Châu Âu trước áp lực phải đối diện với quá khứ thực dân, phân biệt chủng tộc

Diệu Linh (Theo CNN)-Thứ ba, ngày 16/06/2020 17:42 GMT+7

Một bức tượng của vua Leopold II bị sơn phản đối tại Bỉ. Ảnh: CNN

VTV.vn - Thật trái ngang cho người dân châu Âu khi họ phải thừa nhận rằng các anh hùng dân tộc một thời cũng từng buôn bán nô lệ hoặc có quan điểm phân biệt chủng tộc sâu sắc.

Tại một bến cảng cũ ở thành phố Bristol của Anh, những người trẻ tuổi tập trung bên cạnh dòng sông và ngó xuống dòng nước sâu âm u. Họ đang tìm kiếm bức tượng thương nhân buôn bán nô lệ hồi thế kỷ 17 Edward Colston cứ như thể họ đang nhìn vào một thời đại đã qua.

Những người biểu tình cuối tuần trước đã "lấy cắp" bức tượng Colston, lăn nó xuống con đường rải sỏi và ném xuống dòng sông, nơi thuyền của nhân vật này từng cập bến hàng trăm năm trước, mang theo những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em châu Phi bị xiềng xích để bán họ làm nô lệ. Hành động trút giận này diễn ra trong cuộc biểu tình Black Lives Matter, nổi lên sau vụ việc cảnh sát Mỹ đè cổ chết người đàn ông da màu George Floyd. Phong trào biểu tình buộc người châu Âu phải nhìn lại quá khứ thực dân và thậm chí đặt câu hỏi lớn về bản sắc dân tộc của chính họ.

Châu Âu trước áp lực phải đối diện với quá khứ thực dân, phân biệt chủng tộc - Ảnh 1.

Những người biểu tình ném tượng Edward Colston xuống sông trong cuộc biểu tình Black Lives Matter tại TP Bristol, Anh. Ảnh: CNN

Thành phố Bristol có trường học, đường phố, hàng quán cho đến các hội trường lớn mang tên Colston để ghi nhớ hoạt động từ thiện của thương gia này mà nhờ đó, thành phố được xây dựng. Colston gắn bó với Bristol có thể nói như Eiffel gắn bó với Paris.

Và đây cũng chính là vấn đề trái ngang mà người dân châu Âu đang phải đối mặt. Thật khó cho họ để thừa nhận rằng các anh hùng dân tộc một thời cũng từng buôn bán nô lệ hoặc có quan điểm phân biệt chủng tộc sâu sắc hay thu lợi từ việc đàn áp các nền văn minh khác, thậm chí có thể là diệt chủng.

Colston là một thành viên của Công ty Hoàng gia Châu Phi, đã vận chuyển hơn 100.000 nô lệ từ Tây Phi đến châu Mỹ. Khoảng 20.000 người đã chết trong chuyến đi đày ải đó và thi thể họ bị ném xuống biển.

"Đi qua bức tượng đó mỗi ngày và bạn biết rằng nó là biểu tượng của sự áp bức trong nạn phân biệt chủng tộc. Rồi nghĩ đến tổ tiên, gia đình bạn trong quá khứ đã bị áp bức, bóc lột, giết hại, tra tấn và hãm hiếp… Quả thực là một sự xúc phạm vô cùng lớn. Nó cần phải được loại bỏ" - Miles Chambers, một nhà thơ giải thích việc trút giận lên bức tượng của nhóm người biểu tình tuần trước.

Đó có lẽ cũng là suy nghĩ mà nhiều người dân Anh đang cùng chia sẻ vào lúc này. Ngay cả cảnh sát trưởng của Bristol, ông Andy Marsch, cũng chỉ thị cho các sĩ quan chỉ đứng cạnh và để cho những người biểu tình dỡ bức tượng xuống, một điều chắc chắn sẽ không đời nào xảy ra cách đây một tháng trước khi người da màu George Floyd bị ghì chết ở Mỹ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh đã phản ứng mạnh mẽ với các vụ lật đổ các bức tượng và đe doạ sử dụng vũ lực để trấn áp.

"Tôi sẽ không ủng hộ hay bỏ qua cho những người vi phạm pháp luật hoặc tấn công cảnh sát hay phá hoại các di tích công cộng. Chúng ta có một nền dân chủ ở đất nước này. Nếu bạn muốn thay đổi cảnh quan đô thị, bạn có thể ứng cử hoặc bầu cho ai đó sẽ làm điều ấy" - Thủ tướng Anh Boris Johnson nói, khẳng định bất cứ ai tấn công các tài sản công cộng đều phải chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật.

Tuần trước, ông Johnson đã tham gia một cuộc thảo luận và cho rằng hành động lật đổ những bức tượng là nỗ lực xoá bỏ lịch sử của nước Anh. Đặc biệt là khi những người biểu tình phá hoại bức tượng cựu Thủ tướng Winston Churchill, người được coi là anh hùng vĩ đại nhờ tài lãnh đạo của ông trong Thế chiến thứ II. Churchill được biết đến là người giữ quan điểm phân biệt chủng tộc, vậy nên tuần trước những người biểu tình đã phun sơn dòng chữ "là một kẻ phân biệt chủng tộc" lên sau tên ông khắc trên tượng.

"Đúng là ông Churchill đã bày tỏ những ý kiến đã và đang không thể nào được chấp nhận đối với chúng ta ngày hôm nay. Thế nhưng, ông ấy vẫn là một người anh hùng. Ông ấy xứng đáng được tưởng nhớ" - Thủ tướng Anh Boris Johnson viết trên mạng xã hội Twitter.

Hôm 3/6, Quốc hội Scotland đã phải nhất trí thông qua việc thành lập một bảo tàng dành cho lịch sử nô lệ để những bức tượng có thể được đặt ở đó, "khuất tầm mắt" công chúng. Thị trưởng London, ông Sadiq Khan, đã ra yêu cầu xem xét lại các địa danh để đảm bảo việc đặt tên các địa điểm thể hiện sự công bằng và đa dạng sắc tộc. Công đảng đối lập cũng đã chỉ thị cho 130 hội đồng địa phương của đảng này trên cả nước thực hiện điều tương tự.

Tuy nhiên, rất có thể các nhà lãnh đạo của "xứ xở sương mù" phải nhanh tay hơn nữa. Hiện các nhà hoạt động trong nhóm có tên "Lật đổ những kẻ phân biệt chủng tộc" đã xác định được 60 bức tượng trên khắp Vương quốc Anh về những nhân vật lịch sử có liên quan đến chế độ nô lệ hoặc bạo lực thuộc địa.

Kể cả các sinh viên của Đại học Oxford cũng tham gia cuộc biểu tình đòi loại bỏ bức tượng của Cecil Rhodes mặc dù quỹ của ông này tài trợ cho những suất học bổng Rhodes nổi tiếng của chính đại học Oxford. Nhưng Cecil Rhodes lại là một trong những người theo chủ nghĩa đế quốc tận tụy nhất nước Anh và được biết đến là có quan điểm phân biệt chủng tộc.

Châu Âu trước áp lực phải đối diện với quá khứ thực dân, phân biệt chủng tộc - Ảnh 2.

Cuộc biểu tình đòi dỡ bỏ tượng Cecil Rhodes tại trường Đại học Oxford. Ảnh: CNN

Những bức tượng cũng trở thành mục tiêu phá huỷ ở Bỉ. Tại thành phố Antwerp, tượng của vua Leopold II đã bị đốt cháy nặng nề đến mức chính quyền thành phố buộc phải loại bỏ và dự định sau khi sửa chữa sẽ đặt trong bảo tàng.

Trên khắp đất nước, vị vua được tưởng niệm không chỉ bằng các bức tượng mà cả tên đường phố, toà nhà, quảng trường và công viên. Một nhóm có tên "Sửa chữa lịch sử" đã thu hút hơn 70.000 chữ ký trong bản kiến nghị loại bỏ tất cả các bức tượng của Vua Leopold II tại thủ đô Brussels trước ngày 30/6, ngày kỉ niệm 60 năm Cộng hoà Dân chủ Congo độc lập khỏi Bỉ.

Một số nhà lịch sử học ước tính vua Leopold II đã gây ra cái chết cho hơn 10 triệu người, khoảng một nửa dân số Congo thời đó. Quân đội của ông khét tiếng với việc chặt đứt tay của người Congo, thu thập laij và bỏ vào những chiếc giỏ đặt dưới chân các chỉ huy châu Âu. Bởi vậy nhóm hoạt động muốn tất cả bức tượng và những tài liệu tham khảo về vị vua này đều bị xoá.

"Chúng tôi đã kêu gọi các nhà chính trị làm điều này suốt 30 năm nay nhưng họ hoặc không hiểu hoặc vờ như không nghe thấy. Việc giữ tượng Leopold II chẳng khác nào người Đức quyết định dựng tượng Hitler ở tất cả các thành phố của họ" - Chủ tịch một nhóm hoạt động tuyên bố.

Xoá bỏ một phần lịch sử quốc gia hay loại bỏ dấu ấn của nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn là câu hỏi lớn với người dân châu Âu khi phải đối diện với quá khứ thuộc địa của chính đất nước mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước