Bước leo thang mới trong xung đột Nga - Ukraine

Linh Quy-Thứ hai, ngày 25/11/2024 07:43 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: THX/TTXVN)

VTV.vn - Triển vọng hòa bình cho xung đột Nga – Ukraine dường như vẫn còn rất xa vời.

Phương Tây liên tiếp vượt "lằn ranh đỏ" của Nga

Ngày 21/11, Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo chiến lược siêu vượt âm thế hệ mới Oreshnik, có thể mang đầu đạn hạt nhân tập kích cơ sở sản xuất hàng không vũ trụ của Ukraine. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một tên lửa chiến lược có thể mang đầu đạn hạt nhân được sử dụng trên chiến trường.

Động thái này diễn ra chỉ ít ngày sau những thông tin từ phía Nga cho rằng Ukraine đã sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất và Storm Shadow do Anh viện trợ có tầm bắn 300 km để tấn công vào  các mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ  của Nga.

Dù rằng mới chỉ nhắm các mục tiêu quân sự, nhưng những động thái cứng rắn từ cả hai bên, cùng với việc Nga điều chỉnh học thuyết hạt nhân sửa đổi, mở rộng khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử trong xung đột đang tạo nguy cơ đẩy cuộc xung đột quân sự giữa hai bên và là bước leo thang mới trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây.

Bước leo thang mới trong xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 1.

Xung đột Nga - Ukraine có dấu hiệu bước sang giai đoạn leo thang mới (Ảnh: NY Times)

Tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung siêu vượt âm Oreshnik có thể di chuyển với tốc độ lên tới Mach 10 (tương đương 2,5-3 km/giây) có tầm bắn hơn 5.500 km. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện đại mà Mỹ triển khai ở châu Âu không thể đánh chặn được những tên lửa như vậy.

Việc sử dụng tên lửa Oreshnik là lời cảnh báo răn đe mới nhất mà Nga gửi tới Mỹ và các đồng minh NATO.

Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh: "Chúng tôi đang tiến hành các cuộc thử nghiệm chiến đấu đối với hệ thống tên lửa Oreshnik để đáp trả các hành động gây hấn của các nước NATO chống lại Nga. Câu hỏi về việc triển khai thêm các tên lửa tầm trung và tầm ngắn sẽ được chúng tôi quyết định tùy thuộc vào hành động của Mỹ và các đồng minh của họ".

Phía Ukraine cho rằng việc Nga sử dụng tên lửa siêu vượt âm thế hệ mới đã đánh dấu bước leo thang lớn về quy mô và mức độ của cuộc xung đột hiện nay.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi kêu gọi: "Chúng tôi mong đợi từ các đối tác và đồng minh của mình những hành động bảo vệ cụ thể. Chúng tôi đang nói về việc tăng cường lá chắn phòng không ở Ukraine, để cung cấp cho Kiev các hệ thống có thể đánh chặn các loại tên lửa như vậy".

"Thêm dầu vào lửa"

Cuộc xung đột Nga - Ukraine thêm nóng khi các nước phương Tây đều ra tín hiệu cam kết viện trợ nhiều hơn cho Ukraine.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte khẳng định: "Chúng tôi sẽ thảo luận về cách có thể giúp Ukraine chiếm ưu thế. Điều đó có nghĩa là cần viện trợ nhiều hơn, nhiều tiền hơn cung cấp cho họ".

Thủ tướng Anh Keir Starmer bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi cần đảm bảo rằng Ukraine có những gì cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Nga".

Bước leo thang mới trong xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 2.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên trái) bắt tay Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: NY Times)

Trước sức ép từ phương Tây, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn học thuyết hạt nhân mới, cho phép Nga dùng vũ khí hạt nhân tấn công một quốc gia không có vũ khí hạt nhân bằng vũ khí hạt nhân, trong bối cảnh quốc gia thù địch nói trên được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn, thách thức toàn vẹn lãnh thổ của Nga.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố: "Chúng tôi tin rằng vũ khí hạt nhân trước hết là vũ khí để kiềm chế, ngăn chặn bất kỳ cuộc chiến tranh hạt nhân nào".

Cũng trong tuần qua, Quốc hội Ukraine đã thông qua mức ngân sách quốc phòng kỷ lục là 54 tỷ USD, chiếm hơn một nửa ngân sách quốc gia năm 2025. Hạ viện Nga cũng thông qua ngân sách quốc phòng năm 2025 ở mức cao kỷ lục 13,5 nghìn tỷ Ruble (khoảng hơn 133 tỷ USD)

Triển vọng đàm phán hòa bình Nga - Ukraine

Cả Nga và Ukraine đều không đóng hết cảnh cửa đàm phán. Thông điệp từ hai phía đều muốn kết thúc chiến tranh, nhưng không phải là hòa bình bằng bất cứ giá nào. Sự khác nhau về quan điểm này đang khiến tương lai đàm phán Nga – Ukraine khá mù mịt. Tuy nhiên, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp lên nắm quyền tại Mỹ rất có thể sẽ là yếu tố khơi thông thế bế tắc hiện nay.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump từng nhiều lần phản đối gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột ngay khi lên nắm quyền.

Ông Trump nhấn mạnh: "Tôi muốn sự chết chóc cần phải được chấm dứt. Tôi sẽ chấm dứt cuộc xung đột này trong vòng 24h sau khi tôi nhậm chức".

Các động thái mới từ Tổng thống đắc cử Donald Trump bắt đầu tạo nên các thay đổi đáng kể trong quan điểm của các quốc gia đồng minh phương Tây trong khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn đa phần theo đuổi chính sách cứng rắn với Nga. Diễn biến đáng chú ý nhất là việc Thủ tướng Đức, Olaf Scholz đã chủ động điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bước leo thang mới trong xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 3.

Phía Nga cũng khẳng định sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán, tuy nhiên phải dựa trên tình hình thực tế. Trong ảnh là Tổng thông Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu: "Theo quan điểm của tôi, sẽ không phải là một ý tưởng tốt nếu có các cuộc thảo luận trong tương lai gần giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga mà lãnh đạo một quốc gia quan trọng tại châu Âu lại không tự tiến hành các thảo luận. Có thể một số người tại Đức nghĩ đó là điều tốt, nhưng tôi thì không".

Dù chỉ trích Thủ tướng Đức là đã mang lại lợi thế đàm phán cho Nga nhưng theo giới quan sát, chính quyền Ukraine  dường như cũng đang thay đổi quan điểm.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: "Chúng tôi phải làm mọi điều có thể để cuộc chiến này kết thúc vào năm tới, thông qua các biện pháp ngoại giao".

Phía Nga cũng khẳng định sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán, tuy nhiên phải dựa trên tình hình thực tế.

Người phát ngôn Điện Kremlin – Dmitry Peskov thông tin: "Tổng thống Nga thường xuyên nhắc lại rằng, ông đã sẵn sàng cho việc tiếp xúc và tiến hành các cuộc đàm phán. Tổng thống cũng đã nói rằng bất kỳ phương án nào để đóng băng cuộc xung đột này đều sẽ không thể chấp nhận được đối với chúng tôi. Điều quan trọng đối với chúng tôi là đạt được các mục tiêu của mình, mà mọi người đều biết rõ những mục tiêu này".

Giới chuyên gia cho rằng dù nguy cơ leo thang xung đột từ cả hai phía vẫn rất cao trong thời gian gần đây, nhưng đây là các hành động mang tính toán chính trị nhiều hơn.

Ông In Kelly (Đại học Northwestern, Mỹ) nhận định: "Đến tháng 2 tới là xung đột diễn ra 3 năm và tôi nghĩ đã có sự mệt mỏi với cuộc chiến này và có một mong đợi ở cả Mỹ và châu Âu về việc cần phải tiến hành các động thái ngoại giao. Nếu làm thế, cần phải đặt Ukraine vào vị thế mạnh hơn cả về quân sự và chiến thuật. Điều này đồng nghĩa với việc tiếp tục hỗ trợ quân sự để chuẩn bị cho bất cứ giải pháp thương lượng nào".

Mấu chốt của vấn đề, theo giới quan sát, là cách Nga phản ứng trước các động thái tăng tốc hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nếu Nga đáp trả mạnh mẽ các động thái này, việc khởi động các đối thoại nhằm tìm giải pháp ngoại giao cho xung đột khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nắm quyền sẽ trở nên khó khăn hơn.

Tổng thống Putin: Nga đã phóng tên lửa đạn đạo siêu thanh mới Oreshnik Tổng thống Putin: Nga đã phóng tên lửa đạn đạo siêu thanh mới Oreshnik

VTV.vn - Quân đội Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung hiện đại vào mục tiêu của Ukraine - Tổng thống Nga Putin cho biết trong bài phát biểu hôm 21/11.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước