Bầu cử Tổng thống Pháp- Những dự báo trước giờ G

Nguyễn Mai-Chủ nhật, ngày 24/04/2022 07:50 GMT+7

VTV.vn - Chung kết cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra hôm nay. Nước Pháp sẽ có một Tổng thống lần đầu tiên tái đắc cử trong 2 thập kỉ? Hay một nữ Tổng thống đầu tiên?

"Màn tái đấu" giữa 2 đối thủ

Hôm nay, cử tri tại Pháp sẽ đi bỏ phiếu bầu ra Tổng thống của nước Pháp trong nhiệm kỳ 2022-2027. Hai gương mặt để họ lựa chọn cũng giống như tại cuộc bầu cử Tổng thống Pháp hồi năm 2017, đó là ông Emmanuel Macron - hiện là Tổng thống mãn nhiệm và bà Marine Le Pen thuộc đảng cực hữu Tập hợp quốc gia. 

Ông Emmanuel Macron- người theo đường lối trung dung- hiện mong muốn trở thành Tổng thống đầu tiên của Pháp giữ hai nhiệm kì liên tục trong vòng 20  năm qua. Còn bà Marine Le Pen- người theo quan điểm cựu hữu- lại mong muốn lật ngược kịch bản 5 năm trước, để trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Pháp.

Các cuộc thăm dò cho thấy Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron có lợi thế trong cuộc đua vòng thứ hai này. Nhưng đảng cực hữu của bà Le Pen chưa bao giờ tiến gần đến quyền lực như lúc này. Đó là lý do tại sao cuộc đua ngày hôm nay sẽ gay cấn từ đầu đến cuối.

Bầu cử Tổng thống Pháp- Những dự báo trước giờ G - Ảnh 1.

Hai ứng cử viên tranh luận trên sóng truyền hình. Ảnh: Reuters

 Điểm khác biệt của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022

Ngay từ đầu, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 đã diễn ra trong điều kiện bất thường. Bóng đen đại dịch COVID-19 bao phủ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Cuộc xung đột quân sự Nga- Ukraine gây chấn động đến chính trường châu Âu và nước Pháp. 

Những yếu tố đó khiến các ứng cử viên chỉ có rất ít thời gian để tiếp xúc với cử tri trước vòng 1 cuộc bầu cử diễn ra hôm 10/4 vừa qua. 

Có một điểm đáng chú ý là sau 2 năm trải qua đại dịch COVID-19 và hiện đang chịu tác động ít nhiều của cuộc xung đột Nga-Ukraine, sự quan tâm của các cử tri Pháp đối với vấn đề môi trường, chống biến đổi khí hậu… đã giảm đáng kể. 

Đây là khác biệt lớn so với các cuộc bầu cử địa phương và bầu cử châu Âu trong vài năm qua tại Pháp. Điều này cho thấy, các cử tri Pháp đang ngày càng lo ngại nhiều hơn về những gì đang diễn ra trong hiện tại, về cuộc sống thường nhật, về các ưu tiên ngắn hạn, thay vì dồn sự quan tâm cho các vấn đề có tính vĩ mô và dài hạn.

Tương tự, các chủ đề về đối ngoại gần như vắng bóng trong chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên, ngoại trừ các thảo luận liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Các thảo luận về châu Âu, về chính sách nhập cư, về bản sắc của nước Pháp… được đề cập ít, khác hẳn không khí của 5 năm trước.

Các tổ chức tài chính dự báo kết quả bầu cử Tổng thống Pháp 2022

Bầu cử Tổng thống Pháp- Những dự báo trước giờ G - Ảnh 2.

Nhiều tổ chức tài chính thế giới đang dự đoán kết quả và tác động từ cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022. Ảnh: Reuters

CNBC đã có một bài phân tích cuộc bầu cử Tổng thống Pháp dưới góc nhìn và dự đoán của một số ngân hàng lớn. Trong ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử trước cuộc bỏ phiếu vòng hai, các cuộc thăm dò đã cho thấy đương kim tổng thống Pháp Macron dẫn trước 57,5% so với tỷ lệ 42,5% của ứng cử viên Le Pen.

Goldman Sachs dự đoán khả năng ông Macron giành chiến thắng 90%. Trong khi đó, tập đoàn Citigroup cho rằng xác suất ông Macron giành chiến thắng ít hơn, chỉ 65%.

Thật vậy, ngân hàng Phố Wall cho biết cơ hội giành chiến thắng của bà Le Pen hiện "có khả năng cao hơn đáng kể so với năm 2017". Chiến thắng này có thể khiến cho thị trường chứng khoán Pháp tụt dốc và các ngân hàng nước này sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất. Đồng euro cũng sẽ chịu áp lực từ chiến thắng của bà Le Pen, có khả năng giảm xuống 1,065 so với đồng đô la Mỹ. Mặt khác, nếu ông Macron giành chiến thắng thì sẽ mang lại "sự khởi sắc nhẹ nhàng".

CNN Business đưa ra nhận định rằng trong trường hợp số phiếu nghiêng về phía nữ ứng cử viên, chiến thắng của bà Le Pen có thể gây tác động đến thị trường tài chính lớn hơn nhiều so với sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) hay việc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016.

Amundi, chuyên gia về quản lý tài sản người Pháp đã chia sẻ với CNN Business rằng các ngân hàng đã tư vấn với khách hàng về việc họ không nên mua cổ phiếu tại châu Âu thời điểm này vì ba lý do: xung đột, bất ổn kinh tế và bầu cử Pháp.

Ông Claeys, nhà phân tích thuộc tổ chức tư vấn Bruegel tại Brussels, Bỉ cho biết: "Mặc dù việc rời khỏi EU không nằm trong nội dung tranh luận chính thức, nhưng với những chính sách mà bà Le Pen muốn đưa ra, nó sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu giữa Pháp với các đối tác châu Âu trong trường hợp bà thắng cử"    

Bầu cử Tổng thống Pháp- Những dự báo trước giờ G - Ảnh 3.

Căn cứ vào vòng bầu cử đầu tiên, sẽ có trên 20% người Pháp bỏ bầu cử hoặc bỏ phiếu trắng bởi họ không thấy có ứng cử viên nào thực sự thuyết phục. Ảnh: AFP

Bầu cử 2022: Cuộc trưng cầu về giá trị lãnh đạo nước Pháp và về châu Âu

Chủ đề quan tâm số 1 trong cuộc bầu cử lần này giá cả sinh hoạt leo thang - từ hóa đơn điện, thực phẩm đến xăng xe. Điều này được nhóm tranh cử của bà Le Pen khai thác từ rất sớm, bằng lời hứa rằng một Chính phủ thống nhất dân tộc sẽ "tấn công" tình trạng giá cả leo thang. Bà Le Pen cam kết sẽ có các biện pháp để giảm chi phí sinh hoạt của người dân. Bà khẳng định sẽ làm tốt hơn so với Tổng thống đương nhiệm Macron để cải thiện cuộc sống, nâng cao giá trị việc làm và thúc đẩy sức mua của dân chúng. 

Trong khi đó, Tổng thống Macron cho biết chủ trương cải thiện cuộc sống người dân sẽ được hiện thực hóa thông qua các dự án lớn về giáo dục và y tế. Ông khẳng định các biện pháp mà ông đưa ra sẽ giúp cải thiện thu nhập của các hộ gia đình Pháp hiệu quả hơn so với chính sách của bà Le Pen và nước Pháp sẽ trở thành một cường quốc sinh thái trong thế kỷ 21. 

Lãnh đạo này cũng cam kết không tăng thuế và sẽ tăng tuổi nghỉ hưu thêm 4 tháng mỗi năm, tức là người lao động có thể làm việc đến năm 65 tuổi. Ông nhấn mạnh đến thành tựu giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua. Phản đối quan điểm này, bà Le Pen bảo vệ chính sách tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi.

Hai ứng cử viên tổng thống Pháp cũng cho thấy sự khác biệt lớn trong vấn đề di cư. Cũng như lần tranh cử hồi năm 2017, bà Le Pen nhấn mạnh cần tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc tiếp nhận người di cư và cần phải giải quyết tình trạng di cư mà bà mô tả là "hỗn loạn" hiện nay. Về phần mình, ông Macron cho rằng một cuộc trưng cầu ý dân không thay đổi được điều gì và vấn đề này phụ thuộc sự hợp tác với các nước khác.

Liên quan đến quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), bà Le Pen có phần mềm mỏng hơn khi khẳng định vẫn muốn nước Pháp là thành viên, song cần cải tổ EU và Ủy ban châu Âu tôn trọng chủ quyền của các quốc gia. Bà nhấn mạnh nước Pháp là một cường quốc thế giới chứ không chỉ là cường quốc châu Âu. Trong khi đó, ông Macron lại đề cao tinh thần hợp tác trong EU, thể hiện rõ qua việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 trong các nước châu Âu. Ông cho rằng ý tưởng của bà Le Pen về "một châu Âu gồm các quốc gia" đồng nghĩa với cái kết cho Liên minh châu Âu (EU).

Thông điệp của bà Le Pen với cử tri là " Hoặc ông Macron hoặc nước Pháp". Còn thông điệp của ông Macron là " Cuộc bầu cử này là cuộc trưng cầu ý dân về chủ nghĩa thế tục và về châu Âu", hàm ý về một lệnh cấm khăn trùm đầu nơi công cộng theo ý tưởng của bà Le Pen. 

    Quan điểm khác nhau về vấn đề Nga-Ukraine

Sự tương phản giữa hai ứng cử viên Tổng thống Pháp còn được thể hiện trong vấn đề Nga-Ukraine. Bà Le Pen bày tỏ ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine, song bà phản đối việc áp đặt lệnh hạn chế nhập khẩu năng lượng và khí đốt của Nga. Theo ứng cử viên đảng cực hữu này, ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ không gây ảnh hưởng đến Matxcơva và chỉ gây tác động nặng nề đối với người dân Pháp.

                                     Các kịch bản nếu giành chiến thắng

Bầu cử Tổng thống Pháp- Những dự báo trước giờ G - Ảnh 4.

Những lá phiếu đã được chuẩn bị sẵn sàng. Ảnh: Euronews

Nếu ông Macron giành chiến thắng, ông sẽ tiếp tục đường lối trung dung, ủng hộ châu Âu như trong nhiệm kì một. Theo tờ The Local, nhóm vận động tranh cử của ông thậm chí còn đặt chỗ ở Champ-de-Mars – một vị trí đắc địa ngay cạnh tháp Eiffel để ông Macron có thể phát biểu nếu ông đắc cử.

Ngược lại, nếu bà Le Pen là chủ nhân tiếp theo của Điện Elysée, một cuộc chuyển giao quyền lực sẽ đưa Pháp sẽ sang lối đi mới, với những chính sách mới theo quan điểm tranh cử của bà.

Vị thế của nước Pháp trên chính trường sẽ ra sao trong năm năm tới sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào những lá phiếu được bỏ trong vài giờ nữa. Kết quả vẫn còn là ẩn số!

Tham khảo: CNN Business, CNBC, The Local, France24, Reuters, AFP.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước