Bầu cử Mỹ 2024 và diễn biến trong chặng nước rút trước "giờ G"

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 18/10/2024 05:54 GMT+7

VTV.vn - Gần 3 tuần trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ (5/11), hai ứng cử viên làTổng thống Donald Trump và đương kim phó Tổng thống Kamala Harris đang giữ khoảng cách sít sao.

Các cuộc bỏ phiếu sớm thu hút cử tri Mỹ

Cử tri Mỹ đang trong trạng thái tập trung ngày càng cao vào cuộc bầu cử.

Một cuộc khảo sát những người bỏ phiếu sớm cho thấy người Mỹ năm nay háo hức đi bỏ phiếu ngay cả trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, trong khi sự chia rẽ đảng phái vẫn sâu sắc. 47% người được hỏi trong cuộc thăm dò mới của kênh NBC News cho biết họ có kế hoạch bỏ phiếu sớm, nâng tổng số lên 52% người Mỹ bỏ phiếu trước ngày bầu cử 5/11.

Tại bang Georgia, một trong 7 bang chiến địa có ý nghĩa quyết định đối với kết quả bầu cử vào ngày 5/11 tới, số lượng cử tri đi bầu cử sớm hôm 15/10 đã đạt mức kỷ lục với hơn 300.000 người. Con số này cao gấp hơn 2 lần so với ngày bầu cử sớm hồi năm 2020, dù bang Georgia đang phải vật lộn với hậu quả của cơn bão Helene.

Bang North Carolina cũng bắt đầu bỏ phiếu trực tiếp sớm vào ngày 17/10 (theo giờ địa phương). Trước đó, từ ngày 20/9, việc bỏ phiếu trực tiếp sớm đã được tiến hành tại các bang Virginia, Minnesota và South Dakota.

Các kết quả thăm dò cử tri Mỹ vẫn sít sao

Các cử tri hăng hái đi bầu cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay. Nhiều người Mỹ thực sự cảm thấy dù chỉ một lá phiếu của họ cũng có thể gây tác động.

Các kết quả thăm dò cho đến thời điểm này cho thấy kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay đang ngày càng sít sao hơn. Kết quả của hàng chục cuộc thăm dò trên cả nước mới đây cho thấy bà Kamala Harris đang dẫn trước ông Donald Trump chưa đến 2 điểm phần trăm (1,7%). Như vậy, dù có ưu thế nhưng những hiệu ứng tích cực mà chiến dịch tranh cử của bà Harris có được kể từ sau cuộc tranh luận vào tháng 9 đã dần mờ đi và xu hướng này có vẻ còn tiếp diễn.

Bầu cử Mỹ 2024 và diễn biến trong chặng nước rút trước giờ G - Ảnh 1.

(Ảnh: AP)

Các cuộc thăm dò tại 7 bang tranh chấp cũng cho thấy cả hai ứng cử viên đang chạy đua sát nút. Ông Trump đang có ưu thế tại các bang Arizona, North Carolina và Georgia, trong khi bà Harris nhỉnh hơn ở các bang Pennsyvalnia, Wisconsin, Michigan và Nevada.

Người nổi tiếng dồn sức cho các ứng cử viên Tổng thống Mỹ

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 giữa 2 ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump không chỉ là cuộc cạnh tranh giữa hai hệ tư tưởng về những gì nên xảy ra ở nước Mỹ mà còn là cuộc đua hướng tới 2 nhóm cử tri có quan điểm hoàn toàn khác nhau về những gì đang xảy ra.

Những luận điểm tranh cử nhằm giành phiếu hoàn toàn trái ngược cho thấy cuộc bầu cử lần này rất có thể sẽ được quyết định bằng tỷ lệ chênh lệch sít sao. Do đó, bất cứ lực đẩy nào dù nhỏ hay vốn không mấy có ý nghĩa có lẽ cũng sẽ góp phần tác động để cán cân nghiêng sang một bên, chẳng hạn như khi một số người nổi tiếng công khai lên tiếng ủng hộ cho các ứng cử viên.

Tiếng nói của người nổi tiếng đặc biệt thu hút các cử tri trẻ. Và theo khảo sát, cử tri trẻ ở Mỹ có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ. Vì vậy, điều này có tiềm năng trở thành một trong những sự ủng hộ có ảnh hưởng lớn nhất tại Mỹ.

Tuy nhiên, khi người nổi tiếng công khai ủng hộ một nhân vật chính trị nào đó, không có gì chắc chắn người ủng hộ họ sẽ có quyết định tương tự. Các chuyên gia gọi đây là "công cụ cảm xúc"', nhưng khi cảm xúc nhất thời qua đi, cử tri sẽ suy xét kỹ hơn và hành động theo lý tính nhiều hơn là cảm tính.

"Bất ngờ tháng 10"

Khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 sẽ diễn ra, thuật ngữ "bất ngờ tháng 10" đang thu hút nhiều sự chú ý. "Bất ngờ tháng 10" là một thuật ngữ chính trị ám chỉ những sự kiện xảy ra vào tháng trước cuộc bầu cử, có thể làm thay đổi lộ trình và kết quả cuộc đua.

Trong những ngày qua, nước Mỹ đã hứng chịu 2 siêu bão Helene và Milton. Không chỉ gây ra thiệt hại to lớn cho người dân, cơn bão còn thay đổi lịch trình vận động tranh cử của các ứng viên. Các ứng viên cũng phải điều chỉnh chiến thuật để thích ứng với tình hình. Trong khi ông Trump chỉ trích chính quyền đương nhiệm không đối phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp, bà Harris lại cho rằng đây vừa thử thách, vừa là dịp cho thấy khả năng đối mặt với khủng hoảng.

Bầu cử Mỹ 2024 và diễn biến trong chặng nước rút trước giờ G - Ảnh 2.

(Ảnh: AP)

Nguy cơ chiến tranh bùng nổ ở nước ngoài cũng là điều đáng lưu tâm. Hiện có những lo ngại về căng thẳng ở Trung Đông. Israel được Mỹ hậu thuẫn - đang đối đầu với các lực lượng trong trục kháng chiến của Iran gồm Hamas ở Dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen. Bên cạnh đó là nguy cơ chiến tranh toàn diện giữa Iran và Israel. Chưa thể khẳng định xung đột đang leo thang ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cuộc bầu cử ở Mỹ, nhưng các chuyên gia cho rằng vấn đề này có thể gây nên sự chia rẽ âm ỉ trong đảng Dân chủ và trên chính trường Mỹ.

Tác động của bầu cử Tổng thống Mỹ đến thế giới

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 dự kiến sẽ có tác động lớn đến bối cảnh thế giới. Các chuyên gia chính sách đối ngoại dự đoán cuộc bầu cử lần này là cuộc cạnh tranh giữa một ứng cử viên ủng hộ chủ nghĩa đa phương và một ứng cử viên phản đối chủ nghĩa đa phương.

Đối với Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung, chính quyền của cựu Tổng thống Trump có thể báo hiệu sự trở lại của các chính sách "Nước Mỹ trên hết", có khả năng đưa ra nhiều biện pháp bảo hộ thương mại hơn. Trong khi đó, chiến thắng của bà Kamala Harris có thể tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh vào hợp tác thương mại, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu.

Vì vậy, khi Mỹ bước vào những tuần vận động tranh cử cuối cùng của cuộc bầu cử, các thị trường toàn cầu đang theo dõi chặt chẽ những thay đổi tiềm ẩn có thể tác động đến thương mại, đầu tư và sự ổn định địa chính trị của thế giới.

Đặc biệt, Đông Nam Á - một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu - rất nhạy cảm với những thay đổi trong chính sách kinh tế và đối ngoại của Mỹ. Với mối quan hệ thương mại hiện thời với Mỹ và các khoản đầu tư trực tiếp của Mỹ, kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - dù là có một Tổng thống đảng Dân chủ là bà Kamala Harris hay sự trở lại của Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump - sẽ có những tác động sâu rộng đến các nền kinh tế Đông Nam Á.

Bầu cử Mỹ: Bang Georgia ghi nhận tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm cao kỷ lục Bầu cử Mỹ: Bang Georgia ghi nhận tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm cao kỷ lục Bầu cử Mỹ: Ông Trump bất ngờ dẫn trước bà Harris tại bang chiến trường Michigan Bầu cử Mỹ: Ông Trump bất ngờ dẫn trước bà Harris tại bang chiến trường Michigan Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris đang mất dần ưu thế trước ông Trump Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris đang mất dần ưu thế trước ông Trump

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước