Các nước châu Á sẵn sàng ứng phó thảm họa động đất, sóng thần

Long Nguyễn, Văn Sơn-Thứ bảy, ngày 28/12/2024 06:54 GMT+7

VTV.vn - Hơn hai thập kỷ sau thảm họa sóng thần tại Ấn Độ Dương, các quốc gia châu Á đã thực hiện nhiều biện pháp chuẩn bị nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Vào ngày 26/12/2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ ngoài khơi tỉnh Aceh, Indonesia, đã gây ra trận sóng thần kinh hoàng tàn phá các cộng đồng ven biển châu Á trên hàng nghìn km. Những con sóng cao tới 30m, với sức công phá tương đương 23.000 quả bom nguyên tử, đã phá hủy nhiều ngôi làng, cảng biển và khu du lịch tại Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Sri Lanka cùng nhiều quốc gia khác. Thảm họa này đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, trong bối cảnh thiếu một hệ thống cảnh báo sớm phối hợp.

Tại làng Ban Nam Khem, tỉnh Phang Nga, Thái Lan – nơi từng chịu thiệt hại nặng nề với 5.400 người thiệt mạng, chính quyền và người dân đã thiết lập hệ thống giảm thiểu rủi ro gồm nơi trú ẩn bê tông, hệ thống báo động kép và các tuyến sơ tán rõ ràng. Ông Banlue Choosin, người giám sát bờ biển tại Phang Nga, cho biết: "Tôi không mong muốn đối mặt với sóng thần một lần nữa, nhưng tôi tin rằng, chúng tôi đã sẵn sàng. Nếu có cảnh báo, đừng tò mò hay do dự, hãy sơ tán đến nơi an toàn ngay lập tức".

Tương tự, tỉnh Aceh – nơi chịu thiệt hại nặng nhất với gần 170.000 người thiệt mạng và hàng nghìn công trình bị phá hủy – đã đưa chương trình giáo dục và diễn tập phòng ngừa sóng thần vào lịch trình bắt buộc tại các trường học từ năm 2010. Cảnh báo sớm và sơ tán nhanh chóng đã trở thành chìa khóa trong các biện pháp phòng ngừa thảm họa.

Các nước châu Á sẵn sàng ứng phó thảm họa động đất, sóng thần - Ảnh 1.

Tháng 3/2011, trận động đất kèm theo sóng thần đã tàn phá nặng nề 3 tỉnh Đông Bắc Nhật Bản là Iwate, Fukushima và Miyagi, khiến hơn 18.500 người thiệt mạng và mất tích, cùng nhiều nhà cửa bị hư hại. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 300 tỷ USD. (Ảnh: Britannica)

Anh Teuku Hafid Hududillah, nhân viên quan sát động đất tại tỉnh Aceh, chia sẻ: "Hệ thống cảnh báo sóng thần không tồn tại vào thời điểm đó. Giờ đây, với các thiết bị cảnh báo được lắp đặt, tôi tin rằng Aceh đã sẵn sàng đối phó nếu thảm họa xảy ra".

Trong hai thập kỷ qua, hơn 1.400 trạm quan sát toàn cầu đã được thiết lập để gia tăng thời gian cảnh báo sóng thần. Ba hệ thống chính bao phủ Ấn Độ Dương được đặt tại Jakarta (Indonesia), Melbourne và Canberra (Australia), và Hyderabad (Ấn Độ).

Tại Indonesia, hơn 1.000 công trình nghiên cứu về động đất và sóng thần đã được triển khai, bao gồm việc xây dựng các tháp sơ tán cao tầng có khả năng chống chịu nước và được trang bị sân bay trực thăng. Ngoài ra, quy trình cung cấp dịch vụ y tế và thực phẩm trong thảm họa cũng được tối ưu hóa.

Các chuyên gia nhận định, mức độ thiệt hại do thiên tai sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng sẵn sàng ứng phó. Những nỗ lực của các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và nhiều nước châu Á khác đã chứng minh tầm quan trọng của việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước thiên tai.

20 năm thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương: Vẫn còn đó những hình ảnh ám ảnh 20 năm thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương: Vẫn còn đó những hình ảnh ám ảnh Pháp ban bố tình trạng thảm họa thiên nhiên đặc biệt ở Mayotte Pháp ban bố tình trạng thảm họa thiên nhiên đặc biệt ở Mayotte Xu hướng mua hầm trú ẩn cá nhân tránh thảm họa tại Mỹ Xu hướng mua hầm trú ẩn cá nhân tránh thảm họa tại Mỹ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước