Việc gia hạn lệnh ngừng bắn thêm 5 ngày giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) đã được công bố trong một tuyên bố chung của Saudi Arabia và Mỹ vào tối 29/5.
Tuyên bố cho biết: "Việc gia hạn (lệnh ngừng bắn) sẽ cung cấp thời gian để hỗ trợ công tác nhân đạo hơn nữa, khôi phục các dịch vụ thiết yếu và thảo luận về khả năng gia hạn dài hạn hơn".
Hôm 28/5, cả Riyadh và Washington đã chỉ trích hai bên tham chiến vì những vi phạm thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tuần, sẽ hết hạn vào tối 29/5.
Sudan rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi giao tranh nổ ra vào giữa tháng 4 giữa quân đội do Tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo và RSF do cựu cấp phó của ông là Mohamed Hamdan Dagalo chỉ huy. Giao tranh tại Sudan đã khiến ít nhất 866 thường dân thiệt mạng và làm bị thương hàng nghìn người khác, theo Sudan Doctors’ Syndicate, chuyên theo dõi thương vong dân sự ở Sudan. Nhóm y tế này cho biết, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Xung đột đã biến thủ đô Khartoum và các khu đô thị khác thành chiến trường, buộc gần 1,4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đến các khu vực an toàn hơn ở Sudan hoặc các nước láng giềng.
Người tị nạn Sudan chờ nhận lương thực viện trợ từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), gần biên giới giữa Sudan và Chad ở Koufroun, Chad, ngày 9/5. (Ảnh: Reuters)
Trong nhiều tuần qua, Mỹ và Saudi Arabia đã làm trung gian đàm phán giữa quân đội Sudan và RSF tại thành phố cảng Jeddah của Saudi Arrabia. Cho đến nay, đã có bảy lệnh ngừng bắn được đưa ra nhưng tất cả đều bị vi phạm ở một mức độ nào đó.
Trong tuyên bố hôm 28/5, Mỹ và Saudi Arabia lưu ý rằng lực lượng quân đội Sudan tiếp tục thực hiện các cuộc không kích, trong khi RSF vẫn đang chiếm giữ nhà và thu giữ tài sản của người dân. Tiền, vật tư viện trợ và phương tiện thuộc đoàn xe nhân đạo đã bị đánh cắp, và hành vi trộm cắp xảy ra ở cả khu vực do quân đội và RSF kiểm soát.
Chiến tranh đã gây ra sự tàn phá trên diện rộng tại các khu dân cư ở thủ đô Khartoum và các thành phố lân cận Omdurman và Bahri. Người dân cho biết, các vụ xông vào nhà cướp phá đã diễn ra, chủ yếu do RSF thực hiện.
Nhiều văn phòng, cơ sở chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng dân sự khác của các nhóm viện trợ cũng đã bị tấn công và cướp phá. Nhiều bệnh viện đã bị tê liệt kể từ khi giao tranh bắt đầu nổ ra vào ngày 15/4.
Đã có báo cáo về bạo lực tình dục bao gồm hãm hiếp phụ nữ và trẻ em gái ở Khartoum và vùng Darfur phía Tây, nơi đã chứng kiến một số cuộc giao tranh tồi tệ nhất trong cuộc xung đột. Hầu hết các trường hợp tấn công tình dục được báo cáo đều bị cáo buộc là do cho RSF, tổ chức này đã không phản hồi các yêu cầu bình luận.
Các bác sĩ và nhân viên hoạt động cứu trợ cũng phải đối mặt với bạo lực từ cả hai bên tham gia nội chiến ở Sudan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!