Chiến sự Nga - Ukraine “tăng nhiệt”: Bước ngoặt nguy hiểm

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 20/08/2024 06:08 GMT+7

VTV.vn - Chiến sự giữa Nga và Ukraine đang có bước ngoặt nguy hiểm khi quân đội Ukraine mở chiến dịch xuyên biên giới nhằm vào vùng Kursk, miền Trung nước Nga.

Xung đột Nga - Ukraine: Mặt trận mới tại Kursk

Cách đây nửa tháng, các quan chức ngoại giao hai nước vẫn còn nhắc tới các điều kiện để nối lại đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine nhưng cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào vùng lãnh thổ Kursk của Nga hôm 6/8 đã làm đảo lộn tất cả. Nga chắc chắn phải phản công để bảo vệ lãnh thổ của mình nhưng điều đáng nói là hành động của Ukraine lần này đang có nguy cơ đẩy chiến sự giữa hai bên kéo dài hơn, tiềm ẩn những hậu quả nguy hiểm.

Cuộc đột kích bất ngờ của Ukraine vào vùng lãnh thổ Kursk của Nga đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến kéo dài 30 tháng qua. Hiện, xung đột đã lan rộng trên 1.000 km2. Tỉnh thứ hai của Nga giáp biên giới với Ukraine là Belgorod cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Gần 200.000 người đã được sơ tán sau các cuộc tấn công.

Ukraine cho biết đã kiểm soát 82 khu định cư ở tỉnh biên giới Belgorod và các lực lượng của Kiev đã tiến sâu 35km vào lãnh thổ Nga với chiều rộng dọc theo mặt trận là 40km.

Chiến sự Nga - Ukraine “tăng nhiệt”: Bước ngoặt nguy hiểm - Ảnh 1.

Một xe tăng của quân đội Nga đang di chuyển tại tỉnh Kursk (Ảnh: AP)

Về phía Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã thành lập Hội đồng điều phối phụ trách các vấn đề an ninh, quốc phòng tại 3 tỉnh giáp Ukraine là Belgorod, Bryansk và Kursk.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: "Nhiệm vụ chính sẽ là đẩy lui kẻ thù ra khỏi lãnh thổ của chúng ta. Cùng với lực lượng biên phòng bảo vệ biên giới quốc gia, kẻ thù chắc chắn sẽ nhận được sự đáp trả xứng đáng và mọi mục tiêu của chúng ta chắc chắn sẽ đạt được".

Nga cho biết các đơn vị quân đội của nước này đang tiếp tục đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga thông báo lực lượng vũ trang Nga đã đánh bại lực lượng Ukraine tại khu định cư Krupets ở tỉnh Kursk, giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ. Ngoài ra, nhóm tác chiến phía Bắc đã đẩy lùi một cuộc tấn công của Ukraine gần Kremyanoye.

Bộ Quốc phòng Nga ước tính kể từ khi phát động cuộc tấn công vào Kursk, Ukraine đã mất hơn 2.300 binh sĩ, 37 xe tăng, 32 xe bọc thép chở quân, 4 hệ thống tên lửa phòng không, hai bệ phóng tên lửa đa nòng và 15 khẩu pháo dã chiến. Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết phần lớn người dân sống ở khu vực biên giới của vùng Kursk đã được sơ tán tạm thời và hiện đã an toàn.

Phương Tây tăng viện trợ vũ khí cho Ukaine

Trong lúc này, phương Tây đang tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm giúp nước này chiếm được ưu thế trên chiến trường. Ngay trong tháng 8 đã có những loại vũ khí mới lần đầu tiên được cung cấp cho Ukraine sau hơn 3 năm chiến sự.

Về phía Nga, điện Kremlin khẳng định các quyết định gửi thêm vũ khí sẽ chỉ kéo dài cuộc đối đầu quân sự, gây ra nhiều thương vong và tàn phá hơn. Một câu hỏi đặt ra là sau chiến dịch tại vùng Kursk, sẽ còn những vũ khí nguy hiểm nào nữa được phương Tây bổ sung cho Ukraine và liệu Nga sẽ có phương án đáp trả như thế nào?

