Brexit “cứng” hay "mềm" - Kịch bản nào cho cuộc chia tay Anh - EU?

Thanh Ba (VTV8)-Thứ sáu, ngày 06/09/2019 21:16 GMT+7

VTV.vn - Hạ viện Anh đã thông qua dự luật mới nhằm trì hoãn Brexit để tránh kịch bản ra đi không thỏa thuận (Brexit "cứng").

Thủ tướng Anh đã bị Hạ viện nước này bác bỏ kế hoạch tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10. Dự luật mới mà Hạ viện Anh thông qua được Thủ tướng Anh gọi là "Dự luật đầu hàng" khi trao cho EU nhiều lợi thế trong việc đàm phán thỏa thuận Brexit. Dự luật này đặt Thủ tướng Anh vào tình thế phải yêu cầu EU trì hoãn Brexit nếu hội nghị thượng đỉnh của EU tại Brussels vào ngày 17 và 18/10 không thể tạo ra một thỏa thuận, hoặc nếu các nghị sĩ Anh không tán thành phương án Brexit "cứng". Tuy nhiên, bất chấp sức ép từ Quốc hội, Thủ tướng Anh khẳng định sẽ không nhượng bộ.

Trong bối cảnh phe Bảo thủ cầm quyền mất thế đa số tại Hạ viện sau khi Thủ tướng Anh khai trừ 20 nghị sĩ bắt tay với đảng đối lập nhằm giành quyền kiểm soát Quốc hội, Chính phủ Anh dự kiến sẽ bỏ phiếu vòng cuối tại Hạ viện vào ngày 9/9 tới về đề xuất tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10 nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay.

Brexit là cuộc chia tay đầy khó khăn giữa Anh với EU khi phía EU kiên quyết không đàm phán lại thỏa thuận đã đạt được với cựu Thủ tướng Anh Theresa May sau hơn 2 năm thương lượng nhưng đã 3 lần bị Hạ viện Anh bác bỏ. Quyết định quan trọng trong chiến lược Brexit của tân Thủ tướng Anh - tạm dừng hoạt động của Quốc hội Anh tới ngày 14/10 - đã thất bại khi Hạ viện Anh giành lại quyền kiểm soát Brexit bằng việc thông qua nghị quyết tước quyền kiểm soát của Chính phủ Anh đối với tiến trình này để ngăn Brexit "cứng". Như vậy, trong trường hợp Anh và EU không đạt thỏa thuận vào ngày 19/10, Anh sẽ hoãn Brexit đến ngày 31/1/2020. Và chính Thủ tướng Anh sẽ phải đề xuất phương án này với các nhà lãnh đạo EU vào cuộc họp ngày 17/10 tới.

Các kịch bản có thể xảy ra với Brexit cho đến lúc này gồm 5 khả năng:

1. Nếu dự luật nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận chính thức có hiệu lực, Chính phủ Anh sẽ phải yêu cầu liên minh châu Âu đồng ý trì hoãn Brexit đến cuối tháng 1/2020 trong trường hợp hai bên không đi đến kết quả đàm phán chung trước 19/10. 

Nếu không, sẽ xảy ra 2 khả năng khác:

2. Hoặc là Brexit không thỏa thuận;

3. Hoặc Brexit có thỏa thuận;

4. Một khả năng nữa, dù được đánh giá rất khó xảy ra, là đảo ngược Brexit, Anh vẫn ở lại trong EU; 

5. Việc thay đổi nội các Chính phủ cũng sẽ chi phối kết quả Brexit, khi ông Johnson sẽ tiếp tục tìm kiếm một cuộc tổng tuyển cử sớm nữa vào ngày 9/9, ngay trước khi Hạ viện Anh đóng cửa trong 5 tuần. 

Động thái này nhằm gia tăng khả năng đưa Anh rời EU vào đúng ngày 31/10 dù có thỏa thuận hay không, vốn là điều mà ông Johnson nhiều lần nhấn mạnh. Không ai dám chắc điều gì vào lúc này, khi tiến trình rời liên minh của Anh đang rất rối ren và luẩn quẩn. Và có lẽ sau ngày 9/9 sẽ vẫn còn có thay đổi, làm ảnh hưởng đến Brexit trong nội bộ chính trường Anh.

Có thể thấy, từ thời điểm quyết định Brexit đến nay đã có 2 vị Thủ tướng Anh phải ra đi và tân Thủ tướng Anh cũng đang hứng chịu nhiều sóng gió trong những tuần làm việc đầu tiên. Rõ ràng, dù với kịch bản nào, Brexit cũng đang kéo nước Anh từ trụ cột của sự ổn định kinh tế và chính trị ở lục địa già rơi vào khủng hoảng chưa có hồi kết.


Thủ tướng Johnson quyết không trì hoãn Brexit Thủ tướng Johnson quyết không trì hoãn Brexit Quốc hội Anh ngăn chặn Brexit không thỏa thuận Quốc hội Anh ngăn chặn Brexit không thỏa thuận Nước Anh có thể thiệt hại 16 tỷ USD do Brexit không thỏa thuận Nước Anh có thể thiệt hại 16 tỷ USD do Brexit không thỏa thuận


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước