Ý tưởng kéo băng từ 2 cực về vùng sa mạc thực tế không phải là điều gì quá mới mẻ. Những năm 1970, Arab Saudi cũng lên một kế hoạch tương tự nhưng phải từ bỏ vì điều kiện tài chính và kỹ thuật không thể đáp ứng. Sau 4 thập kỷ, một lần nữa ý tưởng này được đặt lên bàn. Công ty thực hiện dự án cho biết đã tính toán kỹ các giải pháp kỹ thuật làm sao để kéo băng về và không lo băng sẽ tan chảy hết bởi 80% thể tích của khối băng là nằm dưới nước.
Ước tính khi kéo băng từ Nam Cực về tới UAE, khối băng sẽ hao hụt khoảng 30% nhưng vẫn tạo ra một nguồn nước ngọt lớn cho quốc gia này và chắc chắn sẽ tạo thành một địa điểm du lịch hấp dẫn. Vậy nhưng tính khả thi vẫn chỉ là những tính toán.
Trả lời báo chí, công ty thực hiện dự án đã từ chối nói về chi phí dự kiến của dự án. Bản thân giới chức của UAE đã tránh đưa ra các bình luận mà chỉ nói chung chung là họ nhận thức được các ý nghĩa môi trường của dự án này. Hiệu quả của dự án này đến đâu vẫn phải chờ đợi. Nhưng lúc này, các nước Trung Đông đã có phương án khả thi khác để giải quyết tình trạng thiếu nước.
Một thực thế đầy bất ngờ bởi 80% diện tích tại đây là sa mạc, UAE nằm trong 10 quốc gia khan hiếm nước ngọt nhất trên thế giới. Nguồn nước chủ yếu tại đây là từ nước biển. 80% lượng nước quốc gia này đang tiêu thụ là từ nước biển được lọc thành nước ngọt.
Chi phí lọc nước biển thành nước ngọt còn khá đắt, ước tính khoảng 1,5 USD/m3. Tuy nhiên, các công nghệ lọc nước biển mới đang được gấp rút hoàn thiện để trong thời gian không xa, UAE sẽ được tiếp cận với những nguồn nước ngọt được lọc từ nước biển với giá thành rẻ. Chính sự phát triển của công nghệ lọc nước biển tại UAE đang khiến nhiều người cho rằng dự án kéo băng từ Nam Cực sẽ phục vụ mục tiêu du lịch nhiều hơn là nhu cầu phải tìm ra nguồn nước ngọt để phục vụ cuộc sống.
Ban đầu, dự án kéo băng từ Nam Cực về Trung Đông nghe có vẻ ngoài sức tưởng tượng nhưng rõ ràng nó không phải là bất khả thi. Một số ý kiến của các chuyên gia cho rằng dự án này có thể là một mũi tên nhiều đích. Nếu Công ty Cố vấn quốc gia UAE có một hệ thống xử lý được những khối băng thành nguồn nước, đây có thể là nguồn nước ngọt tinh khiết nhất thế giới. Còn nếu không khả thi, dự án này vẫn mở ra cơ hội thu hút khách du lịch.
Tuy nhiên, dù là mục tiêu gì, công ty này sẽ phải vượt qua khá nhiều trở ngại và cần tính đến cả các yếu tố kỹ thuật và điều kiện tự nhiên.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!