Campuchia cân nhắc khôi phục quy định đeo khẩu trang, Israel xem xét tiêm vaccine cho trẻ từ 6 tháng tuổi

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Chủ nhật, ngày 03/07/2022 06:48 GMT+7

Hơn 553,91 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 3/7, thế giới có trên 553,91 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,36 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 89,51 triệu ca mắc, trong đó có khoảng 1,043 triệu trường hợp tử vong do bệnh này. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 8.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 2/7, nước này ghi nhận gần 12.000 ca mắc mới. Hiện tổng cộng trên 43,5 triệu người mắc, bao gồm hơn 525.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 671.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 32,43 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Dịch bệnh COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại châu Âu. Theo giới chức Pháp, quốc gia châu Âu này đang trải qua làn sóng thứ 7 của dịch COVID-19. Hiện quy định bắt buộc đeo khẩu trang đã được dỡ bỏ tại hầu hết các khu vực, trừ bệnh viện. Tuy nhiên, số ca mắc mới có xu hướng gia tăng trở lại từ tháng 6.

Ngày 1/7, nước này ghi nhận hơn 125.000 ca nhiễm mới, nâng số người mắc mới trung bình trong 7 ngày qua lên 99.316 trường hợp/ngày, mức cao nhất kể từ ngày 19/4. Thời điểm cuối tháng 5, số ca mắc mới trung bình tại Pháp chỉ vào khoảng 18.000 ca/ngày. Số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tích cực đã tăng lên 960 ca, thấp hơn con số 3.000 bệnh nhân hồi đầu năm. Trong 3 tuần qua, mỗi ngày Pháp có khoảng 40 trường hợp tử vong do COVID-19.

Trước tình hình dịch bệnh trên, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne trong tuần này đã khuyến khích người dân thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang trở lại tại những địa điểm đông người có không gian kín, đặc biệt trên các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, đây không phải là quy định bắt buộc.

Tại Italy, vào ngày 1/7, nước này đã có hơn 86.000 ca mắc mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ tháng 4. Số ca tử vong trong ngày này là 72 ca, cao nhất trong hai tuần qua. Theo Bộ Y tế Italy, với đà tăng hiện nay, virus SARS-CoV-2 đang lây lan trở lại tại nước này. Hiện có 8 trong tổng số 21 tỉnh thành và vùng của Italy xếp vào diện khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.

Chính phủ Italy đã điều chỉnh quy định đeo khẩu trang tại nơi làm việc để phòng dịch COVID-19. Theo đó, kể từ ngày 1/7, người lao động thuộc khu vực tư nhân không còn phải bắt buộc đeo khẩu trang. Tuy nhiên, theo các quy định mới được công bố vào ngày 30/6 và có hiệu lực đến ngày 31/10, Chính phủ Italy nhấn mạnh rằng việc sử dụng khẩu trang FFP2 vẫn là "một biện pháp bảo vệ quan trọng để bảo vệ sức khỏe của người lao động nhằm ngăn ngừa COVID-19 trong bối cảnh họ phải làm việc trong môi trường khép kín hoặc những nơi mà các cá nhân không thể cách xa nhau 1 m do tính chất đặc thù của các hoạt động công việc".

Yêu cầu phải đeo khẩu trang ở nơi làm việc thuộc khu vực công đã được bãi bỏ từ ngày 16/6, tuy nhiên việc đeo khẩu trang FFP2 vẫn là bắt buộc trong một số ngành như giao thông và y tế.

Campuchia cân nhắc khôi phục quy định đeo khẩu trang, Israel xem xét tiêm vaccine cho trẻ từ 6 tháng tuổi - Ảnh 1.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Italy đang tăng lên. (Ảnh: AP)

Nga thông báo chấm dứt toàn bộ các hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19, bao gồm quy định đeo khẩu trang, trong bối cảnh số ca tử vong do dịch bệnh này giảm đều. Tuy nhiên, Nga không loại trừ khả năng tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu tình hình xấu đi. Cơ quan giám sát tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) nêu rõ, cơ quan này "đình chỉ các hạn chế áp dụng trước đây, bao gồm quy định đeo khẩu trang, lệnh cấm ăn uống nơi công cộng vào ban đêm và một số biện pháp khác".

Theo Rospotrebnadzor, khả năng lây lan của virus tại Nga phù hợp với các xu hướng trên toàn cầu, theo đó 93% số ca mắc là nhẹ hoặc không triệu chứng. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Nga vào tháng 4/2020, đến nay nước này đã ghi nhận hơn 381.000 người tử vong do bCOVID-19, với hơn 18,4 triệu ca mắc.

Bộ Y tế Israel đang xem xét đề xuất phê duyệt tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Động thái trên diễn ra sau khi các cơ quan y tế Mỹ đã phê chuẩn tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna cho trẻ em dưới 5 tuổi. Theo Bộ Y tế Israel, hiện các thành viên trong Ban Cố vấn đang có quan điểm khác nhau về việc tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Đa phần các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên tiêm cho trẻ có nguy cơ cao ở trong độ tuổi trên, trong khi chỉ có 13% chuyên gia khuyến nghị nên tiêm vaccine cho tất cả trẻ em trên 6 tháng tuổi.

Hiện Israel đã triển khai tiêm chủng cho trẻ em trong lứa tuổi từ 5 đến 11 với liều lượng bằng 1/10 liều cho người lớn. Mỗi trẻ sẽ được tiêm tổng cộng 3 mũi, hai mũi đầu cách nhau 3 tuần và mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 hai tháng.

Chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng cảnh báo đi lại đối với 34 nước liên quan đến đại dịch COVID-19, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, cũng như không yêu cầu người dân ở Nhật Bản phải hạn chế các chuyến đi không cần thiết đến những nước này. Nhật Bản cũng hạ thêm 1 mức cảnh báo đi lại đối với Pháp, Đức, Italy cùng 11 quốc gia châu Âu khác xuống mức thấp nhất trong thang cảnh báo gồm 4 cấp độ. Hiện có khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ được Nhật Bản đưa vào danh sách cảnh báo đi lại Cấp độ 1 này.

Nhật Bản nới lỏng cảnh báo đi lại với Hàn Quốc 2 ngày sau khi hai nước nối lại các chuyến bay giữa sân bay Gimpo của Seoul và sân bay Haneda của Tokyo, vốn bị ngưng trệ sau hơn 2 năm do các hạn chế phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện vẫn còn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn nằm trong mức cảnh báo đi lại Cấp độ 2, trong đó có 16 nước ở châu Á và châu Đại Dương, và 27 nước châu Âu. Trong danh sách cảnh báo đi lại Cấp độ 3 hiện có 41 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Số ca COVID-19 nặng, cần thở máy đang gia tăng tại Thái Lan sau khi nước này nới lỏng quy định đeo khẩu trang tại nơi công cộng và cho phép các quán bar hoạt động trở lại. Giới chức y tế Thái Lan cho biết, số ca bệnh nặng vẫn nằm trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế. Công suất giường bệnh hiện tại của bệnh nhân COVID-19 là gần 10%, chỉ một số tỉnh như Samut Prakan, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh là 20%, nhưng vẫn trong giới hạn có thể kiểm soát là 25%. Mục tiêu của Thái Lan là 60% dân số được tiêm 3 mũi vaccine.

Ngày 2/7, Thái Lan ghi nhận 2.508 ca mắc COVID-19 mới. Hiện tổng cộng trên 4,52 triệu người nhiễm COVID-19, bao gồm 30.684 trường hợp không qua khỏi ở quốc gia này.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ thông báo, công dân Mỹ quá cảnh qua nước thứ 3 sẽ được nhập cảnh vào Trung Quốc. Công dân Mỹ nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 ngay từ bây giờ có thể đăng ký nhập cảnh để được cấp mã xanh nhập cảnh Trung Quốc, đối với cả trường hợp bay thẳng từ Mỹ hoặc từ nước thứ 3. Trước đó, Trung Quốc chỉ cấp mã xanh cho người bay thẳng từ Mỹ.

Campuchia cân nhắc khôi phục quy định đeo khẩu trang, Israel xem xét tiêm vaccine cho trẻ từ 6 tháng tuổi - Ảnh 2.

Ngày 2/7, Thái Lan ghi nhận 2.508 ca mắc COVID-19 mới. (Ảnh: AP)

Các biện pháp hạn chế nhập cảnh vào Trung Quốc, cùng với số lượng có hạn các chuyến bay từ Mỹ tới Trung Quốc đã từng khiến giá vé máy bay giữa hai nước này lên tới 10.000 USD. Thời gian gần đây, Trung Quốc cũng đã nới lỏng các hạn chế nhập cảnh tương tự với các công dân của nhiều quốc gia khác.

Ngày 2/7, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ phân phát 290.000 bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 sau khi tiếp tục phát hiện virus SARS-CoV-2 trong các mẫu nước thải. Các bộ kit xét nghiệm sẽ được phân phát cho người dân, nhân viên vệ sinh và người quản lý các tòa nhà tại khu vực đảo Cửu Long, khu vực Wong Tai Sin và Tuen Mun, những nơi có kết quả xét nghiệm mẫu nước thải có tải lượng virus tương đối cao, nhằm xác định người mắc bệnh. Chính quyền Hong Kong kêu gọi những người sử dụng kit xét nghiệm nếu dương tính nhanh chóng thông báo kết quả thông qua một nền tảng trực tuyến của chính quyền.

Hong Kong ngày 2/7 ghi nhận 2.227 trường hợp mắc mới COVID-19, trong đó có 143 ca nhập cảnh, và 3 người tử vong. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp đặc khu này ghi nhận trên 2.000 ca mắc mới.

Cùng ngày, đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) ghi nhận 30 ca mắc mới COVID-19. Nhà chức trách yêu cầu người dân xét nghiệm nhanh hàng ngày và ở nhà nhiều nhất có thể.

Trung tâm điều phối và ứng phó với dịch COVID-19 của Macau cho biết, ngày 1/7, đặc khu này ghi nhận 56 ca mắc mới, trong đó 23 trường hợp được phát hiện trong quá trình cách ly. Tính từ ngày 19/6 đến nay, Macau ghi nhận 694 ca mắc mới, trong đó 424 trường hợp không có triệu chứng.

Trước tình hình dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trở lại, Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào ngày 2/7 tuyên bố, quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ được khôi phục nếu như dịch bùng phát trên diện rộng. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Campuchia ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc COVID-19 trong 4 ngày liên tiếp vừa qua, chấm dứt chuỗi thời gian gần 2 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen trấn an người dân rằng hiện nay, dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Các bệnh nhân COVID-19 mới được phát hiện đều ở thể nhẹ và có thể điều trị tại nhà, không có trường hợp nào phải nhập viện.

Hàn Quốc đã phê duyệt sử dụng liệu pháp kháng thể đơn dòng Evusheld của công ty dược phẩm sinh học AstraZeneca (Anh) trong phòng ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho nhóm người có hệ miễn dịch kém. Động thái này giúp tăng thêm sự lựa chọn cho người dân trong bối cảnh Hàn Quốc đang dần giảm bớt gánh nặng do đại dịch COVID-19 đặt ra đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Theo quyết định mới nhất, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 20.000 liều Evusheld cho những người từ 12 tuổi trở lên chưa từng nhiễm virus SARS-CoV-2. Bộ trên nêu rõ, liệu pháp kháng thể đơn dòng Evusheld có thể được sử dụng cho những người mà cơ thể họ không sản sinh mức độ miễn dịch cần thiết sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc những người thuộc diện không được khuyến cáo tiêm chủng. Hiện Evusheld cũng đã được cấp phép sử dụng tại Mỹ. Ngoài ra, Cơ quan Dược phẩm châu Âu cũng đã khuyến nghị sử dụng liệu pháp này trong việc dự phòng COVID-19.

Cơ quan Y tế Triều Tiên thông báo đã có những trường hợp nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận tại khu vực gần đường biên giới liên Triều, nhưng số ca sốt mới theo ngày ở nước này tiếp tục giảm xuống dưới 5.000 người.

Tin tức từ hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 1/7 cũng dẫn kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, một số người thuộc huyện Kumgang (tỉnh Kangwon) đến thủ đô Bình Nhưỡng vào giữa tháng 4 đã bị sốt. Những người tiếp xúc với các đối tượng này sau đó cũng đã bị sốt ở làng Ipho thuộc huyện Kumgang. Đây là lần đầu tiên các ca sốt được phát hiện tại khu vực Kumgang giáp giới với Hàn Quốc.

Cũng theo KCNA, dữ liệu từ Cơ quan phòng chống dịch khẩn cấp nhà nước Triều Tiên cho thấy trong vòng 24 giờ tính đến 18h ngày 30/6, Triều Tiên chỉ ghi nhận 4.570 người có triệu chứng sốt. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca sốt nghi nhiễm COVID-19 mới ở Triều Tiên ở dưới mức 5.000 ca/ngày, giảm mạnh so với mức đỉnh lên tới hơn 392.920 ca hôm 15/5.

Nhật Bản lo ngại bùng phát làn sóng COVID-19 mới Nhật Bản lo ngại bùng phát làn sóng COVID-19 mới Làn sóng COVID-19 mới ở Pháp dự kiến đạt đỉnh vào cuối tháng 7 Làn sóng COVID-19 mới ở Pháp dự kiến đạt đỉnh vào cuối tháng 7 COVID-19 được coi là gây “bất tiện' hơn là “mối đe dọa tính mạng” đối với nhiều người COVID-19 được coi là gây “bất tiện" hơn là “mối đe dọa tính mạng” đối với nhiều người

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước