Căng thẳng Triều Tiên - Hàn Quốc: Viễn cảnh hòa bình, phi hạt nhân hóa còn chờ đến bao lâu?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 21/06/2020 15:19 GMT+7

VTV.vn - Căng thẳng Triều Tiên - Hàn Quốc bị đẩy cao đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm cuộc gặp thượng đỉnh Seoul - Bình Nhưỡng và tuyên bố chung liên Triều.

Chỉ 1 tuần sau khi cắt đường dây nóng với Hàn Quốc, ngày 16/6, Triều Tiên một lần nữa khiến thế giới giật mình khi bất ngờ cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều đặt tại Kaesong, sau đó tái triển khai quân ở khu giải giáp.

Căng thẳng Triều Tiên - Hàn Quốc: Viễn cảnh hòa bình, phi hạt nhân hóa còn chờ đến bao lâu? - Ảnh 1.

Văn phòng liên lạc liên Triều đặt tại khu công nghiệp Kaesong bị nổ tung (Ảnh: AP)

Văn phòng liên lạc chung liên Triều đặt tại khu công nghiệp Kaesong được thành lập sau tuyên bố Panmunjom năm 2018 và được coi như là biểu tượng về hòa giải quan hệ hai miền. Văn phòng dừng hoạt động từ tháng 1 năm nay do dịch COVID-19.

Việc cho nổ văn phòng này được đánh giá không khác gì động thái làm nổ tung các nỗ lực và những thành tựu hòa giải đã có.

Ở vào thời điểm đàm phán Mỹ - Triều bế tắc cả năm qua, quan hệ liên triều xấu đi, động thái táo bạo và bất ngờ này của Triều Tiên có nhiều ý nghĩa để bàn thêm.

Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ liên Triều

Ngày 9/6, căng thẳng Hàn Quốc - Triều Tiên bùng phát. Bình Nhưỡng thông báo cắt đứt hoàn toàn đường dây liên lạc giữa giới chức hai nước cũng như những đường dây liên lạc khác. Triều Tiên cũng không phản hồi cuộc gọi hàng ngày từ phía Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ khi các đường dây nóng được khôi phục vào năm 2018.

Ngày 13/6, một lời cảnh báo được phát đi từ bà Kim Yo-jong, em gái của Chủ tịch Kim Jong-un và là thành viên cấp cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, đó là: "Bình Nhưỡng sẽ hủy bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự với Seoul, đóng cửa hoàn toàn trao đổi biên giới liên Triều nếu Seoul không có hành động ngăn chặn tình trạng rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng và lãnh thổ Triều Tiên".

Ít ngày sau, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên phát đi thông điệp từ Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên cho biết, quân đội nước này đang nghiên cứu một kế hoạch đưa quân đội trở lại các khu vực phi quân sự, biến tiền tuyến này trở thành một pháo đài.

Căng thẳng Triều Tiên - Hàn Quốc: Viễn cảnh hòa bình, phi hạt nhân hóa còn chờ đến bao lâu? - Ảnh 2.

Triều Tiên lên kế hoạch đưa quân trở lại các khu vực phi quân sự (Ảnh: AP)

Đỉnh điểm là việc Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều tại khu công nghiệp chung Kaesong nằm ở biên giới liên Triều. Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp, cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào từ phía Triều Tiên.

Ngày 17/6, Triều Tiên thông báo đã từ chối lời đề nghị của Hàn Quốc về việc cử các đặc phái viên đến thảo luận hạ nhiệt căng thẳng. Bình Nhưỡng tái bố trí các điểm chốt gác từng được dỡ bỏ ở khu phi quân sự.

Triều Tiên cảnh báo, cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều chỉ là sự khởi đầu và nước này có thể có những hành động thêm nữa, trong đó có kế hoạch đưa quân tới khu công nghiệp chung Kaesong và khu du lịch núi Kumgang. Bình Nhưỡng cũng đe dọa nối lại tất cả các cuộc tập trận quân sự thường xuyên gần biên giới liên Triều.

Tương lai nào cho quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên?

Dư luận quốc tế tỏ ra khá thận trọng trong những phản ứng ban đầu đối với căng thẳng quan hệ liên Triều, có lẽ là muốn đợi chờ và thăm dò thêm về mức độ quyết liệt của Triều Tiên trong lần căng thẳng này và thái độ của các bên liên quan trực tiếp. Sự thận trọng này không có gì lạ khi trong quá khứ, căng thẳng bán đảo Triều Tiên đã nhiều lần từng bị đẩy đi xa hơn rất nhiều.

Một điểm đáng chú ý trong vụ nổ văn phòng liên lạc chung là vụ nổ xảy ra chỉ một ngày sau ngày 15/6, dấu mốc lịch sử trong quan hệ liên Triều. Cùng ngày đó năm 2000, lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo hai nước gặp nhau và ra tuyên bố chung liên Triều, nhấn mạnh việc duy trì hợp tác kinh tế và các lĩnh vực hướng tới thống nhất, hòa bình trên bán đảo.

Nhìn lại 20 năm nỗ lực hướng tới hòa bình, hòa giải, có những thành tựu những vẫn còn nhiều những khác biệt. 20 năm với đủ mọi cung bậc cảm xúc trong mối quan hệ hai bên và cả tam giác quan hệ Mỹ - Hàn Quốc - Triều Tiên. Bên bờ vực chiến tranh cũng có hay cảm giác chưa bao giờ sự hòa giải ở gần đến vậy.

Sự cứng rắn của Triều Tiên ngay giữa những ngày tháng 6 này mang những dự cảm không hay, khi những dấu mốc, biểu tượng hòa giải không còn được cho là ý nghĩa, những kênh đối thoại bị cắt, các thành tựu của 20 năm có cảm giác đã bị phủ nhận. Và một viễn cảnh hòa bình, phi hạt nhân hóa tiếp tục cần phải chờ lâu hơn nữa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước