Người dân Anh xếp hàng dài để chờ đến lượt tiêm mũi vaccine tăng cường. Ảnh: Reuters
Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất với 55.696.500 ca nhiễm, trong đó 846.905 ca tử vong. Do sự bùng phát của dịch COVID-19, nhất là biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2, trong ngày cuối cùng của năm 2021, Mỹ tiếp tục phải hủy hơn 1.400 chuyến bay trên toàn quốc. Theo số liệu thống kê trên trang FlightAware, tổng cộng 1.417 chuyến bay ở Mỹ đã bị hủy vào đêm Giao thừa. Ngoài những chuyến bay bị hủy, gần 2.000 chuyến bay bổ sung ở Mỹ cũng đã bị hoãn. Tính trong cả tuần nghỉ lễ, hơn 7.000 chuyến bay ở Mỹ đã bị hủy, khiến hàng nghìn du khách bị mắc kẹt khi cố gắng trở về nhà. Hầu hết các hãng hàng không cho biết, lý do phải hủy chuyến bay là do có nhiều nhân viên và người lao động bị mắc COVID-19 hoặc đang phải cách ly. Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu, hơn 6.500 chuyến bay đã bị hoãn và gần 3.000 chuyến bị hủy.
Tại quốc gia láng giềng Canada, nhiều tỉnh của nước này đã rút ngắn thời gian cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều cơ bản. Hai tỉnh miền Tây Canada là Alberta và British Columbia thông báo giảm một nửa thời gian tự cách ly bắt buộc khi mắc COVID-19 xuống còn 5 ngày đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 cơ bản. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Canada đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt lao động và những thách thức khác do biến thể Omicron gây ra. Trước đó, Ontario, tỉnh đông dân nhất cả nước, cũng đã có quyết định tương tự. Còn tại tỉnh Quebec, chính quyền cấm mọi cuộc tụ tập riêng tư và áp lệnh giới nghiêm ban đêm để chặn đà lây lan của dịch bệnh trên địa bàn. Dịch bệnh tăng mạnh cùng các biện pháp siết chặt phòng ngừa đã khiến nhiều người dân Canada phải gác lại kế hoạch đêm Giao thừa.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ cấm những công dân chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đi du lịch nước ngoài từ 10/1 tới. Bộ Ngoại giao cùng Cơ quan Quản lý thảm họa và khủng hoảng khẩn cấp quốc gia UAE đã đưa ra thông báo trên ngày 1/1 và cho biết những người đã tiêm đủ liều cơ bản cũng sẽ phải tiêm liều tăng cường mới được đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với những người được miễn trừ y tế và nhân đạo.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho một người dân bịt kín mít ở thủ đô Manila, Philippines - Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Lào đã bổ sung danh sách công dân các quốc gia được phép nhập cảnh nước này theo Chương trình "Vùng xanh du lịch". Theo đó, sẽ có thêm công dân từ 14 nước được phép nhập cảnh vào Lào theo chương trình du lịch nói trên, gồm Brunei, Indonesia, Philippines, Na Uy, Thụy Sĩ, Phần Lan, Israel, Ireland, Hungary, Áo, New Zealand, Ba Lan, Đan Mạch và Bỉ. Trước đó, Lào đã công bố danh sách công dân 17 quốc gia được nhập cảnh nước này từ đầu năm 2022, trong đó có Việt Nam.
Ngày 1/1, Philippines ghi nhận 3.617 ca nhiễm mới và 43 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 2.847.486 ca, trong đó 51.545 người không qua khỏi. Nhà phân tích Guido David thuộc Nhóm Nghiên cứu OCTA cho biết, với số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng như hiện nay, hệ số lây nhiễm ở Philippines hiện tăng lên mức 3,19, điều này có nghĩa là một người mắc COVID-19 có thể lây lan cho hơn 3 người khác.
Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho rằng những biện pháp hạn chế mới ở nước này nhằm kìm hãm tốc độ lây lan dịch bệnh COVID-19 sẽ là lựa chọn cuối cùng khi không còn biện pháp nào khác. Ông cho rằng mỗi người cần thích nghi với virus và hạn chế áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt trong tương lai. Với tốc độ lây lan nhanh chóng, biến thể Omicron đang hoành hành tại Anh với số ca mắc mới mỗi ngày lên mức cao kỷ lục. Trong ngày 31/12, toàn nước Anh ghi nhận gần 190.000 ca nhiễm mới. Biến thể Omicron không chỉ trở thành biến thể chủ đạo tại vùng England và Scotland mà còn đang lây lan với tốc độ nhanh tại Bắc Ireland và xứ Wales. Tuy nhiên, Anh vẫn chưa áp đặt các quy định mới đối với vùng England vốn chiếm hơn 80% dân số cả nước. Trong khi đó, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland đều đã áp đặt các biện pháp như hạn chế tụ tập đông người, đóng cửa các câu lạc bộ đêm và duy trì giãn cách xã hội tại các quán bar.
Mặc dù dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan ở nhiều nước trên thế giới, nhưng Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus lạc quan rằng, đại dịch COVID-19 có thể kết thúc trong năm 2022 nếu tỷ lệ tiêm chủng vaccine toàn cầu tăng và các nước cùng hợp tác để kiềm chế dịch bệnh lây lan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!