Lãnh đạo của các quốc gia có tư tưởng cởi mở nhất trên lĩnh vực năng lượng hạt nhân đã tập trung hôm 21/3 dưới tượng đài Atomium - bảo tàng có hình dáng như phân tử hóa học được xây dựng vào năm 1958 tại thủ đô của Bỉ - để ký Tuyên bố thiết lập những ưu tiên và hiểu biết chung thúc đẩy nguồn năng lượng này cho các mục đích dân sự. Đây được coi như một phần của quá trình chuyển đổi sang một xã hội không phát thải.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) Fatih Birol nhấn mạnh nếu không có sự hỗ trợ của năng lượng hạt nhân thì không có cơ hội đạt được các mục tiêu về khí hậu đúng thời hạn.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng cho rằng công nghệ hạt nhân có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Bà von der Leyen tuyên bố: “Các dự báo của Ủy ban châu Âu cho thấy rằng phần lớn những nguồn năng lượng tái tạo được bổ sung bằng năng lượng hạt nhân và đây sẽ là xương sống trong hoạt động sản xuất điện của EU vào năm 2050”.
Từ trái sang: Thủ tướng Bỉ kiêm Chủ tịch Văn phòng Hội đồng EU Alexander De Croo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IEA) Rafael Gross tại hội nghị. (Ảnh: AFP)
Hội nghị thượng đỉnh Năng lượng hạt nhân do Thủ tướng Bỉ, Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU Alexander De Croo và Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đồng chủ trì.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã phát biểu khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh cấp cao đầu tiên về chủ đề này: “Chúng ta phải xây dựng một Liên minh Năng lượng thực sự. Năng lượng hạt nhân có thể đóng một vai trò nào đó, cũng nhờ vào đổi mới công nghệ chẳng hạn như trên các lò phản ứng module nhỏ có thể thay đổi cuộc chơi trong tương lai”.
Điều này thúc đẩy các quốc gia đưa ra các cam kết cụ thể về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới và nhanh chóng triển khai các lò phản ứng tiên tiến.
Bà von der Leyen nói: “Mở rộng hoạt động an toàn của các nhà máy điện hạt nhân ngày nay là một trong những cách rẻ nhất để đảm bảo năng lượng sạch trên quy mô lớn. Nó có thể giúp mở đường một cách hiệu quả về mặt chi phí để đạt tới mức 0. Đó là lý do tại sao nên xem xét việc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân hiện tại với điều kiện chúng hoạt động an toàn”.
Châu Âu hiện đang mất đi các kỹ năng do tình trạng già hóa dân số trong lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực hạt nhân và cần đảm bảo thay thế trong tương lai gần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!