Chân dung nữ “phó tướng” gốc Á trong cuộc đua vào Nhà Trắng

Diệu Linh-Thứ năm, ngày 13/08/2020 19:26 GMT+7

VTV.vn - Kamala Harris sẽ là người phụ nữ da màu và là người gốc Á đầu tiên giữ cương vị Phó Tổng thống Mỹ, nếu ông Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46.

Kamala Harris - nữ luật sư cấp quận đầu tiên của San Francisco, nữ Tổng chưởng lý đầu tiên của California và cũng là người Mỹ gốc Ấn đầu tiên được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ.

Và giờ đây là người phụ nữ da màu đầu tiên nắm trong tay cơ hội trở thành Phó Tổng thống Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ngày 11/8, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden chính thức thông báo lựa chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris trở thành đối tác tranh cử của ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra vào tháng 11.

Kamala Harris - nữ chính trị gia mang hai dòng máu Ấn Độ- Jamaica

Kamala Harris chủ yếu được nuôi dưỡng bởi người mẹ, một nhà khoa học đến từ thành phố Chennai, Ấn Độ. Mẹ của Kamala Harris tốt nghiệp Đại học Delhi, Ấn Độ và theo học tại Đại học Berkeley, bang California, Mỹ. Tại đây, bà đã tham gia phong trào dân quyền và gặp người chồng tương lai của mình. Cha của Kamala Harris là một chuyên gia kinh tế đến từ Jamaica.

Chân dung nữ “phó tướng” gốc Á trong cuộc đua vào Nhà Trắng - Ảnh 1.

Kamala Harris gọi mẹ mình là một trong những nữ lãnh đạo mạnh mẽ nhất. Nguồn: Indianexpress

Nguồn gốc Ấn Độ của nữ "phó tướng" Harris rất được chú ý bởi rất có thể bà sẽ là người Mỹ gốc Á đầu tiên trong lịch sử đồng hành cùng một ứng cử viên tổng thống giành được vé vào Nhà Trắng. Chú ý nữa vì người Mỹ gốc Á vốn chỉ chiếm 5% cử tri, so với 13% cử tri da màu. Tỷ lệ chủng tộc người da trắng và da màu ở chính trị Mỹ vẫn luôn duy trì cố định, người Mỹ gốc Á chỉ mới đánh dấu sự hiện diện trong thời gian gần đây.

Kamala Harris - Sự lựa chọn "an toàn" của ứng cử viên Joe Biden

Tên tuổi của bà Harris khá nổi trên truyền thông Mỹ sau khi tham gia tranh cử sơ bộ đảng Dân chủ hồi năm ngoái, để chọn ra đại diện của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Thậm chí, bà đã từng có màn đối chất căng thẳng với ứng cử viên Joe Biden trong một cuộc tranh luận phát trực tiếp trên truyền hình.

Vậy tại sao bà lại được ông Joe Biden chọn lựa? Lý do là bà Harris không bị tụt lại quá xa như các ứng cử viên khác của đảng Dân chủ nhưng đồng thời cũng không chiếm vị trí trung tâm như Biden.

Ngay từ đầu, các lựa chọn về ứng cử viên Phó Tổng thống của ông Biden hầu như chỉ toàn phụ nữ. Sau khi phong trào bảo vệ quyền của người da màu Black Lives Matter bùng nổ hồi tháng 5, ông Biden bắt đầu chuyển mục tiêu cụ thể tìm kiếm một người da màu làm "cộng sự" trong cuộc đua đường dài trên chính trường Mỹ. Những cử tri da màu, đặc biệt là người lớn tuổi ở miền Nam nước Mỹ chính là chìa khóa cho những thành công ban đầu của Biden. Có thể nói, Harris sẽ là "đường kết nối trực tiếp" dẫn Biden đến nhóm cử tri người Mỹ gốc Phi trong đảng, theo đúng chiến lược của ông Biden là khuấy động và tạo ra sự phấn khích - dẫn đến tỷ lệ đi bầu cử cao trong cộng đồng người da màu.

Chân dung nữ “phó tướng” gốc Á trong cuộc đua vào Nhà Trắng - Ảnh 2.

Harris là người phụ nữ da màu đầu tiên được bầu vào Thượng viện trong hơn một thập kỷ. Nguồn: The New York Times

Harris - với thời gian phục vụ chưa đầy 4 năm tại Thượng viện nhưng lại được đặt vào vị trí vững chắc trong các đường lối chủ đạo của đảng Dân chủ. Quá trình lựa chọn ứng cử viên Phó Tổng thống đã nhận được nhiều sự quan tâm do tuổi tác của ông Biden (77 tuổi) và các tín hiệu cho thấy ông sẽ không tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai. Điều này mở ra cơ hội cho Phó Tổng thống của ông nắm quyền lãnh đạo.

Kamala Harris vẫn có những điểm yếu

Sự nghiệp là một công tố viên của bà Harris đang nhận được nhiều sự chú ý. Những người theo chủ nghĩa tự do trẻ tuổi nhận thấy bà quá hung hăng trước những vụ án phạm tội nhỏ nhưng lại quá yếu ớt trước sự việc những sĩ quan cảnh sát giết thường dân. Khi phong trào Black Lives Matter lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2014, Harris với tư cách là Tổng chưởng lý bang California lúc đó, được xem như đã "án binh bất động".

Chiến dịch tranh cử gần đây của bà cố gắng thuyết phục cử tri rằng chỉ những người hiểu hệ thống tư pháp hình sự từ bên trong mới có thể biết cách tái thiết nó.

Tuy nhiên, điều đáng nói là các cử tri da màu dường như không bị thu hút đặc biệt bởi Harris. Sau khi làn sóng biểu tình phản đối cái chết của công dân da màu George Floyd bùng phát, bà Harris đã lên tiếng yêu cầu cải cách luật cảnh sát. Song, bà vẫn chỉ được xem là một nhà cải cách "tượng trưng" đối với những người mong muốn cuộc đại tu diễn ra nhanh hơn.

Điểm mạnh của Harris là gì?

Chân dung nữ “phó tướng” gốc Á trong cuộc đua vào Nhà Trắng - Ảnh 3.

Thượng nghị sĩ Harris - người có vai trò quan trọng đối với sự thành bại của ứng cử viên Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Nguồn: AP

Bà Harris có một số quan điểm khác biệt với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, đặc biệt về lập trường chống nhập cư của ông Trump. Xuất thân là người nhập cư của bà cũng được xem là sẽ thu hút sự chú ý rộng rãi của cử tri, mặc dù có một số người cho rằng đây sẽ trở thành một "mánh lới" quảng cáo chính trị.

Ông Biden có xu hướng tập trung nhiều hơn vào chính sách đối ngoại. Có nghĩa là bà Harris có nhiều không gian để tham gia nhiều hơn vào hoạt động chính trị trong nước. Harris, 55 tuổi, cũng được xem là "làn gió mới" mang lại sức trẻ cho một ban lãnh đạo đã "già". Nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng, bà Harris sẽ trở thành người duy nhất dưới 70 tuổi trong số các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại các nhánh lập pháp và hành pháp, theo tờ The New York Times.

Dấu ấn đầu tiên của Harris ở cương vị "người đồng hành" của Joe Biden

Khi bà Kamala Harris xuất hiện cùng ông Joe Biden vào ngày 11/8, với tư cách là "đối tác tranh cử", bà đã cho thấy lý do tại sao Biden chọn mình.

Bỏ qua những từ ngữ miêu tả phân biệt giới tính của Tổng thống Trump dành cho bà như "xấu tính", "ngỗ ngược", thượng nghị sĩ đến từ bang California đã phân tích hồ sơ Nhà Trắng của ông Trump bằng sự nhanh nhẹn có được từ những năm làm công tố viên phòng xử án.

"Sự quản lý yếu kém của Tổng thống đối với đại dịch đã đẩy chúng ta vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Và chúng ta còn đang trải qua sự xuống cấp về mặt đạo đức với sự phân biệt chủng tộc và bất công có hệ thống. Điều này đã khiến những người có lương tâm phải xuống đường ở đất nước chúng ta, nhằm đòi hỏi sự thay đổi" - bà Harris phát biểu tại sự kiện buổi chiều ở Wilmington, Delaware.

"Nước Mỹ đang kêu gọi thảm thiết sự lãnh đạo chuẩn mực. Tuy nhiên, chúng ta có một Tổng thống quan tâm đến bản thân nhiều hơn những người đã bầu cho ông ấy".

Chân dung nữ “phó tướng” gốc Á trong cuộc đua vào Nhà Trắng - Ảnh 4.

Joe Biden và Kamala Harris bắt tay sau cuộc tranh luận trực tiếp khi tham gia tranh cử sơ bộ đảng Dân chủ do ABC tổ chức tại Đại học Texas Southern ở Houston. Ảnh: AP

Đó là bài phát biểu đầu tiên thể hiện sự khéo léo chính trị của Harris và cũng là lý do vì sao bà sẽ đưa "Liên danh tranh cử Joe Biden - Kamala Harris" trở thành đối thủ đáng gờm của Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence tháng 11 tới.

Trong bài phát biểu của mình, bà đã tạo ra sự tương phản trực tiếp giữa ông Trump - người đã "nhún vai" trước cái chết của hơn 165.000 người Mỹ do COVID-19 kèm câu nói "Đó là những gì đã xảy ra" và những lời bà mô tả về phẩm chất của ông Biden gồm "sự đồng cảm, lòng nhân ái và ý thức trách nhiệm". Bà không quên nhấn mạnh rằng bà và ông Biden giống nhau ở những phẩm chất này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước