Các công nghệ truyền thông trong bầu cử Mỹ 2020

Trang Phan-Thứ ba, ngày 27/10/2020 17:47 GMT+7

VTV.vn - Khi công nghệ truyền thông được coi là chìa khóa thành công trong nhiều sự kiện hoặc cuộc đấu, sẽ thật khó tin nếu các bên tranh cử Mỹ không tận dụng sức mạnh uy lực này.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 sẽ mang tính lịch sử vì nhiều lý do và hai đảng tranh cử đã và đang tận dụng sức mạnh của công nghệ truyền thông như một công cụ hữu hiệu để huy động toàn lực cử tri ủng hộ.

KHAI THÁC DỮ LIỆU - CÔNG CỤ KHÔNG THỂ THIẾU TRONG BẦU CỬ

Dữ liệu luôn là một phần quan trọng của các chiến dịch vận động và bầu cử. Đằng sau những cam kết thay đổi đất nước và giúp cuộc sống của người dân tốt đẹp lên của các ứng cử viên, bầu cử còn chính là dịp để các công ty công nghệ kinh doanh dữ liệu cho các bên tranh cử, thông qua việc thăm dò ý kiến, tìm hiểu tâm lý của cử tri, nhân khẩu học, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, lượt xem quảng cáo,…Những dữ liệu này sẽ được các bên tranh cử khéo léo sử dụng để kết nối với cử tri, đánh vào tâm lý hay truyền cảm hứng đối với họ, khiến họ thay đổi suy nghĩ. Nhiều chuyên gia cho rằng, thắng lợi trong một cuộc bầu cử của ứng cử viên nào đó đôi khi còn là nhờ khả năng thu thập và sử dụng các dữ liệu một cách thông minh nhất.

Các công nghệ truyền thông trong bầu cử Mỹ 2020 - Ảnh 1.

Theo nhiều chuyên gia, thắng lợi trong một cuộc bầu cử của ứng cử viên nào đó đôi khi còn là nhờ khả năng thu thập và sử dụng các dữ liệu một cách thông minh nhất. (Ảnh: CNN)

Năm 2017, bà Hillary Clinton - ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 từng cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ đã cung cấp cho nhóm tranh cử của bà những dữ liệu lỗi thời. Theo bà Clinton, điều này góp phần vào thất bại của bà trước ông Donald Trump, người sở hữu những công cụ thu thập dữ liệu ấn tượng đến từ Đảng Cộng hòa. Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủ sau đó đã "phản pháo" lại ý kiến của bà Clinton, cho rằng đó không phải là do dữ liệu, mà là do cách sử dụng dữ liệu không phù hợp.

Trong cuộc bầu cử năm 2020, các bên tranh cử đã thêm những đổi mới vào chiến lược thu thập và sử dụng dữ liệu của họ. Sau đây là những công nghệ dữ liệu được sử dụng trong bầu cử 2020

Lưu trữ dữ liệu cử tri

Trong vài năm qua, các chiến dịch đã liên tục bổ sung vào kho thông tin cá nhân của cử tri mà họ lưu giữ. Kho thông tin này một phần có được là nhờ kết quả của thực tiễn gọi là quảng cáo chuyển đổi, trong đó các chiến dịch chạy quảng cáo phản hồi trực tiếp nhằm tìm cách nhận thông tin liên hệ hoặc ý kiến ​​trực tiếp từ một người. Tính đến tháng 5, cả hai chiến dịch tranh cử tổng thống đã chi tới 80% ngân sách quảng cáo của họ cho các quảng cáo phản hồi trực tiếp.

Các quan chức chiến dịch không muốn nói chính xác về lượng dữ liệu mà họ lưu trữ — nhưng hầu hết các tệp cử tri có thể có khoảng từ 500 đến 2.500 điểm dữ liệu cho mỗi người (tệp cử tri là một tập dữ liệu tích hợp hợp nhất thông tin đăng ký cử tri cấp tiểu bang). Mỗi ​​quảng cáo, cuộc gọi điện thoại, email và cú nhấp chuột sẽ làm tăng số điểm dữ liệu đó. Kể từ khi Sàn giao dịch Dữ liệu Dân chủ (DDx) trực tuyến vào tháng 6, nó đã tổng hợp hơn một tỷ điểm dữ liệu, hầu hết trong số đó, DDx cho biết, là thông tin liên hệ.

Nền tảng trao đổi dữ liệu

Hoạt động trao đổi dữ liệu cho phép chia sẻ dữ liệu giữa các chiến dịch của mỗi Đảng. Đảng Cộng hòa đã sử dụng Data Trust từ năm 2013 — Data Trust là trung tâm duy nhất bao gồm các dịch vụ trao đổi và lưu trữ dữ liệu cử tri của Đảng Cộng hoà. Data Trust đã chứng tỏ hiệu quả của mình nhiều lần. Ví dụ, trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, nó thu thập thông tin về những cử tri đã bỏ phiếu sớm. Các chiến dịch sau đó có thể ngừng tiếp cận những người đã bỏ phiếu xong, tiết kiệm được 100 triệu USD. Đảng Dân chủ cũng tạo ra phiên bản trung tâm Trao đổi dữ liệu của riêng họ, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6/2020.

