Tháng 11 năm 2021, khi Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) liên tục ghi nhận những cam kết mạnh mẽ từ các nguyên thủ trên khắp thế giới về giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu, Tập đoàn Đan Mạch Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) đang quản lý các Quỹ năng lượng tái tạo (NLTT) lớn nhất thế giới cũng đã công bố chiến lược và lộ trình đầu tư hơn 110 tỷ USD vào năng lượng xanh đến 2030.
Theo ông Niels Holst, Giám đốc Quỹ Thị trường mới của CIP: "Đây là mục tiêu tham vọng nhưng không hề dễ dàng, tuy nhiên, chúng tôi đã được truyền cảm hứng từ chính những cam kết mạnh mẽ mà Chính phủ các nước đã đưa ra tại Hội nghị COP 26, trong đó có Chính phủ Việt Nam. Những thách thức về biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có những hành động nhanh chóng và thống nhất ở cấp độ toàn cầu. Chúng tôi muốn đưa ra một thông điệp mạnh mẽ rằng: tham vọng của các Chính phủ cũng chính là tham vọng của các doanh nghiệp, trong đó có CIP".
Vào tháng 8/2022, quỹ Chuyển dịch Năng lượng CI I (CI Energy Transition Fund I) của Tập đoàn đã nhận được sự quan tâm rất lớn và huy động được định mức vốn tối đa là 3 tỷ EUR, trở thành quỹ hydro sạch chuyên dụng lớn nhất trên toàn cầu. Sứ mệnh chính của quỹ là đầu tư vào các công nghệ năng lượng tái tạo thế hệ mới như công nghệ "Power to X" quy mô công nghiệp (đây là công nghệ lưu trữ, chuyển đổi và sử dụng năng lượng điện dư thừa từ năng lượng tái tạo, điển hình là năng lượng mặt trời và gió. "X" là viết tắt của loại năng lượng mà thặng dư điện được chuyển đổi thành. "X" có thể ở dạng chất khí, chất lỏng hoặc nhiệt.) và sẽ đóng góp vào tiến trình giảm mạnh các-bon tại nhiều ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, hàng không, vận chuyển hàng hải, sản xuất thép và chất hóa học.
Được thành lập vào năm 2012 với nguồn đầu tư chính từ PensionDanmark – là Quỹ hưu trí lớn nhất của người dân Đan Mạch, Tập đoàn CIP đã không ngừng lớn mạnh và mở rộng phát triển các Quỹ đầu tư chuyên về năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Với trụ sở chính đặt tại Đan Mạch, tính đến nay Tập đoàn đã huy động thành công 10 quỹ đầu tư với số vốn quản lý hơn 19 tỷ USD phục vụ các hoạt động đầu tư, nghiên cứu, và triển khai các công nghệ tái tạo tiên tiến trên toàn cầu, bao gồm điện gió ngoài khơi (ĐGNK), các công nghệ "Power to X" dạng hydro và ammonia xanh, cùng các công nghệ lưu trữ năng lượng, đảo năng lượng và truyền tải điện.
Trong lĩnh vực ĐGNK, CIP đang là một trong những nhà phát triển ĐGNK lớn nhất thế giới với danh mục đầu tư, phát triển và xây dựng hơn 38GW tại nhiều thị trường trên toàn cầu như Mỹ, Anh, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam… Tập đoàn CIP đang áp dụng một mô hình đầu tư và phát triển dự án bền vững, theo đó CIP luôn đồng hành cùng Tập đoàn Cophengagen Offshore Partners (COP) – đơn vị được thành lập vào năm 2015 để phát triển, quản lý xây dựng và vận hành các dự án ĐGNK một cách chuyên biệt do CIP đầu tư. Thông qua mô hình này, CIP-COP đã đạt được rất nhiều thành tựu lớn trong phát triển các dự án ĐGNK trên toàn cầu, đặc biệt là các thị trường mới.
Tiêu biểu nhất ở khu vực châu Á là dự án Changfang Xidao 600MW tại Đài Loan. Đến nay, dự án này vẫn giữ kỷ lục về số vốn huy động là 3 tỷ USD, số vốn lớn nhất trong các dự án ĐGNK tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại thời điểm năm 2020.
Tại thị trường Bắc Mỹ, CIP/COP cùng với đối tác địa phương đã thắng thầu dự án có quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử ngành ĐGNK Hoa Kỳ - dự án ĐGNK Vineyard 800MW – và đã đạt mức thỏa thuận tài chính hơn 2,3 tỷ USD vào tháng 9/2021. Cùng với đó, năng lực của Tập đoàn cũng được minh chứng thông qua việc đưa trang trại ĐGNK 402MW Veja Mate tại Đức đi vào vận hành thương mại vào tháng 5/2017, sớm hơn 04 tháng so với kế hoạch ban đầu và chi phí thấp hơn mức ngân sách dự kiến.
Dự án ĐGNK Changfang & Xidao do COP phát triển và xây dựng tại Đài Loan
Cặp đôi CIP-COP đã sớm có mặt tại Việt Nam từ năm 2019 và đang dần khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực ĐGNK của Việt Nam. Tập đoàn hiện đang tham gia phát triển dự án ĐGNK La Gàn 3,5GW ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, và đồng thời đang tích cực tìm kiếm các cơ hội phát triển các dự án ĐGNK quy mô lớn ở các tỉnh thành khác tại Việt Nam.
"Chúng tôi thấu hiểu những thách thức mà Chính phủ Việt Nam sẽ phải đối mặt để có thể hoàn thành những cam kết tại COP26. CIP và COP mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi đã sẵn sàng về cả công nghệ lẫn nguồn tài chính để có thể triển khai những dự án ĐGNK quy mô lớn. Tuy nhiên, chúng tôi cần sớm có khung khổ pháp lý hoàn thiện để giúp khởi tạo thành công ngành ĐGNK Việt Nam", ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của COP tại Việt Nam, kiêm tổng giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn chia sẻ.
Việt Nam hiện đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư ĐGNK và thị trường này cũng đang mở ra nhiều cơ hội phát triển. Việc lựa chọn những nhà đầu tư có kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong việc phát triển các dự án tại các thị trường mới và nguồn vốn đầu tư dồi dào như CIP và COP sẽ giúp Việt Nam rút ngắn quá trình phát triển và khởi tạo ngành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!