Các cặp đôi Trung Quốc vội vã kết hôn trong Tuần lễ vàng

Huệ Anh-Thứ tư, ngày 14/10/2020 18:09 GMT+7

VTV.vn - Trung Quốc đã chứng kiến hơn 600.000 cặp đôi tổ chức đám cưới trong Tuần lễ Vàng của kỳ nghỉ Quốc Khánh

Các cặp đôi ồ ạt kết hôn trong Tuần lễ vàng

Trung Quốc đã chứng kiến hơn 600.000 cặp đôi tổ chức đám cưới trong Tuần lễ Vàng của kỳ nghỉ Quốc Khánh - vốn được coi là ngày trọng đại để gắn kết cô dâu chú rể đúng theo truyền thống của người Trung Quốc. Sau nhiều tháng phải hoãn cưới, thậm chí là phải tổ chức đám cưới online, các cặp đôi vội vã "về chung một nhà" khi làn sóng lây nhiễm của dịch COVID-19 đã dần hạ nhiệt ở nhiều thành phố.

Việc hàng trăm nghìn cặp đôi ồ ạt tổ chức ngày vui "ngàn năm có một" khiến các khách sạn và trung tâm tiệc cưới đều kín chỗ. Theo nền tảng dịch vụ cưới xin Hunliji, số lượng các cặp nam nữ đến đăng kí kết hôn đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày này đã ghi nhận 637 triệu người dân Trung Quốc mở hầu bao đi du lịch như một cách để "trả thù" và bù đắp cho những chuyến đi vốn đã bị trì hoãn do các lệnh hạn chế trước đó. Theo Bộ Văn hóa và Du lịch, người dân nước này đã chi khoảng 466 tỷ nhân dân tệ, tương đương 69,5 tỷ USD cho làn sóng "du lịch trả thù" hậu thời kì đỉnh dịch.

Các cặp đôi Trung Quốc vội vã kết hôn trong Tuần lễ vàng - Ảnh 1.

Một cặp đôi đăng ký kết hôn tại Trung Quốc trong Tuần lễ Vàng (Nguồn: The Guardian)

Các rạp chiếu phim khắp Trung Quốc cũng vừa trải qua một tuần lễ bận rộn. Tổng doanh thu tại các phòng vé lên tới 3,92 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 580 triệu USD.

Tại Vũ Hán, hồi tháng 12/2019, 99 đôi uyên ương, trong đó có nhiều nhân viên y tế tuyến đầu, đã tổ chức một đám cưới tập thể ngoài trời. Một đơn vị hải quân đóng tại thành phố Ninh Ba cũng tổ chức ngày vui này cho 15 cặp tình nhân.

Tuy nhiên, việc cùng một lúc có quá nhiều cô dâu lên xe hoa khiến đi ăn cưới trở thành một khoản chi tốn kém, nhất là khi người dân tại Trung Quốc vừa trải qua thời kỳ sụt giảm kinh tế chưa từng có tiền lệ. Câu chuyện về một người đàn ông ở tỉnh Quý Châu dự tới 23 đám cưới và chi hết một tháng lương vào quà mừng đang trở thành chủ đề được thảo luận rộng rãi trên mạng xã hội. Bên cạnh những lời than phiền về các khoản chi vượt mức, vẫn có người lạc quan khi cho rằng, điều này minh chứng cho việc giới chức Trung Quốc đã phần nào kiểm soát tốt dịch bệnh.

Giới chức Trung Quốc đang cố gắng cân bằng giữa việc phục hồi kinh tế và ngăn ngừa các ca nhiễm mới bùng phát. Nền kinh tế Trung Quốc - quốc gia duy nhất không sa chân vào làn sóng suy thoái do dịch COVID-19 dự kiến sẽ tăng trưởng 1,5- 2,5% năm nay, trong khi các nhà phân tích tin rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ lao dốc hơn 4%.

Những bữa tiệc đại hỷ - Nguồn lây lan tiềm ẩn của virus SARS-CoV-2

Các cặp đôi Trung Quốc vội vã kết hôn trong Tuần lễ vàng - Ảnh 2.

Các khách hàng Trung Quốc tại một cửa hàng bán váy cưới (Nguồn: Reuters)

Mặc dù vậy, việc mới đây Trung Quốc ghi nhận thêm 6 trường hợp nhiễm COVID-19 mới tại tỉnh Sơn Đông; trong khi thành phố ven biển Thanh Đảo bắt đầu xét nghiệm toàn bộ 9 triệu dân do ghi nhận một cụm dịch mới, khiến người dân nước này đứng trước nỗi lo mới: Liệu đi ăn cưới ồ ạt có khiến những bữa tiệc đại hỷ trở thành nguồn lây lan tiềm ẩn của virus SARS-CoV-2 hay không?

Bộ Dân chính Trung Quốc hồi tháng 2 cũng khuyến cáo các cơ quan đăng ký kết hôn tại địa phương tạm dừng dịch vụ đối với các cặp đôi đăng ký kết hôn vào ngày 2/2 - theo quan niệm của người Trung Quốc vốn được xem là ngày "ngàn năm có một" - để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Không sai khi quan ngại rằng, chính những bữa tiệc vui này lại là "super spreader-nguồn siêu lây nhiễm" của dịch COVID-19. Bởi trước đó, một đám cưới ở bang Maine (Mỹ) đã trở thành "sự kiện lây lan virus SARS-CoV-2" khiến 7 người tử vong và hơn 170 trường hợp nhiễm bệnh do vi phạm quy định cấm tụ tập trên 50 người. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC tại bang Maine đã ngay lập tức tiến hành truy vết tiếp xúc tại thị trấn 4.000 dân này để kiểm soát tốc độ lây lan.

Hồi tháng 3, một đám cưới hoành tráng tại khu phố thượng lưu ở Carrasco, Uruguay cũng trở thành tâm điểm chú ý sau khi 44 khách mời tham gia bữa tiệc dương tính với SARS-CoV-2. Mầm bệnh được truy vết từ một vị khách mời vừa trở về từ Tây Ban Nha.

Các cặp đôi Trung Quốc vội vã kết hôn trong Tuần lễ vàng - Ảnh 3.

Cô dâu thử váy cưới tại một cửa hàng ở Trung tâm áo cưới Huqiu (Nguồn: Reuters)

Rõ ràng, rủi ro từ những đám cưới như vậy khiến những bữa tiệc đại hỷ không còn vẹn nguyên chữ "hỷ". Trung Quốc đại lục đang dần nới lỏng các quy định giãn cách, những bữa tiệc tụ tập đông người không còn nằm trong danh sách cấm, thế nhưng, mối nguy cho sức khỏe những người tham dự vẫn luôn tiềm tàng.

Trước đó, việc tuân thủ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt khiến ngành công nghiệp váy cưới và phụ kiện cô dâu ở Tô Châu - thành phố xuất khẩu đồ dùng phục vụ cô dâu lớn nhất thế giới điêu đứng khi một loạt các đám cưỡi bị hoãn hủy. Theo phân tích, tốc độ tăng trưởng doanh thu vốn đạt tới 15,5% mỗi năm của thị trường đồ cưới Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Chi phí vận chuyển tăng mạnh do dịch cũng khiến những chiếc váy cưới xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Anh Jiang Xin, đại diện công ty dung cấp dịch vụ vận chuyển Hermosa Trading, cho biết: "Thuế thì cố định nhưng chi phí vận chuyển tăng do nhiều chuyến bay bị hủy. Chu kỳ đặt hàng lâu hơn cũng khiến chi phí tăng".

Dù kinh tế Trung Quốc đang có đà phục hồi mạnh mẽ hơn đa số các quốc gia khác, các nhà phân tích vẫn đánh giá sự vực dậy này là không đồng đều ở mỗi tỉnh thành phố. Một nghiên cứu với 3.300 doanh nghiệp trong khoảng thời gian từ ngày 13 tháng 8 đến ngày 12 tháng 9 cho thấy, hầu hết các công ty tại vùng ngoại ô thành phố đang "phục hồi trong im lặng".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước