Căng thẳng Nga - phương Tây: Cơ hội nào cứu vãn hòa bình?

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 30/01/2022 13:37 GMT+7

VTV.vn - Dù cả Nga và phương Tây đều khẳng định vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán nhưng tuyên bố và hành động trên thực tế cho thấy, các bên đều không ngại ngần với tình huống xấu nhất.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây quanh vấn đề Ukraine đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, có thể nói là nóng nhất từ sau thời điểm sáp nhập Crimea năm 2014. Chỉ trong 3 tháng - từ khoảng tháng 11 năm ngoái, liên tiếp các cáo buộc lẫn nhau giữa Nga với Mỹ và NATO làm leo thang căng thẳng, các động thái chuyển quân, các cuộc tập trận, các đề xuất khó thỏa hiệp và các nỗ lực ngoại giao không đem lại kết quả.

Mặc dù cả Nga và phương Tây đều khẳng định vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán nhưng tuyên bố và hành động trên thực tế cho thấy, các bên đều không ngại ngần với tình huống xấu nhất. Vậy đâu là lối ra xuống thang vấn đề, khả năng nào cứu vãn hòa bình?

Ngòi nổi căng thẳng Nga - phương Tây

Tháng 10 năm 2021, Bộ Quốc phòng Ukraine công bố đoạn video cho thấy một máy bay không người lái phá hủy một khẩu lựu pháo trong khu vực do quân ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine.

Nga cáo buộc Ukraine vi phạm các thỏa thuận Minsk, đồng thời cho rằng, việc sử dụng máy bay không người lái có thể "làm mất ổn định tình hình" ở miền đông Ukraine. Pháp và Đức cũng đã chỉ trích hành động này của Ukraine.

Căng thẳng Nga - phương Tây: Cơ hội nào cứu vãn hòa bình? - Ảnh 2.

Nga phóng tên lửa trong một buổi diễn tập quân sự gần Orenburg, dãy núi Ural ngày 16/12/2021 (Ảnh: AP)

Tháng 11/2021, một bức ảnh chụp vệ tinh cho thấy, Nga đưa hơn 100.000 quân cùng nhiều khí tài hạng nặng tới Yelnya, cách biên giới Ukraine 250 km. Trong khi phương Tây liên tục cho rằng động thái của Nga nhằm chuẩn bị tấn công Ukraine thì Nga khẳng định đây là hoạt động điều chuyển quân trong nước và không đe dọa ai.

Căng thẳng Nga - phương Tây: Cơ hội nào cứu vãn hòa bình? - Ảnh 3.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price (Ảnh: AP)

Ông Ned Price - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - tuyên bố: "Nếu Nga không giảm leo thang, Mỹ và các đồng minh sẽ sẵn sàng hành động và hành động kiên quyết".

Căng thẳng Nga - phương Tây: Cơ hội nào cứu vãn hòa bình? - Ảnh 4.

Tổng thư ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg (Ảnh: AP)

Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - cho rằng: "Nga phải giảm leo thang, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và quay trở lại ngoại giao".

Căng thẳng Nga - phương Tây: Cơ hội nào cứu vãn hòa bình? - Ảnh 5.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell (Ảnh: Nghị viện châu Âu)

Ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu - nhấn mạnh: "Bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Ukraine sẽ đi kèm với hậu quả chính trị và kinh tế cho Nga".

Căng thẳng Nga - phương Tây: Cơ hội nào cứu vãn hòa bình? - Ảnh 6.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: "Nga có chính sách đối ngoại hòa bình nhưng có quyền bảo vệ an ninh của mình".

Tháng 12/2021, hai nhà lãnh đạo Nga Mỹ đã có 2 cuộc hội đàm trực tuyến, chủ yếu về vấn đề Ukraine và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nga đã gửi 2 danh sách các yêu cầu an ninh cho Mỹ, đồng thời kêu gọi NATO ngừng mở rộng về phía đông, chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine cũng như kết nạp nước này vào khối.

Cũng trong tháng này, hai nước đã đồng ý thực hiện các cuộc đàm phán trực tiếp ở châu Âu nhằm tháo ngòi căng thẳng với Ukraine.

Trung tuần tháng 1/2022, Nga với Mỹ và đồng minh phương Tây lần lượt có các cuộc gặp trực tiếp từ cấp Thứ trưởng tới cấp Bộ trưởng ở 3 nước châu Âu. Ba vòng đàm phán kết thúc với nhiều lời lẽ đe dọa, tuyên bố cứng rắn mà không có kết quả thực chất hay nhượng bộ lẫn nhau.

Hệ quả của thất bại ngoại giao là các bên liên tục "động binh". Nga tập trận liên tiếp quanh biên giới với Ukraine, cả trên bộ và trên biển.

Trong khi đó, Mỹ và đồng minh dồn dập cung cấp vũ khí cho Ukraine, Mỹ đồng thời đặt 8.500 quân trong tình trạng sẵn sàng trực chiến. Bên cạnh đó, Mỹ, Anh, Đức và Australia rút bớt nhân viên ngoại giao khỏi Kiev.

Nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng đây chỉ là lời cảnh báo của phương Tây. Nga luôn khẳng định không có kế hoạch tấn công Ukraine. Còn Ukraine cũng cho rằng, phương Tây đang phóng đại mối nguy hiểm vì mục đích địa chính trị. Giới chức Ukraine nói rằng, mối đe dọa này đã tồn tại suốt 8 năm qua khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và mối đe dọa đó không hề gia tăng.

Nga tuyên bố rõ ràng các yêu cầu đối với phương Tây

Tổng thống Nga Putin đã nhấn mạnh, Moscow không có bất cứ ý định tấn công nào nhằm vào Kiev. Cái Nga theo đuổi là các đề xuất an ninh, các đảm bảo từ NATO rằng khối này sẽ không tiếp tục vươn xa hơn về phía Đông tới sát biên giới với Nga. Đây hiện vẫn đang là những khúc mắc chính giữa Nga với phương Tây khi Mỹ và NATO coi nhiều đề xuất từ phía Nga là khó khả thi.

Mục tiêu chính của Nga trong vấn đề Ukraine là ngăn nước này gia nhập NATO. Đối với Nga, đây rõ ràng là sự leo thang của các mối đe dọa quân sự. Ngay từ năm 2014, Tổng thống Putin đã không mong muốn viễn cảnh "người Nga sẽ đến Sevastopol để gặp các thủy thủ NATO". Và cuối năm 2021, người đứng đầu nước Nga lại khẳng định lập trường cứng rắn của mình khi chỉ rõ lằn ranh đỏ với phương Tây.

Căng thẳng Nga - phương Tây: Cơ hội nào cứu vãn hòa bình? - Ảnh 7.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)

"Hành động của chúng tôi sẽ không phụ thuộc vào quá trình đàm phán mà phụ thuộc vào việc đảm bảo an ninh của Nga. Chúng tôi đã nói rõ ràng rằng, việc NATO tiến xa hơn về phía Đông là không thể chấp nhận được" - Tổng thống Nga Putin khẳng định.

Đến lúc này, các thỏa thuận thỏa đáng về các vấn đề mà Nga quan tâm vẫn chưa thể đạt được. Nga sẽ không từ bỏ điều này, vì đây là những lợi ích sống còn của đất nước. Vì lợi ích này, Nga sẵn sàng tăng cường hơn nữa đối đầu với phương Tây.

Căng thẳng Nga - phương Tây: Cơ hội nào cứu vãn hòa bình? - Ảnh 8.

Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga Sergei Lavrov (Ảnh: AP)

Ông Sergei Lavrov - Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga - tuyên bố: "Nếu không có câu trả lời mang tính xây dựng và phương Tây tiếp tục hành động gây hấn của mình thì Moscow, như Tổng thống đã nhiều lần tuyên bố, sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa cần thiết".

Theo các nhà phân tích, các yêu cầu của Nga đối với Mỹ và NATO trên thực tế là các mục tiêu chiến lược trong chính sách của Nga ở châu Âu. Nếu không thể đạt được thông qua con đường ngoại giao, chúng sẽ được thực hiện theo những cách khác.

"Nga vạch ra rất rõ ràng và thẳng thắn những viễn cảnh suy thoái nghiêm trọng về an ninh đối với Mỹ và NATO nếu họ không đồng ý sửa đổi những quy tắc của mình. Điều này không có nghĩa là Nga sử dụng vũ lực quân sự nhưng chắc chắn Nga sẽ biểu dương sức mạnh quân sự của mình" - ông Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu toàn diện châu Âu và các vấn đề quốc tế, Trường Kinh tế cao cấp Liên bang Nga, nhận định.

Giới chức Nga từng đề cập nếu các cuộc đàm phán thất bại, Nga sẽ thực hiện các biện pháp quân sự - kỹ thuật và thậm chí cả quân sự. Đó có thể là việc tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ và triển khai các hệ thống vũ khí mới ở một số khu vực nhất định đến tương tác chặt chẽ hơn với đồng minh Belarus và đối tác Trung Quốc.

Mỹ cáo buộc Nga "đặt súng lên bàn đàm phán"

Hàng loạt các cuộc tiếp xúc ngoại giao của Mỹ, NATO với Nga nhằm tìm giải pháp tháo ngòi nổ về nguy cơ một cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã diễn ra. Nhưng các nỗ lực về mặt ngoại giao đến nay dường như chưa thể hiện được nhiều ý nghĩa.

Khúc mắc vẫn chưa được tháo gỡ khi bất đồng vẫn nằm ở các mấu chốt trong quan điểm hai bên nêu ra. Phương Tây vẫn tiếp tục lo ngại về hàng chục nghìn quân của Moscow đang ở gần biên giới Ukraine, còn Nga tiếp tục cáo buộc Mỹ và đồng minh làm căng thẳng vấn đề khi hỗ trợ khí tài quân sự và điều quân tới Ukraine.

Cánh cửa đàm phán vẫn để ngỏ song các hoạt động quân sự của Nga và phương Tây khiến thùng thuốc súng quanh biên giới Ukraine có thể nổ bất kỳ lúc nào.

Mỹ mới đây thông báo, nhân viên ngoại giao của nước này ở Ukraine có thể về nước, đồng thời cảnh báo công dân Mỹ tại Ukraine xem xét di dời ngay lập tức. Khoảng 8.500 binh lính được Bộ Quốc phòng Mỹ được đặt trong tình trạng khẩn cấp, có thể sẵn sàng điều đến châu Âu. Hàng triệu USD cũng được Washington chuyển đến Kiev giúp nước này nâng cao hệ thống phòng thủ quân sự.

Căng thẳng Nga - phương Tây: Cơ hội nào cứu vãn hòa bình? - Ảnh 9.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (Ảnh: AP)

Ông Lloyd Austin - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - cho biết: "Xung đột không phải là không thể tránh khỏi. Vẫn còn thời gian và không gian cho giải pháp ngoại giao. Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác của chúng tôi đã đưa ra cho Nga một con đường thoát khỏi khủng hoảng và hướng tới an ninh cao hơn. Đồng thời Mỹ vẫn cam kết giúp Ukraine tự vệ thông qua hoạt động hỗ trợ an ninh cho nước này".

Các nước phương Tây đang cho thấy sự chia rẽ và thiếu đồng thuận trong đề xuất biện pháp đối phó với Nga. Trong khi Anh dốc toàn lực cho việc trang bị vũ khí cho Ukraine thì Đức từ chối cho phép các đồng minh NATO vận chuyển vũ khí do Đức sản xuất cho Kiev. Đức và Pháp được cho là đang hạ thấp đường lối ngoại giao của Mỹ.

Ông Greg Poling - Chuyên gia cao cấp của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ - cho rằng: "Thực tế là châu Âu đang không có một nhận thức rõ ràng. Đức không cùng quan điểm với hầu hết các nước NATO trong triển khai các biện pháp đối phó với Nga. Chính quyền Mỹ đang mắc kẹt bởi các hạn chế trong việc đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế cũng như giải pháp ngoại giao. Thực sự họ không thể ngăn chặn được Nga nếu Moscow muốn làm điều đó".

Hàng loạt các biện pháp trừng phạt được cho là hết sức nghiêm khắc, chưa từng có đang được các nước phương Tây xem xét áp đặt lên Nga trong trường hợp Moscow tấn công Ukraine. Lệnh trừng phạt sẽ nhắm vào các thực thể, lĩnh vực kinh tế quan trọng của Nga. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Biden còn cân nhắc khả năng trừng phạt người đồng cấp Nga Putin nếu chiến tranh xảy ra.

Ngòi nổ căng thẳng chưa được tháo gỡ khi Mỹ, NATO vừa chính thức trả lời bằng văn bản, bác các yêu cầu, được Nga coi là lằn ranh đỏ. Moscow cho rằng, các hồi đáp đó là chưa thoả đáng và các nước này vẫn phớt lờ các quan ngại an ninh liên quan đến ưu tiên của Nga trong việc giảm sự hiện diện của NATO tại Đông Âu.

Khả năng đối thoại với Nga vẫn còn dù tình hình Ukraine đang nóng hơn bao giờ hết. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đang có những dấu hiệu cho thấy Moscow sẽ sử dụng sức mạnh quân sự vào thời điểm nào đó, có lẽ là trong khoảng từ nay đến giữa tháng 2. Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện nay đang là phép thử quan trọng đối với mức độ thực hiện các cam kết của chính quyền Biden đối với các đồng minh, đối tác châu Âu.

Nga luôn nhấn mạnh mình không đe dọa quốc gia nào và sẽ không triển khai hành động quân sự với Ukraine. Trong khi đó, phương Tây vẫn giữ quan điểm trong mấy tháng nay rằng hoàn toàn có khả năng một cuộc tấn công trên thực địa nổ ra và nếu thế sẽ là cuộc xâm lấn lớn nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai, làm thay đổi thế giới.

Bản thân Ukraine ở giữa trong câu chuyện này thì hiện tại lại tỏ ra bình tĩnh. Mới đây nhất, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố, những phát biểu của phương Tây và những đánh giá thiếu khách quan, tiêu cực quá mức của báo chí sẽ chỉ tạo thêm hoảng loạn không cần thiết.

Rõ ràng là có những vướng mắc, có những nút thắt nhưng các bên đều vẫn kiên quyết theo đuổi mục đích riêng của mình nên vẫn khó nói về một cách thức tháo gỡ sẽ như thế nào. Tuy nhiên, sự bình tĩnh của người trong cuộc vẫn cho thấy hy vọng, căng thẳng sẽ hạ nhiệt khi các mục đích khác nhau tìm được một trung điểm thỏa hiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước