Về tình hình Afghanistan, sau khi lực lượng Taliban giành chính quyền, một làn sóng người dân đang tìm cách chạy ra nước ngoài. Mặc dù một số quốc gia đang lên kế hoạch hỗ trợ và tiếp nhận những người di cư, nhưng dường như các nỗ lực là không đủ. Đứng trước mối lo lớn từ cơn bão di cư có nguy cơ làm tái diễn thảm kịch - mà châu Âu đã trải qua cách đây 6 năm, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã họp bàn cách ứng phó.
Tại hội nghị trực tuyến về vấn đề Afghanistan, Ngoại trưởng các nước liên minh châu Âu đã thảo luận về những diễn biến ở Afghanistan hiện nay và nguy cơ khiến cuộc khủng hoảng di cư tái diễn. Để tránh lặp lại kịch bản làn sóng người di cư bất hợp pháp không thể kiểm soát, các Ngoại trưởng EU cho rằng châu Âu cần tạo các hành lang nhân đạo để tiếp nhận người tị nạn chạy trốn khỏi Afghanistan một cách cụ thể. Theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, điều cần làm trước mắt là đảm bảo người dân Afghanistan nương náu an toàn tại các quốc gia láng giềng.
Ông Heiko Maas - Bộ trưởng Ngoại giao Đức cho biết: "Kể từ Chủ nhật, chúng tôi đã đưa tổng cộng 500 người rời Kabul và đưa họ đến nơi an toàn. Đây có thể là bước khởi đầu, chúng tôi muốn tiếp tục đưa càng nhiều người rời Afghanistan đến nơi an toàn càng tốt".
Còn theo Ngoại trưởng Pháp, các nước cần kiểm soát làn sóng di cư có thể làm gia tăng tình trạng buôn bán người bất hợp pháp.
Trong khi đó, Hy Lạp khẳng định châu Âu không thể tiếp nhận hàng triệu người di cư Afghanistan cùng lúc vào thời điểm này và Hy Lạp không thể trở thành điểm nóng di cư thêm nữa.
Ông Notis Mitarachi - Bộ trưởng Di trú Hy Lạp nói: "Chúng tôi hiểu tình hình khó khăn ở Afghanistan và Liên minh châu Âu đóng vai trò tích cực trong việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng di cư ở Afghanistan. Tuy nhiên, nếu tiếp nhận người di cư một cách ồ ạt, thì ngay lập tức không thể đảm bảo việc nơi ăn chốn ở. EU chưa sẵn sàng cho một làn sóng di cư mới".
Các ngoại trưởng EU thống nhất cam kết tăng cường hơn nữa viện trợ nhân đạo và đảm bảo rằng viện trợ sẽ được ưu tiên thực hiện trong khu vực lân cận Afghanistan - nơi người di cư đang tạm lánh nạn, giúp giảm bớt thảm họa nhân đạo; đồng thời phối hợp cùng các đối tác ngăn chặn dòng người di cư hợp pháp.
Hiện có hơn 400 nhân viên của Cơ quan bảo vệ Biên giới châu Âu cùng hàng chục phương tiện, một số trong đó được trang bị camera hồng ngoại, cùng 8 tàu tuần tra, cũng đã được triển khai tại Hy Lạp để đối phó với nguy cơ cuộc khủng hoảng di cư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!