Vào ngày bầu cử, cử tri Mỹ không trực tiếp bầu ra Tổng thống mà họ dùng phiếu phổ thông để quyết định đến lá phiếu của các đại cử tri trong bang. Các đại cử tri này sau đó mới bầu ra Tổng thống dựa trên kết quả phổ thông đầu phiếu tại bang mà cử tri đó đại diện. Do vậy, ngay cả khi giành được đa số phiếu phổ thông cũng chưa chắc ứng cử viên đó đã trở thành Tổng thống như hồi năm 2000.
Ông Rich Galen, Chiến lược gia Đảng Cộng hòa, Mỹ giải thích cách thức bầu cử Tổng thống Mỹ: "Chúng ta có phiếu phổ thông. Ai cũng đi bỏ phiếu nhưng nó chẳng có ý nghĩa quyết định. Vấn đề nằm ở chỗ: Mỗi bang được phân bổ tỷ lệ phiếu đại cử tri nhất định. Số lượng đại cử tri mỗi bang tỉ lệ thuận với dân số và tương ứng với số đại biểu tại Quốc hội Mỹ của bang đó. Tổng số đại cử tri từ 50 bang và thủ đô Washington là 538. Muốn trở thành Tổng thống, ứng cử viên phải giành tối thiểu một nửa, tức là 270 phiếu đại cử tri".
Hầu hết các bang đều áp dụng nguyên tắc "được ăn cả, ngã về không", tức là cử tri nào giành đa số phiếu phổ thông cũng sẽ giành trọn toàn bộ phiếu đại cử tri phân bổ cho bang đó. Vì vậy, về lý thuyết, bang nào có càng nhiều phiếu đại cử tri thì càng có ảnh hưởng đến kết quả cuộc đua. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ các bang tranh chấp mà không đảng phái chính trị nào giành ưu thế vượt trội, mới có ảnh hưởng quyết định.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!