Tại châu Âu, biến thể Omicron đang lây lạn mạnh, trở thành biến chủng vượt trội.
Tây Ban Nha được xem là nước đi đầu trong việc xem COVID-19 tương tự như bệnh cúm hoặc sởi dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, động thái này là còn quá sớm.
Bà Carolina Darias, Bộ trưởng Bộ Y tế Tây Ban Nha, tuyên bố: "Tây Ban Nha muốn tiên phong trong cuộc thảo luận về việc tái xếp loại COVID-19 vào nhóm bệnh đặc hữu và yêu cầu Trung tâm phòng dịch châu Âu nghiên cứu chiến lược mới".
Tại nhiều nước châu Âu khác như Estonia, Iceland, Slovenia, Na Uy, Hà Lan hay Thụy Điển, các quy định hạn chế liên quan tới COVID-19 đã dần được nới lỏng.
Một số nước châu Âu dần coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID-19. (Ảnh: AP)
Có thể thấy, các nước đi đầu xu hướng sống chung với dịch đều có tỷ lệ tiêm chủng cao. Một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy xu hướng này là có quan niệm rằng, không thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của biến thể Omicron bằng việc phong tỏa hay vaccine, những biện pháp này chỉ là vũ khí để con người chung sống ít tổn hại nhất với dịch bệnh.
Tuy vậy, tại Đức, quốc gia với 73% dân số đã tiêm hai liều vaccine, việc so sánh với Tây Ban Nha hay bất cứ nước nào khác đều bị gạt bỏ bởi còn quá nhiều người chưa tiêm chủng, đặc biệt là người lớn tuổi.
Một số chuyên gia WHO cho rằng, để tuyên bố đại dịch chấm dứt hay chưa không chỉ phụ thuộc vào số ca lây nhiễm mà còn vào mức độ nặng và tác động lâu dài của bệnh. Do đó, dù COVID-19 có trở thành bệnh đặc hữu, nguy cơ vẫn hiện diện như bệnh lao, sốt rét hay HIV và đều có thể khiến hàng trăm nghìn người tử vong mỗi năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!