Cảnh báo trên được đưa ra tại một hội nghị diễn ra trong tuần này ở thủ phủ Hobart, bang Tasmania, Australia. Với sự tham gia của 60 chuyên gia đến từ 12 nước trên thế giới, hội nghị được tổ chức nhằm thảo luận những biện pháp nâng cao dịch vụ vận tải trong bối cảnh các điều kiện tại Nam Cực ngày càng trở nên khó dự báo.
Theo các nhà khoa học, các hình ảnh vệ tinh cho thấy diện tích băng tối thiểu và tối đa năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1979 khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu vệ tinh. Diện tích băng tối thiểu giảm xuống chỉ còn 2,075 triệu km2 trong ngày 1/3 vừa qua. Diện tích băng tối đa cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục còn 18,013 triệu km trong ngày 12/9, so với mức cao kỷ lục 20 triệu km chỉ cách đây 3 năm.
Theo nhà khoa học Jan Lieser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chung về Hệ sinh thái và Khí hậu Nam Cực, biến đổi khí hậu có thể đóng vai trò một phần, song vẫn còn quá sớm để rút ra mối liên hệ rõ ràng. Theo ông Lieser, các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu các quá trình cơ bản dẫn đến sự thay đổi của mực băng biển.
Diện tích băng đang thay đổi nhanh chóng, trong khi số lượng tàu thuyền qua lại lục địa băng đang gia tăng. Năm 2016, khoảng 50 tàu thuyền chở hơn 35.000 hành khách tới khu vực này. Một số tàu thuyền tư nhân và thương mại bị mắc kẹt tại Nam Cực trong những năm gần đây, gây tốn kém cho các hoạt động cứu hộ. Cuối năm 2013, một tàu của Nga chở 74 nhà khoa học, hành khách và thủy thủ đoàn đã mắc kẹt và hoạt động cứu hộ mất 2 tuần do chính quyền Australia điều phối, với sự tham gia của các lực lượng Pháp, Trung Quốc, Mỹ và Đức. Trong chiến dịch này, một tàu phá băng của Trung Quốc cũng bị mắc kẹt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!