Đây là thông tin do một nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết vào ngày 3/2.
Biến thể phụ BA.2 đã bắt đầu thay thế biến thể BA.1 "nguyên bản" phổ biến hơn của Omicron ở các quốc gia như Đan Mạch. Dữ liệu từ đó cho thấy, không có sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của bệnh, theo một quan chức khác của WHO.
Tiến sĩ Nicksy Gumede-Moainsti nói trong một cuộc họp báo trực tuyến: "BA.2 đã được báo cáo ở năm quốc gia, đó là Botswana, Kenya, Malawi, Senegal cũng như Nam Phi. Và chúng tôi rất lo ngại (về biến thể này)".
Bà Gumede-Moainsti cho biết thêm rằng, BA.2 dường như khó phát hiện hơn vì nó không phải lúc nào cũng được tìm thấy bởi tiêu chí S-Gene Target Failure, được sử dụng để phân biệt biến thể Omicron gốc với các biến chủng khác.
Theo bà Gumede-Moainsti, WHO đang làm việc rất chặt chẽ với các phòng thí nghiệm, yêu cầu họ chuyển tiếp các mẫu không bị coi là Omicron để phân tích thêm nhằm có được thông tin chính xác hơn về sự lây lan của BA.2.
Biến thể phụ BA.2 của Omicron đã được tìm thấy ở Botswana, Kenya, Malawi, Senegal và Nam Phi. (Ảnh: Reuters)
Phiên bản BA.1 của Omicron có phần dễ theo dõi hơn so với các biến thể trước đó. Điều này là do BA.1 thiếu một trong ba gene mục tiêu được sử dụng trong xét nghiệm PCR thông thường. Các trường hợp hiển thị dạng này được mặc định là do BA.1 gây ra.
BA.2, đôi khi được biết đến như một biến thể phụ "tàng hình", không có gene mục tiêu bị thiếu giống như biến thể Omicron ban đầu. Thay vào đó, các nhà khoa học đang theo dõi chủng virus này giống như cách họ sử dụng đối với các biến thể trước đó, bao gồm cả Delta, bằng cách theo dõi số lượng bộ gene virus được gửi đến cơ sở dữ liệu công cộng như GISAID.
Cũng giống như các biến thể khác, việc lây nhiễm COVID-19 do BA.2 có thể được phát hiện bằng các bộ kit xét nghiệm tại nhà, mặc dù chúng không thể chỉ ra việc mắc COVID-19 là do chính xác biến thể nào, các chuyên gia cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!