Quy định chưa từng có tiền lệ này không chỉ nhằm chống lại nạn phá rừng bất hợp pháp lấy gỗ, mà còn nhằm ngăn ngừa cả việc phá rừng để có thêm đất trồng trọt hay chăn nuôi.
Liên minh châu Âu yêu cầu các doanh nghiệp phải chứng minh được quy trình sản xuất đậu tương, thịt bò, dầu cọ, cacao, cà phê, cao su, các sản phẩm từ gỗ kể cả bìa carton… nhập khẩu vào châu Âu không phải là kết quả của việc chặt phá cây rừng, kể cả phá rừng để có thêm đất đai canh tác hay chăn nuôi.
Phá rừng được hiểu theo nghĩa cơ bản nhất là chặt cây rừng, kể cả khi việc chặt cây được nước có rừng cấp phép. Theo đó, không thể bán hàng có nguồn gốc từ đất rừng bị phá sau năm 2020 vào thị trường châu Âu.
Về phía châu Âu, doanh nghiệp đứng ra nhập khẩu phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm và khai báo tọa độ vùng nguyên liệu căn cứ vào ảnh vệ tinh chụp vùng nguyên liệu đó trước và sau ngày 31/12/2020, ảnh vệ tinh loại này được cung cấp miễn phí.
Luật mới cũng quy định phân loại các quốc gia xuất khẩu nông sản vào châu Âu theo tiêu chí rủi ro mất rừng cao, trung bình hay thấp. Đối với nước được tính là có mức độ phá rừng thấp, nông sản từ nước đó vào châu Âu sẽ ít bị thẩm định hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!