Các công nghệ truyền thông trong bầu cử Mỹ 2020 - Ảnh 2.

Nền tảng trao đổi dữ liệu giữa các chiến dịch có thể giúp các bên tranh cử tiết kiệm được chi phí tranh cử. (Ảnh: CNN)

Sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để thăm dò cử tri

Trước đây, những cuộc thăm dò ý kiến thường được tiến hành qua các cuộc gọi điện thoại. Tuy nhiên, có một tình trạng là nhiều cử tri có xu hướng không nghe điện thoại từ số lạ. Do đó, kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cho tới nay, các chiến dịch tranh cử đã chuyển sang máy học và trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán hành vi của cử tri. Bằng cách phân tích hành vi trực tuyến của cử tri, bao gồm các xu hướng tiêu thụ dữ liệu, các mối quan hệ và các mô hình truyền thông xã hội của họ, các đội ngũ tranh cử có thể tạo ra các hồ sơ về tâm lý và hành vi cử tri, từ đó điều chỉnh chiến lược tranh cử.

Quảng cáo nhắm mục tiêu

Bên cạnh đó, các bên còn dùng chiến lược quảng cáo nhắm mục tiêu. Theo đó, chiến dịch tranh cử của cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cựu phó Tổng thống Joe Biden đều tìm cách trang bị cho mình những đánh giá toàn diện về từng cử tri tiềm năng. Họ sử dụng các thuật toán để phân loại và nhắm mục tiêu cử tri một cách cụ thể và chiến lược hơn.

Facebook vốn cho phép các chiến dịch nhắm mục tiêu đến các nhóm nhỏ và cá nhân. Cả hai chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump và ông Biden đều đã sử dụng các quảng cáo nhắm mục tiêu. Ví dụ, theo nghiên cứu của Đại học New York (Mỹ), từ ngày 30 tháng 7 đến ngày 4 tháng 8, một quảng cáo với thông điệp tạm dịch "Nước Mỹ sẽ hồi phục" đã xuất hiện trong nguồn cấp dữ liệu của khoảng 2.500 người dùng Facebook ở bang Wisconsin. Những người dùng này đã được chọn cụ thể theo tên hồ sơ từ danh sách do chiến dịch của ông Biden tải lên.

Các công nghệ truyền thông trong bầu cử Mỹ 2020 - Ảnh 3.

Trong bầu cử Mỹ 2020, các bên tranh cử còn dùng chiến lược quảng cáo nhắm mục tiêu trên mạng xã hội. (Ảnh: CNN)

SỨC ÉP LÊN CHIẾN LƯỢC TRUYỀN THÔNG SỬ DỤNG TRONG BẦU CỬ MỸ 2020

Tuy nhiên, dưới sức ép từ những lo ngại mạng xã hội có thể bị lợi dụng để can thiệp phiếu bầu, Facebook hôm 3/9 đã tuyên bố sẽ ngừng đăng các quảng cáo chính trị mới trong tuần trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ, từ ngày 27/10 - 3/11. Facebook còn cho biết họ cũng tạo nhãn dán riêng biệt cho những bài đăng của các ứng cử viên hoặc những chiến dịch tranh cử cố gắng tự nhận chiến thắng trước khi có kết quả bầu cử chính thức. Theo Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg, mạng xã hội này sẽ mở rộng chính sách nhằm ngăn chặn những bài đăng kêu gọi bạo lực hoặc gây tổn hại cho các quan chức liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Mặc dù vậy, các nhà quảng cáo chính trị có thể tiếp tục chạy quảng cáo mới sau ngày bầu cử.

Các nền tảng khác cũng đặt ra những hạn chế. Google đã cấm quảng cáo chính trị nhắm mục tiêu, trong khi Twitter cũng cấm quảng cáo chính trị khỏi các chiến dịch, nhưng vẫn cho phép quảng cáo từ các nhóm vận động liên kết chính trị.

Ngoài lệnh cấm từ Facebook,Google và Twitter, quảng cáo chính trị đang nằm dưới nhiều sức ép khác từ công chúng. Trong một nghiên cứu mới được công bố của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 54% công chúng Mỹ cho rằng các nền tảng mạng xã hội không nên cho phép bất kỳ quảng cáo chính trị nào. Trong khi đó, 77% người Mỹ tin rằng dữ liệu thu thập trên các nền tảng xã hội không nên được sử dụng cho mục đích chính trị.

Trên thực tế là hiện đã có một số dự luật trong Quốc hội Mỹ về việc Cấm Quảng cáo Chính trị nhắm mục tiêu. Các dự luật này sẽ được quyết định thông qua hay không vào năm 2021. Các chuyên gia cho rằng rất có thể sẽ có một số quy định về vấn đề này, bất kể ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng lúc bấy giờ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước