Chỉ còn hai tuần nữa là tới Ngày bầu cử 5/11, hai ứng viên Tổng thống Mỹ đang khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu sớm để họ có thể tập trung nguồn lực thuyết phục các cử tri còn do dự bỏ phiếu cho mình vào phút cuối.
Con số gần 19 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm đã phá vỡ kỷ lục ở các tiểu bang dao động như Georgia và Bắc Carolina. Tiểu bang dao động cuối cùng trong 7 tiểu bang là Wisconsin, cũng đã bắt đầu bỏ phiếu sớm vào sáng 22/10.
Tỷ lệ bỏ phiếu qua thư của cử tri đảng Cộng hòa đã cải thiện ở một số tiểu bang nhưng vẫn thấp hơn so với đảng Dân chủ.
Tính đến ngày 22/10, cử tri đảng Dân chủ đã gửi rất nhiều lá phiếu qua thư, ước tính hơn 350.000 phiếu so với đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, phía đảng Cộng hòa đang thu hẹp khoảng cách bằng cách bỏ phiếu trực tiếp sớm ở hầu hết các tiểu bang cạnh tranh.
Đảng Cộng hòa hy vọng đợt bỏ phiếu sớm này sẽ khắc phục được sự cố trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và các cuộc đua quan trọng vào năm 2022.
Trong cuộc bầu cử vào năm 2020, đảng Cộng hòa đã làm rất tốt điều đó trước khi ông Trump phản đối việc bỏ phiếu trực tiếp và bỏ phiếu qua thư sớm đồng thời thuyết phục những người ủng hộ đợi đến Ngày bầu cử mới bỏ phiếu.
Tuy nhiên, trong năm nay, đảng Cộng hòa đang hối thúc cử tri đi bỏ phiếu sớm. Ngay cả cựu Tổng thống Trump cũng khuyến khích hành động này.
Theo ông Julian Zelizer - Giáo sư lịch sử và quan hệ công chúng tại Đại học Princeton (Mỹ), tuy việc bỏ phiếu sớm không có nhiều tác động đến cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng là cơ sở để các ứng viên có thể theo dõi những người đã bỏ phiếu. Từ đó, các ứng cử viên có thể tập trung vận động nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định. Điều này giúp cả hai nâng cao tiềm năng chiến thắng trong một một cuộc đua sít sao mà kết quả cuối cùng có thể được định đoạt chỉ với vài lá phiếu.
Ông Trump tổ chức "hội nghị bàn tròn" ở Miami, ngày 22/10 (Ảnh: Miami Herald)
Hai ứng viên tập trung vào chính sách kinh tế
Theo các cuộc thăm dò của Reuters/Ipos, trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của cử tri, cựu Tổng thống Trump dẫn trước đối thủ Harris trong vấn đề nhập cư và kinh tế, với khoảng cách lần lượt là 48% - 35% và 46% - 38%. Ngược lại, đương kim Phó Tổng thống đang có lợi thế trong việc xử lý các mối đe dọa đối với nền dân chủ cũng như chăm sóc sức khỏe và phá thai, với tỷ lệ ủng hộ 42% - 35%.
Với thế bám đuổi sít sao, cả hai ứng cử viên đang nhắm tới các cử tri cần giành lợi thế. Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, cả hai ứng cử viên đều tập trung vào nhóm cử tri gốc Latinh - những người được cho có thể xoay chuyển kết quả ở các bang chiến địa như Pennsylvania, Arizona và Nevada.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 22/10, Phó Tổng thống Harris đề xuất kế hoạch tăng gấp đôi số lượng học nghề đã đăng ký, hạ tiêu chuẩn tuyển dụng các vị trí trong cơ quan chính phủ cũng như cung cấp các khoản vay có thể xóa nợ lên tới 20.000 USD cho 1 triệu doanh nghiệp nhỏ.
Trong khi đó, tại cuộc gặp trực tiếp các cử tri gốc Mỹ Latinh cùng ngày, ở ngoại ô Miami, cựu Tổng thống Trump đã khẳng định các chính sách kinh tế của ông mang lại lợi ích hơn cho cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!