Ngay đầu tháng 8, những chiếc tiêm kích F-16 đầu tiên đã xuất hiện tại Ukraine, tham gia vào biên chế không quân nước này. Sự xuất hiện của máy bay F-16 do Mỹ sản xuất là cột mốc đáng nhớ sau 2 năm chờ đợi, được đánh giá là bước ngoặt quan trọng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine khi Kiev bắt đầu trang bị các dòng chiến đấu cơ do phương Tây chế tạo, nhằm tăng cường năng lực của lực lượng không quân nước này.

Chiến sự Nga - Ukraine “tăng nhiệt”: Bước ngoặt nguy hiểm - Ảnh 2.

Mỹ liên tục thông qua các gói viện trợ quân sự lớn cho Ukraine (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Không chỉ nhận thêm những chiến đấu cơ, đã có 14 quốc gia bao gồm Anh, Canada, Latvia, Litva, Hà Lan, Ba Lan, Phần Lan, Pháp, Czech, Thụy Điển, Estonia, Đức, Đan Mạch và Mỹ "bật đèn xanh" cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do các nước này cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp được áp dụng đối với cả các lô vũ khí đã và sắp được chuyển giao cho nước này trong tương lai.

Ngay sau vụ tấn công tại Kursk, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng chỉ thị cho Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao nước này xin phép các đối tác để được sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa ATACMS hay tên lửa hành trình không đối đất Storm Shadow/Scalp vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Các động thái trên đã một lần nữa thách thức các "lằn ranh đỏ" mà điện Kremlin vạch ra, có thể buộc Nga đưa ra phản ứng thích hợp.

Trên thực địa, trong những tháng qua, các lực lượng Nga đã gia tăng các cuộc tấn công vào kho vũ khí và thiết bị quân sự mà phương Tây cung cấp cho Ukraine. Quân đội Nga cũng tăng cường tấn công vào các trung tâm hậu cần và kho lưu trữ vũ khí phương Tây ở Ukraine.

Để đối phó với các loại vũ khí do Mỹ và phương Tây viện trợ cho Ukraine, Nga cũng có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên tới 7,5% GDP và tăng cường sử dụng các loại khí tài và vũ khí mới trên chiến trường. Theo đó, Nga ngày càng sử dụng nhiều loại bom lượn phóng từ trên không, từ những khoảng cách mà Ukraine không thể chống trả và tăng cường sử dụng máy bay không người lái.

Hiện binh lính và vũ khí Nga đã được triển khai ở Belarus - một đồng minh của Moscow, trong đó có vũ khí hạt nhân chiến thuật. Nga cũng có lực lượng ở Syria, gần các căn cứ nơi lực lượng Mỹ hoạt động, giúp Nga có nhiều phương án đáp trả hơn với lực lượng phương Tây.

Mờ mịt triển vọng ngoại giao hạ nhiệt xung đột

Nếu nhìn vào những gì diễn ra trên thực địa, nhìn vào việc vũ khí và các khoản viện trợ quân sự đang liên tục được phương Tây gửi tới Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga, thật khó để tìm ra được tia hy vọng nào cho các cuộc đàm phán hòa bình. Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc, Dmitry Polyansky cho biết Moscow đã đưa ra một đề xuất đàm phán rất hào phóng cho Ukraine, xét đến tình hình của nước này ở tiền tuyến nhưng cuộc tấn công vào vùng Kursk đã cho thấy Ukraine chọn "leo thang và chiến tranh" thay vì đối thoại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "Có vẻ Ukraine đang nhắm đến việc cải thiện vị thế đàm phán của mình trong tương lai. Nhưng chúng ta có thể đàm phán như thế nào với những kẻ tấn công bừa bãi vào dân thường, vào cơ sở hạ tầng dân sự và cố gắng tạo ra mối đe dọa đối với các cơ sở năng lượng hạt nhân?".

Tổng thống Ukaine Volodymyr Zelenskiy cho rằng: "Sự hiện diện của quân đội Nga ở các khu vực biên giới càng bị triệt tiêu thì hòa bình và an ninh sẽ càng gần hơn với nhà nước của chúng ta".

Ông Rodion Miroshnik - Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Nga - tuyên bố: "Với những hành động khủng bố của mình ở Kursk, Ukraine đã khiến tiến trình đàm phán hòa bình phải tạm ngưng trong một thời gian dài".

Ông Heorhii Tykhyi - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine - phân tích: "Nga càng sớm chấp nhận khôi phục hòa bình trên cơ sở công thức hòa bình thì các cuộc xâm nhập của lực lượng phòng vệ Ukraine vào lãnh thổ Nga sẽ càng sớm chấm dứt".

Chiến sự Nga - Ukraine “tăng nhiệt”: Bước ngoặt nguy hiểm - Ảnh 3.

Những ngôi nhà bị phá hủy sau cuộc pháo kích gần đây của Nga tại làng Loknya, vùng Sumy của Ukraine (Ảnh: RTE)

Giới phân tích chính trị cho rằng khó khăn chính trong việc tổ chức đàm phán không nằm ở việc tìm ra hình thức đàm phán và trung gian hòa giải mà ở sự khác biệt cơ bản trong lập trường của các bên.

Hiện nay, Kiev vẫn kiên quyết đàm phán trong khuôn khổ "công thức hòa bình" của Tổng thống Zelensky, trong khi Moscow bác bỏ quan điểm trên. Hai bên vẫn bất đồng về quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ Nga đã sáp nhập là Crimea, Donbass, Kherson và Za-pa-rô-gie. Hiến pháp Nga đã được thay đổi theo các vùng lãnh thổ mới này, trong khi Hiến pháp Ukraine cũng chắc chắn không cho phép họ từ bỏ những vùng đất đó.

Một thỏa thuận ngừng bắn là điều mà cộng đồng quốc tế kỳ vọng, tuy nhiên, theo các nhà phân tích, một thỏa thuận ngừng bắn tách biệt với việc giải quyết các vấn đề của cấu trúc an ninh châu Âu sẽ khó đạt được vì các bên sẽ nghi ngờ đối phương lợi dụng thời gian tạm dừng để tập trung lực lượng và nối lại chiến sự. Nhiều khả năng Moscow và Kiev sẽ cần thu hút các quan sát viên quốc tế để giám sát việc tuân thủ lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, điều này cũng không dễ thực hiện.

Triển vọng càng thêm mịt mờ khi các bên đưa ra con bài hạt nhân chiến thuật và sẵn sàng sử dụng giải pháp này khi "lằn ranh đỏ" bị phá vỡ.

Theo dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần thứ 2 sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới. Mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh này là các bên tham gia hội nghị thống nhất về một kế hoạch hòa bình, sau đó kế hoạch này sẽ được gửi tới Nga. Tuy nhiên, triển vọng từ các cuộc đàm phán hòa bình kiểu này là không mấy khả quan bởi một thỏa thuận hòa bình thực chất sẽ cần sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên, trong đó có cả Nga và Ukraine. Nhưng với tình hình xung đột tiếp tục mở rộng như hiện nay, cùng với điều kiện đàm phán còn có những khác biệt lớn, sự nhượng bộ, thỏa hiệp lẫn nhau vào lúc này là không mấy khả quan.

Hứng mưa tên lửa và UAV của Ukraine, Nga phản công dữ dội Hứng mưa tên lửa và UAV của Ukraine, Nga phản công dữ dội

VTV.vn - Ngày 14/8, Ukraine đã tấn công dồn dập các khu vực biên giới của Nga bằng mưa tên lửa và máy bay không người lái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước