Châu Phi trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 20/08/2023 10:44 GMT+7

VTV.vn - Hàng loạt cam kết đang được các nước lớn đưa ra cho châu Phi. Các chương trình xóa nợ, các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng trị giá vài chục tỉ USD.

Một trung tâm quyền lực mới, một mối quan hệ đối tác chất lượng mới, một tương lai chung… đó là những gì đang được các nhà lãnh đạo, các nhà ngoại giao một loạt các nước lớn nói về châu Phi. Châu Phi sẽ là trọng tâm thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vào tuần tới tại Johannesburg (Nam Phi), trong đó nguyên thủ quốc gia của tất cả các nước châu Phi đã được mời tham dự. Các đại diện của châu Phi đã được mời tham dự hội nghị quốc tế về hòa bình cho Ukraine vào tuần trước tại Saudi Arabia.

Châu Phi cũng là điểm đến của các hàng chục chuyến ngoại giao con thoi của các nước chỉ trong vài tháng trở lại đây, trong đó có các Tổng thống, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao của toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như các nước đang giữa cương vị Chủ tịch G7, Chủ tịch G20. Có thể thấy rõ các nước lớn đang hiện thực hóa một tầm nhìn mới về châu Phi, trong bối cảnh địa chính trị đang có nhiều biến động phức tạp hiện nay.

Hàng loạt cam kết đang được các nước lớn đưa ra cho châu Phi

Những ngày đầu tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã có chuyến thăm châu Phi với thông điệp đáng chú ý trên cương vị Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp và phát triển hàng đầu thế giới G7 trong năm nay.

Ông Yoshimasa Hayashi - Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản: "Chúng ta cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa, sâu sắc hơn nữa nhằm hiện thực hóa tiềm năng to lớn của hai bên. Chúng tôi rất coi trọng việc lắng nghe trực tiếp tiếng nói của châu Phi".

Châu Phi trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn - Ảnh 1.

Đây là sự kiện mới nhất trong loạt hoạt động ngoại giao con thoi của các nhà lãnh đạo, các quan chức cấp cao từ khắp các châu lục đến châu Phi từ đầu năm đến nay, với các chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Nga, Ukraine, Ấn Độ, Pháp, Đức, và Anh. Các sự kiện lớn kết nối với châu Phi cũng đã được tổ chức tại một loạt các nước.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi vừa diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, Nga cam kết cung cấp miễn phí từ 25.000 đến 50.000 tấn ngũ cốc cho các nước châu Phi trong năm nay, xóa tổng số nợ lên tới 23 tỷ USD và dự kiến sẽ phân bổ hơn 90 triệu USD nhằm công nghiệp hóa toàn châu Phi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Nga cam kết tiếp tục đóng góp thực sự giải quyết các cuộc khủng hoảng hiện tại và ngăn chặn sự xuất hiện của các điểm nóng căng thẳng mới trên lục địa, trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, đại dịch và nạn đói, cũng như giải quyết các vấn đề về môi trường, lương thực và an ninh thông tin".

55 tỷ USD là cam kết được Mỹ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần thứ hai được tổ chức tháng 12 năm ngoái, nhằm hỗ trợ châu Phi về kinh tế, y tế và an ninh trong vòng ba năm tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden: "Quá trình phát triển kinh tế của châu Phi phụ thuộc vào chính phủ, dân số chất lượng và năng lượng bền vững với giá cả phải chăng.  Đây là những điều giúp châu Phi thu hút đầu tư. Mỹ cam kết hỗ trợ mọi khía cạnh, bao gồm cả sự tăng trưởng bao trùm của châu Phi".

Châu Phi trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn - Ảnh 2.

Trước đó, tại Hội nghị quốc tế Tokyo tại Tunisia vào tháng 8 năm ngoái, Nhật Bản cam kết đầu tư 30 tỷ USD trong ba năm tới cho châu Phi, tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực và thúc đẩy tăng trưởng có chất lượng.

Là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và là nhà cung cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào châu Phi, Trung Quốc khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác thiết thực với các nước châu lục này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: "Trung Quốc sẽ luôn là một người bạn tốt, một đối tác tốt và một người anh em tốt của châu Phi. Không ai có thể phá vỡ khối đại đoàn kết Trung Quốc và châu Phi".

Dự kiến, tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 5 nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (Nhóm BRICS) tại Johannesburg vào tuần sau, nước chủ nhà Nam Phi sẽ đưa chương trình nghị sự của châu Phi lên hàng đầu và tiến hành một cuộc đối thoại mạnh mẽ về các vấn đề của châu Phi.

Tầm nhìn, chiến lược về châu Phi đã được các nước lớn đưa ra từ nhiều năm nay, nhưng giai đoạn gần đây được thúc đẩy và cụ thể hóa nhanh hơn, cho thấy sự chuyển dịch chiến lược của các nước lớn đối với châu lục này.

Châu Phi trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn - Ảnh 3.

Trung Quốc sẽ luôn là một người bạn tốt, một đối tác tốt và một người anh em tốt của châu Phi

Sức hút của châu Phi

Một châu Phi với vị thế mới và cũng được coi là "một miền đất của cơ hội"… những lợi thế và tiềm năng của châu Phi có sức hút lớn với bất cứ đối tác nào.

Với diện tích chiếm 1/5 toàn cầu, dân số 1,4 tỷ người và vẫn đang tăng nhanh, châu Phi thực sự là một thị trường khổng lồ đầy tiềm năng.

Châu Phi sở hữu nguồn lao động dồi dào. Theo ước tính, vào năm 2040, cứ ba người trên thế giới trong độ tuổi từ 15 đến 24 sẽ có một người đến từ châu Phi.

Châu lục này còn sở hữu lượng lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của thế giới.

Về khoáng sản, châu Phi chiếm hơn 30% trữ lượng thế giới, trong đó có những khoáng sản quan trọng đối với phát triển công nghiệp và công nghệ cao.

Về tài nguyên năng lượng, lục địa này giàu cả năng lượng không tái tạo như dầu mỏ, khí đốt, than và năng lượng tái tạo như sinh khối, năng lượng mặt trời, gió.

Nền kinh tế châu Phi đang đứng trước cơ hội bùng nổ lớn, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 54 quốc gia tại đây tăng gấp rưỡi trong một thập kỷ qua.

Các nhà kinh tế dự báo trong 10 năm tới, châu Phi sẽ phát triển nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới và có thể sẽ đảm trách động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa sau thế kỷ này.

Châu Phi trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn - Ảnh 4.

Châu Phi trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn

Như vậy, châu Phi không chỉ có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên như thế giới biết đến lâu nay, mà còn có tiềm năng lớn về tăng trưởng. Trong bối cảnh hiện nay, tiếng nói của châu Phi tại các diễn đàn toàn cầu có ý nghĩa quan trọng. 54 quốc gia châu Phi cũng chính là 54 lá phiếu tại Liên hợp quốc, tương đương tới 28% số phiếu tại tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này. Đó là chưa kể, theo thông lệ, châu Phi có 3 trong số 15 ghế không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chính vì vậy, châu Phi đang chứng kiến sự cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng lớn giữa các cường quốc.

Nga xoay trục sang châu Phi để tìm kiếm các thị trường mới trong bối cảnh đối mặt các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga và các nước châu Phi đã thống nhất sẽ chuyển sang sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại. Việc tiếp cận cảng biển tại những quốc gia ven Biển Đỏ như Ai Cập, Sudan, Eritoria có ý nghĩa quan trọng với lợi ích của Nga. Nga đã triển khai hơn 30 dự án năng lượng chung tại 16 quốc gia châu Phi; kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỷ USD trong năm 2022, góp phần giúp kinh tế Nga giảm thiểu các tác động từ các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, Trung Quốc từ lâu cũng chú trọng tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, với tổng kim ngạch thương mại 257 tỷ USD vào năm 2022. Trong số 53 quốc gia châu Phi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, 52 quốc gia đã ký kết văn kiện hợp tác với Trung Quốc về việc cùng nhau xây dựng "Vành đai, Con đường". Đến nay, Trung Quốc đã thực hiện hơn 1.600 các dự án cơ sở hạ tầng khác nhau tại châu Phi, xây dựng hơn 6.000 km đường sắt, 6.000 km đường bộ, 20 cảng, 80 cơ sở điện lớn.

Châu Phi trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn - Ảnh 5.

Trước sự gia tăng ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc tại châu Phi, Mỹ cũng nỗ lực tìm lại vị thế tại khu vực này. Từ năm 2021, Mỹ đã ký kết hơn 800 thỏa thuận thương mại - đầu tư với 47 quốc gia châu Phi với tổng giá trị hơn 18 tỷ USD; đầu tư tư nhân Mỹ vào châu Phi đạt hơn 8 tỷ USD; kim ngạch thương mại hai chiều là hơn 83 tỷ USD vào năm 2021. Mỹ đã hỗ trợ các nước châu Phi hoàn thành 145 khoản đầu tư phát điện trị giá hơn 24 tỷ USD; giải ngân 1 tỷ USD tài trợ cho các ưu tiên cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật số và năng lượng sạch của châu Phi.

Liên minh châu Âu (EU) cũng điều chỉnh chính sách, tăng cường quan hệ với châu Phi trước các thách thức chiến lược mới như an ninh lương thực, khủng hoảng di cư. EU đã đồng ý huy động thêm 570 triệu euro cho châu Phi trong tổng cộng 4,5 tỷ euro tài trợ không hoàn lại vào năm 2024. Hai bên đã xây dựng tầm nhìn chung tới năm 2030, trong đó sáng kiến "Cửa ngõ châu Âu toàn cầu" với khoản tài trợ và đầu tư trị giá 150 tỷ euro được hỗ trợ bởi ngân sách của EU.

Cục diện địa chính trị tại châu Phi hiện cho thấy, từ một khu vực nhận viện trợ, châu lục này đang trở thành nơi cạnh tranh chiến lược, một đối tác cần quan tâm của các cường quốc.

Châu Phi được dự báo có thể trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất của thế giới trong năm nay, trong số 10 nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất sẽ có tới 6 nước là ở châu Phi. Còn nhìn xa hơn, đến năm 2050, một phần tư dân số thế giới sẽ là người châu Phi. Lực lượng lao động đông đảo và trẻ tuổi của châu Phi sẽ là lợi thế lớn hơn nữa khi đặt trong tương quan dân số già hóa tại các khu vực khác trên thế giới. Trong khi đó, sức mạnh về tài nguyên vẫn là ưu thế nổi bật của châu Phi, châu lục nắm giữ trữ lượng lớn cả về năng lượng truyền thống và các nguồn năng lượng mới. Đây sẽ vẫn là những yếu tố mà bất cứ cường quốc nào cũng không thể bỏ qua trong những thập kỷ tới.

Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi: Cơ hội tìm tiếng nói chung trong các vấn đề quốc tế Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi: Cơ hội tìm tiếng nói chung trong các vấn đề quốc tế

VTV.vn - Sự kiện diễn ra tại St. Petersburg với những nội dung chính như cung cấp ngũ cốc, hỗ trợ an ninh, củng cố chủ quyền và tăng cường hợp tác thương mại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Châu Phi

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước