, gấp đôi giai đoạn bùng dịch đầu tiên (tháng 3/2020). Giới chức đặc khu cảnh báo, hệ thống y tế có thể sẽ sụp đổ nếu số ca mắc mới tiếp tục tăng với tốc độ như hiện nay.

Điều gì khiến Hong Kong không duy trì được "thành tích" chống dịch ấn tượng của mình? Có phải thành phố đã phạm sai lầm trong quá trình trở về cuộc sống bình thường mới? Câu trả lời phần nào được lý giải ngay sau đây:

Hệ thống chống dịch của Hong Kong (Trung Quốc) có 2 lỗ hổng

Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận những ca COVID-19 đầu tiên từ cuối tháng 1 nhưng dịch đã nhanh chóng được kiểm soát.

Làn sóng COVID-19 thứ 2 xuất hiện trong tháng 3, các ca mắc mới chủ yếu là du học sinh, người Hong Kong từ nước ngoài trở về. Hong Kong cũng "dập" thành công, nhiều tuần không có ca mắc mới, cuộc sống dần trở về trạng thái bình thường.

Làn sóng thứ 3 xuất hiện từ khoảng 2 tuần cuối tháng 7 với 9 ngày liên tiếp phát hiện hơn 100 ca. Giáo sư Malik Peiris, nhà vi trùng học Đại học Hong Kong cho rằng, hệ thống phòng thủ của thành phố tồn tại 2 lỗ hổng.

Lỗ hổng từ chính sách đặc cách - miễn cách ly

Thứ nhất, nhiều người nhập cảnh về Hong Kong được cách ly ở nhà thay vì cách ly tập trung.

"Việc cách ly này có lỗ hổng, những người khác trong gia đình vẫn tiếp xúc với người bị cách ly và có thể tự do đi lại" - giáo sư Peiris nói.

Tuy nhiên, vị giáo sư cho rằng vấn đề nghiêm trọng hơn nằm ở quyết định của Chính phủ, cho phép nhiều nhóm được đặc cách, miễn xét nghiệm và cách ly khi tới Hong Kong.

Khoảng 200.000 người đã được miễn cách ly, họ là thành viên tổ bay các hãng hàng không, thủy thủy đoàn, các lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Chính quyền đặc khu hành chính cho rằng, chính sách miễn cách ly với một số đối tượng là cần thiết, vì công việc của họ đảm bảo cuộc sống bình thường diễn ra ở thành phố.

Hong Kong là một điểm trung chuyển hàng không và cảng biển quốc tế lớn của khu vực. Nhiều hãng hàng không hoặc hãng tàu biển dừng chân ở đây để sắp xếp lại tổ bay hoặc thủy thủ đoàn cho những hành trình dài.

Bài học từ làn sóng COVID-19 thứ 3 tại Hong Kong (Trung Quốc) - Ảnh 4.

Thành viên tổ bay được miễn cách ly 14 ngày ở Hong Kong (Trung Quốc) - Ảnh: SCMP

Sẽ không ai than phiền về một chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nếu chính sách này không bộc lộ mặt trái, thậm chí còn bị coi là gót chân Achilles của hệ thống chống dịch của Hong Kong.

Kênh truyền hình BBC dẫn ý kiến của ông Joseph Tsang, chuyên gia dịch tễ cho rằng, chính sách miễn cách ly chính là "lỗ hổng", tăng rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh khi cả trăm nghìn người được miễn cách ly đã đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người.

Giới chức đặc khu hành chính ban đầu bác bỏ quan điểm, chính sách miễn cách ly là nguyên nhân khiến làn sóng dịch thứ 3 bùng phát. Tuy nhiên sau đó, họ phải thừa nhận đã có những bằng chứng củng cố cho nhận định trên.

Hong Kong tuyên bố siết chặt quy định đối với phi hành đoàn và thủy thủ đoàn, tuy nhiên việc giám sát thực hiện gặp nhiều khó khăn. Tuần trước, một phi công nước ngoài bị phát hiện đang đi thăm thú nhiều nơi trong thành phố trong khi chờ kết quả xét nghiệm COVID-19 của mình.

Ví dụ của Hong Kong một lần nữa cho thấy rằng, giải bài toán cân bằng lợi ích giữa phát triển kinh tế và chống dịch COVID-19 là không hề dễ dàng.

Ông Benjamin Cowling, giáo sư dịch tễ học Đại học Hong Kong cho rằng, những rắc rối về vấn đề cách ly mà Hong Kong phải đối mặt cũng có thể sẽ xảy ra ở nhiều quốc gia khác.

"Ở Anh, bạn cũng bị cách ly 14 ngày ở nhà, rủi ro dịch bệnh lọt ra ngoài xã hội là hoàn toàn có thể xảy ra".

Trong khi đó, New Zealand và Australia yêu cầu cách ly tập trung, phương án này chống dịch triệt để hơn nhưng lại phát sinh tranh cãi về việc, ai sẽ trả chi phí cách ly.

Nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội

Chính sách miễn cách ly của Hong Kong đã được áp dụng nhiều tháng nhưng phải đến cuối tháng 7 thì làn sóng thứ 3 mới ập tới.

Giáo sư Peiris tin rằng, nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội chính là yếu tố thứ 2, đóng vai trò quyết định cho việc dịch bệnh trở lại.

"Còn duy trì giãn cách thì dịch bệnh còn khó bùng phát. Tình hình sẽ diễn biến phức tạp khi mọi người lơ là cảnh giác, các ca bệnh từ nước ngoài có cơ hội lây lan mạnh. Đây là bài học cho tất cả mọi người" - giáo sư Peiris nhấn mạnh.

Bài học từ làn sóng COVID-19 thứ 3 tại Hong Kong (Trung Quốc) - Ảnh 5.

Các nhà hàng ở Hong Kong (Trung Quốc) chỉ được bán mang về để đảm bảo không tập trung đông người - Ảnh: Reuters

Chuyên gia dịch tễ Joseph Tsang nhớ lại cuối tháng 6, chính quyền Hong Kong cho phép người dân tụ tập tới 50 người, cùng lúc có các hoạt động kỷ niệm Ngày của Cha và ngày trao trả Hong Kong về Trung Quốc.

"Nhiều người dân mệt mỏi sau nhiều tháng giãn cách xã hội, nên khi Chính phủ nói mọi chuyện dường như ổn và nới lỏng các hạn chế, họ lại bắt đầu gặp gỡ với bạn bè và người thân. Tôi nghĩ thật là không may, nhiều yếu tố kết hợp cùng một lúc".

Giáo sư Peiris nhấn mạnh, người Hong Kong đã "hết sức tuân thủ" các biện pháp vệ sinh và giãn cách xã hội trong làn sóng thứ nhất và thứ hai: "Trên thực tế, họ thậm chí còn đi trước Chính phủ một bước, đeo khẩu trang từ trước khi có quy định bắt buộc".

Ông tin rằng việc tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội sẽ cho thấy tác dụng và hy vọng Hong Kong sẽ trở lại trạng thái không có ca lây nhiễm trong cộng đồng trong bốn tới sáu tuần tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước