Trong khi Liên minh châu Âu tuyên bố ngừng nhập dầu Nga qua đường biển - chiếm 2/3 lượng dầu nhập từ Nga, thì Nga cũng đáp trả bằng cách cắt nguồn cung khí đốt cho 5 nước thành viên châu Âu là Phần Lan, Bulgaria, Ba Lan, Hà Lan và Đan Mạch. Liên minh châu Âu hiện đang phải nỗ lực để tìm nguồn cung khí đốt thay thế. Hiện các kho dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu đã được lấp đầy tới 41% công suất cho mùa Đông tới. Tuy nhiên, vẫn cần có những nguồn thay thế khác mang tính lâu dài hơn.
Trong ngắn và trung hạn, khí tự nhiên hóa lỏng được các nước châu Âu xác định là nguồn thay thế khí đốt của Nga. Theo số liệu của một công ty phân tích thị trường năng lượng tại Anh, trong 2 tháng qua, 45% khí tự nhiên hóa lỏng của châu Âu được nhập từ Mỹ, 20% từ Qatar.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, quốc gia vẫn nhập khẩu 35% lượng khí đốt từ Nga, công bố Tập đoàn năng lượng Đức RWE đã sẵn sàng ký thỏa thuận cung cấp với nhà sản xuất LNG của Mỹ Sempra trong vòng 15 năm.
Bà Ursular Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Châu Âu đã tìm kiếm các nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng từ đầu năm nay, nỗ lực này đã được đền đáp khi lượng khí tự nhiên hóa lỏng từ các nơi khác trên thế giới ngoài Nga đến châu Âu tăng gấp đôi trong quý đầu tiên của năm nay so với năm ngoái".
Để đảm bảo khả năng tương trợ nguồn cung khí giữa các nước thành viên, châu Âu không chỉ tập trung xây dựng các trạm thiết bị đầu cuối tiếp nhận khí hóa lỏng tự nhiên hệ thống đường ống dẫn khí giữa các nước, mà còn thiết lập cơ chế giúp giá khí đốt ổn định, cân bằng giữa các nước thành viên.
"Châu Âu đã thiết lập một nhóm đặc trách tìm mua chung nguồn khí đốt cho các nước thành viên để có giá tốt cho thị trường chung châu Âu vốn lớn hơn nhiều so với thị trường của từng quốc gia thành viên", bà Ursular Von Der Leyen nói.
Trong dài hạn, châu Âu tiếp tục đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và sản xuất hydro và nhiên liệu hydro sạch để không chỉ thay thế hoàn toàn lượng khí nhập khẩu từ Nga, mà cả khí tự nhiên hóa lỏng hiện nay bởi loại khí này có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch gây phát thải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!