Cựu Tổng thống Donald Trump (trái) và đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AP)
Khi được hỏi vào sáng 31/3 (theo giờ địa phương) về tác động mà bản cáo trạng của người tiền nhiệm và đối thủ chính trị Donald Trump sẽ gây ra đối với nước Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã có câu trả lời dứt khoát: không bình luận.
"Tôi sẽ không nói về bản cáo trạng của ông Trump", Tổng thống Biden giải thích thêm sau nhiều lần bị các phóng viên thúc giục bình luận.
Hiện Cựu Tổng thống Donald Trump đã bị truy tố trong một vụ án chi khoản tiền "bịt miệng" ở New York. Các quan chức Nhà Trắng cho biết, họ có kế hoạch tuân theo chính sách "giữ im lặng và tiếp tục (theo sát)".
Chính sách trên có thể được kiểm nghiệm trong những ngày tới, khi các thành viên đảng Cộng hòa Mỹ tập hợp xung quanh Trump, "tấn công" hệ thống tư pháp Hoa Kỳ. Và một số người, bao gồm nữ dân biểu Marjorie Taylor Greene của bang Georgia, lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình ở thành phố New York vào ngày 4/4, ngày cựu Tổng thống xuất hiện trước tòa án ở Manhattan, gây ra nguy cơ tình trạng bạo lực diễn ra.
Tổng thống Biden, thành viên đảng Dân chủ, đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, cam kết khôi phục "linh hồn nước Mỹ" sau 4 năm cầm quyền đầy hỗn loạn của người tiền nhiệm Trump. Với tư cách là Tổng thống Mỹ, ông Biden đã chỉ trích các đồng minh và chính sách "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA) của cựu Tổng thống, nhưng hiếm khi chỉ trích cá nhân ông Trump.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hiếm khi chỉ trích cá nhân ông Trump. (Ảnh: Reuters)
Các chiến lược gia đảng Dân chủ nhận xét, sự im lặng có chủ ý của ông Biden và chính quyền của ông có ý nghĩa chính trị.
"Chính quyền Mỹ nên tiếp tục làm những gì họ đã làm từ trước đến nay, tập trung vào việc quản lý và giải quyết các mối quan tâm của người dân Mỹ", chiến lược gia đảng Dân chủ Karen Finney nói. "Đây là thời điểm để trấn an người dân Mỹ bằng cách tiếp tục chứng minh sự lãnh đạo mạnh mẽ, ổn định và hiệu quả là như thế nào".
Tổng thống Biden dự kiến sẽ tới thăm một cơ sở sản xuất ở bang Minnesota vào ngày 3/4 và dự kiến sẽ có mặt tại Nhà Trắng trong ngày 4/4, khi ông Trump chuẩn bị ra hầu tòa ở New York, nơi đại bồi thẩm đoàn đã truy tố cựu Tổng thống Trump.
Ông Trump phải đối mặt với các cuộc điều tra khác nhau liên quan đến vai trò của ông trong vụ tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6/1/2021 bởi những người ủng hộ ông và nỗ lực lật ngược thất bại trước tân Tổng thống Biden vào năm 2020.
Nhà Trắng cho biết sẽ không bình luận về ông Trump vì các hành động của ông đang được điều tra bởi Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan mà Tổng thống đã cam kết để hoạt động độc lập.
Tính toán đó có thể thay đổi nếu những người ủng hộ ông Trump gây ra tình trạng bạo lực với các cáo buộc hình sự đối với cựu Tổng thống và khi đương kim Tổng thống Biden bắt đầu chiến dịch tái tranh cử dự kiến và cuối cùng có thể buộc phải đối đầu trực tiếp với Trump trên sân khấu tranh luận. Được biết, ông Trump đang tìm cách tái tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024.
Ông Biden vẫn chưa được nhậm chức Tổng thống khi vụ bạo loạn tại Điện Capitol xảy ra. Vào ngày hôm đó, ông Biden thúc giục ông Trump chấm dứt tình trạng bạo loạn, yêu cầu ông trên mạng xã hội "hãy lên truyền hình quốc gia ngay bây giờ để thực hiện lời thề và bảo vệ Hiến pháp".
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre từ chối bình luận hôm 31/3 về bất kỳ biện pháp phòng ngừa nào mà Chính phủ liên bang Mỹ có thể thực hiện, ngoại trừ việc nói rằng "chúng tôi luôn chuẩn bị" ứng phó với viễn cảnh bạo lực. Bà Jean-Pierre nhắc lại sự ủng hộ mà ông Biden thường tuyên bố đối với những người "biểu tình một cách hòa bình".
Ông Trump đã bác bỏ các cáo buộc và tuyên bố rằng ông sẽ không bỏ cuộc đua (giành vị trí Tổng thống Mỹ).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!