Bức tranh thế giới năm 2018 sẽ có màu gì?

TTXVN-Thứ năm, ngày 28/12/2017 16:07 GMT+7

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Bloomberg)

VTV.vn - Mạng tin của Tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor vừa đưa ra dự báo bức tranh thế giới năm 2018.

Theo đó, việc Triều Tiên có thể đạt được khả năng răn đe hạt nhân sẽ mở ra một kỷ nguyên răn đe hạt nhân mới bất ổn hơn. Trong bối cảnh "bóng ma" chiến tranh hiện hữu tại châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc và Nga sẽ liên kết với nhau trong khi Mỹ trấn áp mạnh hơn đối với Iran và các đối tác mậu dịch của Mỹ.

Các quốc gia trên toàn cầu sẽ bắt đầu bước vào năm mới 2018 với đôi chút tin tức tốt lành. Một thập niên sau cuộc khủng hoảng tài chính làm rung động cả thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP trên toàn cầu rốt cuộc đã bắt đầu có đà. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng hơn 3,5% trong năm 2018 - tốc độ nhanh nhất trong 8 năm qua.

 Tuy nhiên, nhiều vấn đề trầm trọng về cơ cấu được phơi bày bởi cuộc khủng hoảng vẫn còn dai dẳng, báo hiệu sự phục hồi mong manh. Ngoài ra, một số nguy cơ địa chính trị - đơn cử như "bóng ma" xung đột trên Bán đảo Triều Tiên, những mối đe dọa của chiến tranh mậu dịch toàn cầu, những ranh giới chiến trường tại Trung Đông và sự lo ngại trước nợ của Trung Quốc và Ấn Độ - có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu trở lại khủng hoảng.

Trong bối cảnh đó, Mỹ và các cường quốc khác như Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến bức tranh của thế giới. Đối với vấn đề Triều Tiên, cửa sổ để Mỹ có thể tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào chương trình hạt nhân tên lửa của Bình Nhưỡng đang nhanh chóng khép lại. Mặc dù không thể loại trừ khả năng xảy ra tấn công khủ đầu, song cái giá quá đắt phải trả - một cuộc chiến tranh hỗn loạn đẩy nền kinh tế trở lại suy thoái - sẽ khiến Mỹ nhiều khả năng đành phải chấp nhận thực tế là Triều Tiên sở hữu khả năng răn đe hạt nhân khả thi. Sự chấp nhận này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên răn đe hạt nhân bất ổn hơn trong khi Mỹ và các đồng minh châu Á phải áp dụng chính sách kiềm chế. Sự xuống cấp từ từ của những hiệp ước kiểm soát vũ khí đạt được hồi thế kỷ 20 sẽ chỉ càng làm phức tạp thêm vấn đề giữa lúc Nga và Trung Quốc tìm cách làm đối trọng trước mạng lưới phòng thủ tên lửa được mở rộng của Mỹ.

Mặc dù mối quan hệ đối tác mới nổi lên này đặt ra mối đe dọa chiến lược đối với Mỹ, song điều này cũng tạo nhiều cơ hội để Washington củng cố các liên minh ở những khu vực lân cận Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, môi trường quốc tế ngày nay không giống như thời Chiến tranh Lạnh, thời kỳ mà những đường biên giới xác định các liên minh và các cường quốc can dự vào những cuộc cạnh tranh "một mất một còn". Hiện tại, sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau, sự thiếu tin tưởng lẫn nhau và những đảm bảo an ninh không đáng tin cậy sẽ khiến những đồng minh bề ngoài dè chừng lẫn nhau và tự tìm cách bảo vệ chính mình. Những mối quan hệ dễ thay đổi như vậy sẽ định hình trật tự thế giới năm 2018 và xa hơn nữa.

Về lĩnh vực mậu dịch, Mỹ sẽ ráo riết theo đuổi chương trình mậu dịch chống Trung Quốc, Mexico, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc, Mỹ có thể sẽ quyết định từ bỏ hiệp định mậu dịch với Hàn Quốc, thay vì các hiệp định khác.

Đối với Trung Quốc, Washington sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với mậu dịch, đầu tư và tài sản trí tuệ trong khuôn khổ những phán quyết trong hoặc bên ngoài Tổ chức Thương mại Thế giới. Mỹ đã vận dụng trở lại 2 công cụ mậu dịch sẵn có của họ: Điều 301 về điều tra nạn ăn cắp tài sản trí tuệ và cưỡng bức chuyển giao công nghệ, và Điều 232 về điều tra xem liệu thép nhập khẩu của Trung Quốc có gây tổn hại an ninh quốc gia của Mỹ và do đó trở thành mục tiêu bị áp thuế hay không. Washington cũng sẽ tiếp tục vận động hành lang để Liên minh châu Âu rút lại việc công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường tại WTO.

Chương trình nghị sự mậu dịch thẳng thừng của chính quyền Trump sẽ tiếp tục khiến cả thế giới hoang mang, gây ra ấn tượng rằng Nhà Trắng dự định giải tán WTO và thay đổi trật tự mậu dịch toàn cầu mà chính nước này đã chống lưng kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II. Tuy nhiên, những mối quan ngại như vậy có thể là không có căn cứ. Mặc dù Mỹ sẽ có thiên hướng sẵn sàng hành động độc lập bên ngoài những ràng buộc của WTO, song nước này sẽ không muốn gánh chịu rủi ro kinh tế của việc rút khỏi tổ chức này. Thay vào đó, Washington sẽ dựa vào WTO như là một cơ quan thực thi, mặc dù họ sẽ áp dụng những biện pháp của riêng mình để bù lại cho những điểm yếu của thể chế này.

Về thị trường dầu, Saudi Arabia sẽ chịu gánh nặng duy trì những khoản cắt giảm sản lượng hiện nay trong khi các nước sản xuất khác không tuân thủ những hạn ngạch đã được nhất trí. Nếu không xảy ra cú sốc nào lớn đối với nền kinh tế thế giới, các nước sản xuất dầu lửa trong và ngoài OPEC hy vọng đạt được mục tiêu tái cân bằng thị trường dầu vào năm 2018.  

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước