Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chuyện với Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi khi tham dự hội nghị bàn tròn của các nhà lãnh đạo G7 và các đối tác tại Taormina, Italy, ngày 27/5 . (Ảnh: AP)
Các nước châu Âu đã thất vọng với kết quả của Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tuần trước. 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới đã không thể thống nhất được trong hồ sơ khí hậu. Từ Italy trở về sau Hội nghị thượng đỉnh G7, lãnh đạo các nước châu Âu đã bày tỏ quyết tâm tiếp tục theo đuổi Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu, bất kể Mỹ có tham gia nữa hay không.
Nếu Mỹ rút khỏi Thoả thuận chống biến đổi khí hậu, hiệu quả của bản thoả thuận toàn cầu sẽ chẳng còn gì nhiều. Mỹ là nước có lượng phát thải công nghiệp lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc cộng lại đã chiếm tới 40% tổng lượng khí thải công nghiệp của toàn thế giới. Liên minh châu Âu đứng thứ 3 về mức độ gây ô nhiễm khí quyển, tiếp đến là Ấn Độ, Nga và Nhật Bản. Cuối tuần trước, Italy đã khẳng định sẽ tôn trọng Thoả thuận khí hậu, bất kể nước Mỹ sẽ quyết ra sao.
Nước Đức, khi xưa đàm phán trong nội bộ châu Âu cũng không quá sốt sắng cắt giảm khí thải. Cắt giảm khí thải, tức là phải tốn kém thêm nhiều. Đức là nước có nền công nghiệp phát triển, có mức phát thải lớn, muốn duy trì sức cạnh tranh của công nghiệp nước mình. Nhưng trước tình thế mới, Đức đã kiên quyết bảo vệ bản Thoả thuận khí hậu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel có một đồng minh mạnh, đó là Tổng thống mới của Pháp. Không mấy khi các nước châu Âu lại tỏ ra đoàn kết nhất trí đến như thế. Ông Macron vẫn hy vọng nước Mỹ sẽ đưa ra một quyết định vì tương lai của Trái Đất.
Các nước châu Âu lo ngại là nếu Mỹ rút ra khỏi Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu, thì Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có thể làm theo. Nếu như thế nỗ lực của riêng châu Âu không còn có ý nghĩa gì nữa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!