Chính phủ Pháp đã dành 1,5 tỉ Euro trong ngân sách năm 2021 để mua vaccine ngừa COVID-19, tổ chức hậu cần và bồi dưỡng cho những người tham gia phân phối, tiêm chủng và truy vết. Pháp cho biết đã mua 50 tủ đông siêu cấp, cho phép bảo quản các sản phẩm y tế. Tủ có kết nối với hệ thống báo động được đặt tại các vị trí an toàn, để các nhóm có thể cung cấp cho những người cần tiêm chủng.
Pháp cũng tổ chức diễn tập vận chuyển vaccine trên quy mô lớn. Đơn vị thử nghiệm là hãng hàng không Air France-KLM, liên doanh Pháp - Hà Lan, tổ chức thực hiện tại sân bay Schipol, tại Amsterdam, Hà Lan.
Đại diện hãng hàng không nhận định, đây là thách thức lớn về hậu cần, do khối lượng vaccine được phân phối rất lớn và yêu cầu phải có dây chuyền đông lạnh vaccine. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Pháp được cho là sự rút kinh nghiệm. Pháp từng thất bại trong chiến dịch tiêm chủng H1N1 năm 2009, số vaccine phải bỏ đi khi đó nhiều hơn cả số người được tiêm chủng.
Các nước châu Âu khác như Bỉ, Đức cũng đã chuẩn bị sẵn hậu cần, với việc mua các tủ cấp đông phù hợp. Một tủ đông siêu cấp có giá từ 6.000 - 12.000 Euro.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA ước tính, các nước trên thế giới cần khoảng 8 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19. Nếu mỗi bệnh nhân chỉ cần một liều duy nhất, số lượng lô hàng trên đủ để lấp đầy 8.000 máy bay vận tải Boeing 747. Dù vậy, tiêu chuẩn tiêm đủ 2 liều của hầu hết các loại vaccine đang trong quá trình phát triển sẽ khiến khối lượng này tăng lên đáng kể.
Hãng vận chuyển DHL của Đức cho biết, việc phân phối vaccine trên toàn cầu sẽ cần khoảng 15.000 chuyến bay và 15 triệu lượt giao hàng trong vòng hai năm tới.
Rất nhiều sự chuẩn bị mỗi nước cần phải tính đến cho một chương trình tiêm chủng có thể gọi là quy mô nhất thế giới từ trước đến giờ. Thậm chí có thể cả những tính toán, điều chỉnh về chính sách luật, như điều Nhật Bản cũng vừa làm trong tuần này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!