Khủng bố làm rung chuyển nước Pháp
Năm 2015 bắt đầu với nước Pháp bằng vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo vào ngày 7/1 làm 12 người thiệt mạng. Sau đó, hơn 130 người đã thiệt mạng trong loạt vụ tấn công khủng bố ở Paris vào tối thứ Sáu, ngày 13/11.
Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố: “Những đối tượng khủng bố nên biết rằng, họ sẽ phải đối mặt với một nước Pháp đoàn kết, không thể bị đe dọa”.
Nội chiến Syria và quan hệ giữa các cường quốc
Ngày 30/9, Nga bắt đầu các cuộc không kích tiêu diệt IS trên lãnh thổ Syria, đánh dấu sự quay trở lại mạnh mẽ của quốc gia này tại Trung Đông sau nhiều thập kỷ.
Trong khi Nga và Mỹ thiết lập được cơ chế tránh những cuộc đối đầu ngoài ý muốn trên không khi cùng không kích IS, một cuộc chiến ngoại giao - thương mại đã nổ ra giữa Nga và đồng minh thân cận của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga.
Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu
Cuộc nội chiến Syria đã đẩy 4 triệu người vào cảnh tha hương, trong đó, nhiều người đã mạo hiểm tìm đường sang châu Âu. Hình ảnh cậu bé Syria 3 tuổi Aylan Kurdi trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành biểu tượng đớn đau của dòng người tị nạn. Như tiếng thét câm lặng, hình ảnh này đã thôi thúc các quốc gia châu Âu gạt bỏ bất đồng để cùng giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, đồng thời thúc đẩy các nước ngồi lại tìm cách chấm dứt nội chiến Syria.
Ký kết Thỏa thuận hạt nhân Iran
Sau 12 năm đàm phán - thất bại - đàm phán, Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận kiềm chế chương trình hạt nhân, đổi lấy dỡ bỏ cấm vận. Từ chỗ đứng bên lề, Iran đã trở thành đối tác trong nhiều vấn đề khu vực - điều sẽ làm thay đổi hoàn toàn cục diện Trung Đông.
Ngày 14/7, tại thủ đô Vienna (Áo), bà Federica Mogherini, phụ trách Chính sách Đối ngoại của EU tuyên bố: "Xin được thông báo rằng, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran".
Cuba - Mỹ bình thường hóa quan hệ
Đại sứ quán của Mỹ và Cuba đã được mở cửa trở lại tại mỗi nước lần đầu tiên sau 54 năm. Tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba đã có những bước tiến dài sau hơn nửa thế kỷ thù địch.
Thành lập Cộng đồng ASEAN
Ngày 22/11, tại Malaysia, lãnh đạo 10 quốc gia Đông Nam A đã ký vào Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN, chính thức tuyên bố ASEAN trở thành một cộng đồng chung.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố: “Tôi tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015”.
Việc ra đời cộng đồng ASEAN sẽ giúp các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, gắn kết hơn, mạnh mẽ hơn trong việc đối phó với tình hình khu vực và thế giới ngày càng phức tạp.
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc
“Chuyển đổi mô hình phát triển, chú trọng hơn vào chất lượng” trở thành cụm từ lý giải cho sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sau 30 năm tăng trưởng nhanh. Cải cách trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết nhưng cũng đặt ra những khó khăn lớn cho quốc gia này.
Thị trường chứng khoán lao dốc, đồng Nhân dân tệ phá giá, những chỉ số kinh tế yếu kém, các biến động lớn từ Trung Quốc đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới.
Giá dầu thế giới giảm sâu
“Phá đáy”, “giảm sâu” là những từ được dùng để chỉ giá dầu trong năm 2015. Từ 115 USD/thùng vào tháng 4/2014, giá dầu chỉ còn 35 USD/thùng trong tháng cuối cùng của năm 2015. Những “cỗ máy tiêu thụ” dầu mỏ giảm tốc, trong khi các nước xuất khẩu không giảm nguồn cung để giữ vững thị phần hay "triệt tiêu" đối thủ bất chấp mọi giá là nguyên nhân lý giải cho tình trạng này.
Động đất tại Nepal, gần 10.000 người thiệt mạng
Ngày 25/4, trận động đất mạnh 7,8 độ richter tại Nepal đã giết chết 8.600 người; làm 18.000 người bị thương; hàng trăm nghìn người lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Nhiều địa danh du lịch nổi tiếng của Nepal đã bị xóa sổ trong trận động đất khủng khiếp này.
195 quốc gia đồng thuận ký kết Thỏa thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu
Ngày 13/12, tại Paris (Pháp), lần đầu tiên 195 quốc gia trên thế giới đã đạt được thỏa thuận cùng cắt giảm khí thải.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phát biểu: “Chúng ta đã chung tay hành động để truyền lại cho thế hệ mai sau một thế giới dễ sống hơn”.
Tuy nhiên, mức độ thành công của Thỏa thuận Paris sẽ còn phụ thuộc vào quyết tâm của mỗi nước trong việc hạn chế hay chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.