Châu Âu có thể dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 07/12/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Theo một số nghiên cứu, châu Âu có thể dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và xây dựng ngành năng lượng bền vững vào năm 2040.

Cơ quan giám sát tình trạng biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cảnh báo, năm 2023 có thể sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử sau khi tháng 11 trở thành tháng thứ 6 liên tiếp trong năm phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ. Giới khoa học thì nhấn mạnh, nếu thiếu các hành động khí hậu, thế giới sẽ vượt qua các điểm tới hạn và dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng không thể ngăn ngừa trong tương lai.

Những cảnh báo về tương lai các thảm họa khí hậu được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Tại hội nghị, bên cạnh vấn đề tài chính khí hậu thì một chủ đề nóng có 1 ngày họp riêng là chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy chuyển sang năng lượng tái tạo, loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

Với chủ đề "Ngày Năng lượng" diễn ra vào 5/12, Hội nghị COP28 một lần nữa nhấn mạnh các nỗ lực trong việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu, nhấn mạnh thế giới cần thúc đẩy chuyển đổi năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng hydro…

Châu Âu có thể dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch - Ảnh 1.

Ông Francesco La Camera - Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế: "Chúng ta phải giảm tốc độ sử dụng nhiên liệu hóa thạch tôn trọng mục tiêu giảm phát thải CO2 về mức 43%. Bởi vì nếu chúng ta không đạt được điều này vào năm 2030 thì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ không bao giờ đến".

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, năng lực sản xuất nhiên liệu tái tạo sẽ đạt mức kỷ lục mới là hơn 500 GW vào năm 2023. Dự kiến, đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ đóng góp 80% năng lực sản xuất những loại điện năng mới, trong đó riêng năng lượng mặt trời đã chiếm hơn một nửa mức mở rộng năng lượng tái tạo nói trên.

Ông Fatih Birol - Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết: "Khi xem xét các nỗ lực khử carbon trên toàn thế giới, chúng ta đang làm rất tốt trong lĩnh vực sản xuất điện. Ở một số quốc gia, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hạt nhân đang phát triển rất nhanh. Năm nay, hơn 85% tổng năng lượng từ tất cả các nhà máy điện mới được xây dựng đều sử dụng công nghệ không carbon".

Đến nay, 118 quốc gia đã đưa ra cam kết sớm để tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo của thế giới vào năm 2030. Trong khi, liên quan việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế cho biết, lộ trình này sẽ được tính toán theo trật tự cân đối, dần dần trong thời gian tới. Đây sẽ là một phần của kết quả COP28 năm nay.

Năng lượng tái tạo giúp đảm bảo nhu cầu của châu Âu

Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo trong Liên minh châu Âu trong một năm vừa qua đã tăng vọt, mạnh mẽ và hiệu quả nhất là điện gió. Năm ngoái, các nước Liên minh châu Âu đã bị đẩy vào thế phải giảm lệ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ. Áp lực đó đã trở thành động lực, để tới lúc này, tỷ trọng năng lượng tái tạo đã đủ cao, giúp các nước châu Âu hoàn toàn chủ động về năng lượng.

Châu Âu có thể dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch - Ảnh 2.

Tuần vừa rồi có đợt giá lạnh đầu đông tại nhiều nước châu Âu, nhưng giá khí đốt và giá dầu mỏ đã không những không tăng mà còn giảm mạnh, một phần là do nhu cầu tiêu thụ khí đốt và dầu mỏ cho sưởi ấm không còn như trước đây nhờ có năng lượng tái tạo và điện nguyên tử.

Mục tiêu chuyển đổi năng lượng tái tạo của EU

Một số nước châu Âu ngay từ bây giờ đã vượt xa mục tiêu đặt ra cho năm 2030. Lúc này, gần 80% lượng điện tiêu thụ tại Áo và Thụy Điển là từ năng lượng tái tạo. Các nước đã đưa được tỷ trọng năng lượng tái tạo lên quá 50% là Đan mạch, Bồ Đào Nha, Croatia và Litva. Hai trường hợp đặc biệt là Iceland và Na Uy, toàn bộ 100% lượng điện tiêu thụ là từ năng lượng tái tạo.

Na Uy không phải là nước thành viên Liên minh châu Âu, sản xuất được nhiều điện sạch tới mức không chỉ bảo đảm tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu điện sạch. Tính chung toàn Liên minh châu Âu thì năng lượng tái tạo đã bảo đảm được 1/3 nhu cầu, lãnh đạo Liên minh châu Âu tin rằng, mục tiêu 42,5% vào năm 2030 sẽ thành hiện thực.

Chuyển đổi xanh đang là xu thế tất yếu để đảm bảo các mục tiêu khí hậu, đồng thời giúp châu Âu tự chủ về năng lượng. Theo một số nghiên cứu, châu Âu có thể dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và xây dựng ngành năng lượng bền vững vào năm 2040.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước