Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm sẽ trở thành Thủ tướng Đức?

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 26/11/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Việc ông Olaf Scholz sắp trở thành Thủ tướng Đức không gây ngạc nhiên ở châu Âu, tuy nhiên trong thời gian tranh cử không mấy khi ông đả động đến chính sách đối ngoại.

Gần 2 tháng sau cuộc tổng tuyển cử liên bang tại Đức, ba đảng Dân chủ xã hội - SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do - FDP đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập một chính phủ liên minh mới. Đảng SPD sẽ dẫn dắt chính phủ liên minh và chiếc ghế Thủ tướng Đức gần như chắc chắn sẽ được trao cho ông Olaf Scholz, thủ lĩnh của SPD.

Chính phủ liên minh được cho là đã thống nhất được việc phân chia nắm giữ các bộ cụ thể. Đảng SPD, ngoài giữ chức Thủ tướng, sẽ phụ trách 6 bộ, bao gồm cả Bộ Quốc phòng. Đảng Xanh sẽ giữ 5 bộ, trong đó có Bộ Ngoại giao. Đảng dân chủ tự do FDP sẽ giữ 4 bộ, bao gồm Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm Olaf Scholz, 63 tuổi, thủ lĩnh đảng Dân chủ xã hội SPD, gần như chắc chắn sẽ được phê chuẩn trở thành Thủ tướng mới của Đức vào đầu tháng 12 tới. Khi đó, ông Scholz sẽ chính thức thay bà Angela Merkel để dẫn dắt Chính phủ Đức sau 16 năm cầm quyền của bà Merkel và đảng Dân chủ Thiên chúa giáo - CDU.

Thỏa thuận liên minh dài 177 trang, đề cập kế hoạch triển khai công việc của Chính phủ Đức mới trong nhiệm kỳ tới đây. Về mặt chính sách, chính phủ liên minh mới tại Đức đã đạt được các phương hướng quan trọng, như việc siết lại giới hạn nợ, quay lại kỷ luật ngân sách vào năm 2023, chấm dứt việc sử dụng năng lượng than tại Đức vào năm 2030, thay vì 2038 như dự kiến trước đó.

Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm sẽ trở thành Thủ tướng Đức? - Ảnh 1.

Chính phủ liên minh được cho là đã thống nhất được việc phân chia nắm giữ các bộ.

Chính phủ mới tại Đức cũng được cho là sẽ thể hiện quan điểm quyết liệt hơn về các vấn đề đối ngoại, khi chức vụ Ngoại trưởng nhiều khả năng sẽ do lãnh đạo đảng Xanh - Annalena Baerbock nắm giữ. Trong suốt quá trình tranh cử 1 năm qua, bà Annalena đã nhiều lần tuyên bố muốn nước Đức cứng rắn hơn với các đối thủ lớn như Nga, Trung Quốc. Chính phủ mới cũng đặt mục tiêu chi 2% Tổng GDP cho quốc phòng, mức phù hợp với mục tiêu đặt ra của NATO.

Ông Olaf Scholz sẽ thể hiện mình ra sao sau 2 tuần nữa?

Ông Olaf Scholz là một gương mặt đã quen trên chính trường Đức và tại châu Âu. Ông Scholz gia nhập đảng Dân chủ xã hội SPD từ khi 17 tuổi, đã từng phục vụ trong 2 nhiệm kỳ chính phủ do bà Angela Merkel lãnh đạo. Có đánh giá cho rằng, hiếm có lãnh đạo Đức nào lên nắm quyền trong bối cảnh nhiều khủng hoảng như thời điểm hiện tại. Ngay sau khi được phê chuẩn, ông Olaf Scholz sẽ phải đối phó với làn sóng đại dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại, khủng hoảng người di cư ở biên giới Đông Âu, các vấn đề trong quan hệ với Mỹ - Nga - Trung Quốc, các vấn đề của liên minh châu Âu và NATO. Ông Olaf Scholz sẽ thể hiện mình ra sao sau 2 tuần nữa là câu hỏi đang được thảo luận nhiều lúc này tại châu Âu?

Việc ông Olaf Scholz sắp trở thành Thủ tướng Đức không gây ngạc nhiên ở châu Âu. Tuy nhiên, trong thời gian tranh cử ông Olaf Scholz không mấy khi đả động đến chính sách đối ngoại, cho nên đây vẫn là ẩn số. Thỏa thuận thành lập chính phủ giữa ba đảng có nêu lên rằng nước Đức sẵn sàng cải tổ châu Âu theo hướng dần biến Liên minh châu Âu thành một dạng nhà nước liên bang, thêm quyền lực cho các định chế châu Âu, làm cho châu Âu giảm lệ thuộc bên ngoài về năng lượng, y tế và nguyên liệu.

Các bình luận về sự kiện này đều cho rằng ông Olaf Scholz là một chính trị gia theo đường lối thực dụng, ông có trở thành Thủ tướng Đức thì cũng không tạo thay đổi nào quá lớn so với thời bà Angela Merkel làm Thủ tướng.

Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm sẽ trở thành Thủ tướng Đức? - Ảnh 2.

Chính phủ mới của Đức cam kết tăng đầu tư cho lĩnh vực chống biến đổi khí hậu

Đâu sẽ là những ưu tiên của chính phủ mới sau khi thành lập?

Chính phủ mới của Đức nhấn mạnh mục tiêu môi trường khí hậu, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện dùng than muộn nhất là vào năm 2030. Chi tiết rất quan trọng là cam kết tăng đầu tư cho lĩnh vực chống biến đổi khí hậu nhưng không tăng thuế và không làm thâm hụt thêm ngân sách công.

Về xã hội, chính phủ tăng lương tối thiểu từ 9,6 lên 12 euro cho một tiếng làm việc, dạy nghề miễn phí cho thanh niên, thúc đẩy xây thêm 400.000 căn nhà mới mỗi năm trong đó 1/4 là từ công quỹ.

Về nhập cư, chính phủ mới sẽ cho phép công dân mang hai quốc tịch, đồng thời hỗ trợ thêm nữa cho người nhập cư hợp pháp hòa nhập cuộc sống mới, người nhập cư dưới 27 tuổi có thể nhận giấy tờ hợp pháp sau ba năm đầu tiên.

Theo giới quan sát, việc ba đảng tại Đức đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh chưa đầy 2 tháng sau khi kết thúc tổng tuyển cử đã là một tốc độ nhanh hơn dự kiến. Hồi năm 2017, các đảng phái đã mất đến gần 6 tháng cho các sắp xếp này. Ở vị trí cường quốc số 1 châu Âu, việc nước Đức sớm có một chính phủ và một thủ tướng mới để gánh vác trọng trách, là điều cần thiết. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp và các vấn đề khu vực nhiều diễn biến mới khó lường.

Bầu cử Quốc hội Đức: Chưa thể biết ai sẽ là Thủ tướng Bầu cử Quốc hội Đức: Chưa thể biết ai sẽ là Thủ tướng

VTV.vn - Một cuộc bầu cử với kết quả sít sao, hai đảng lớn nhất sẽ phải ganh đua để có thể thành lập một chính phủ liên minh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước