Bài học về thiện nguyện và giá trị của lao động

Phương Thảo (Ban Thời sự)-Thứ bảy, ngày 24/09/2016 21:45 GMT+7

VTV.vn - "Tài sản để lại cho con chính là những giá trị tốt nhất mà cha mẹ có thể đem lại cho thế hệ của con và xa hơn nữa".

Đó là tâm niệm của tỷ phú Mark Zuckerberg khi quyết định dành tặng phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện, thay vì thừa kế cho con cái.

Trên thế giới, cũng có rất nhiều tỷ phú như Mark Zuckerberg, họ không để lại tài sản tiền bạc cho con cái mình. Thay vào đó, tài sản lớn hơn mà họ để lại chính là bài học về giá trị của sự tự lập, sức lao động và coi đó như hành trang quý giá, giúp con cái bước vào đời, khởi nghiệp và cống hiến cho xã hội.

Tỷ phú Trung Quốc Yu Pang-lin đã từng nói: "Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản của tôi sẽ chỉ làm hại chúng mà thôi".

Và vị tỷ phú này đã tâm niệm như vậy khi ông quyết định quyên tặng toàn bộ tài sản trị giá 2 tỷ USD cho hoạt động thiện nguyện.

Yu Pang-lin không phải là vị tỷ phú duy nhất muốn dạy con cái bài học về giá trị của sức lao động.

Tỷ phú Warren Buffett rất hào phóng trong các hoạt động thiện nguyện nhưng ông lại luôn dạy con phải có lối sống tiết kiệm, không đặt tiền bạc lên hàng đầu.

Thường xuyên đứng trong danh sách người giàu có nhất thế giới nhưng tỷ phú Bill Gates lại tâm niệm rằng "để lại một đống tiền cho con sẽ làm hại chúng". Thay vì để lại khoản tiền thừa kế khổng lồ, vợ chồng tỷ phú Bill Gates lại quyên tặng cho từ thiện và muốn con cái mình biết đến trách nhiệm phải san sẻ với mọi người xung quanh.

Quan điểm dạy con của vợ chồng Bill Gates cũng được tỷ phú Michael Bloomberg chia sẻ. Cựu Thị trưởng thành phố New York luôn tâm niệm khi giáo dục con cái rằng "tiền chỉ có giá trị khi chúng được cho đi".

Mỗi vị tỷ phú có một cách riêng để giáo dục con cái. Nhưng nhìn chung, đó đều là những bài học về sự tự lập, trân trọng giá trị lao động và vươn lên làm giàu bằng chính năng lực của bản thân. Đây là kim chỉ nam khởi nghiệp của rất nhiều tỷ phú, dù ở bất cứ đâu.

Tại Nhật Bản người ta vẫn còn nhớ câu chuyện về ông Masayoshi Son, người được mệnh danh là "tỷ phú khùng" với những ý tưởng kinh doanh không giống ai nhưng lại có tấm lòng nhân văn. Khi Nhật Bản bị thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011, dù việc kinh doanh không mấy thuận lợi nhưng ông Son đã bỏ ra tới 125 triệu USD cho các quỹ từ thiện, giúp đỡ người khó khăn và thậm chí hiến tặng trọn vẹn khoản lương trong tương lai của mình cho các trẻ em mồ côi.

Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện khác nữa về cách sống, về những con người "sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình", những câu chuyện nhân văn có thực, mang thông điệp ý nghĩa về sự sẻ chia.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước