Chuyến đi mang thông điệp đặc biệt tới châu Âu
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ bắt đầu chuyến đi 5 ngày tới Pháp, Serbia và Hungary từ ngày 5/5/2024.
Pháp, Serbia và Hungary đều là những quốc gia đang tìm kiếm đầu tư từ Trung Quốc, bất chấp hàng loạt cuộc điều tra của EU về chính sách công nghiệp của Bắc Kinh và những cảnh báo từ các quan chức ở Washington về những rủi ro tiềm ẩn.
Đây cũng là chuyến đi đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình tới châu Âu trong gần 5 năm qua, được cho là sẽ tăng cường quan hệ song phương với ba quốc gia châu Âu và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi.
Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là sẽ mang thông điệp đặc biệt tới châu Âu (Ảnh: China Daily)
Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) là hai lực lượng chính thúc đẩy đa cực, đồng thời là hai thị trường lớn hỗ trợ toàn cầu hóa và là hai nền văn minh lớn ủng hộ sự đa dạng.
Các chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững, ổn định và lành mạnh của quan hệ Trung Quốc - châu Âu, giúp mang lại sự ổn định và chắc chắn hơn cho một thế giới đầy biến động, đồng thời tiếp thêm năng lượng cho sự phát triển toàn cầu.
Paris - Điểm nhấn của chuyến thăm
Chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra đúng dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Pháp, sẽ là một cơ hội quan trọng để vun đắp quan hệ giữa hai nước, qua đó cùng ôn lại những thành tựu trong quá khứ và định hướng cho quan hệ song phương trong tương lai.
Dưới sự lãnh đạo của hai nguyên thủ quốc gia là ông Tập Cận Bình và ông Emmanuel Macron, Trung Quốc và Pháp đã chứng kiến sự phát triển ổn định của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương. Hai nước cũng đã trở thành những quốc gia ủng hộ tích cực cho sự đa cực hóa của thế giới và dân chủ hóa quan hệ quốc tế.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt mục tiêu tăng cường mối quan hệ giữa Paris và Bắc Kinh trong chuyến thăm Pháp kéo dài hai ngày, giữa lúc ông đang kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: Nytimes)
Một nguồn tin cho hay, ông Macron cũng đặt mục tiêu mời gọi các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực pin xe điện của Pháp.
Cũng theo nguồn tin trên, ông Macron dự kiến sẽ mời Chủ tịch Tập Cận Bình dùng bữa tối tại Cung điện Elysee ở Paris, nơi thực đơn có rượu cognac của Pháp, một loại rượu đang bị Bắc Kinh điều tra chống bán phá giá. Nguồn tin còn cho biết thêm, ông Macron sau đó sẽ mời người đồng cấp Trung Quốc tới thăm một góc của dãy núi Pyrenees, nơi Tổng thống Pháp từng đến thăm bà ngoại của ông khi còn nhỏ.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Pháp không ngừng mở rộng quan hệ thương mại, bên cạnh giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân. Trong đó, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Pháp đã tăng mạnh, gấp 800 lần, đạt 78,9 tỷ USD vào năm 2023. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Pháp ở châu Á, trong khi Pháp là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc và là nguồn xuất khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu (EU).
Serbia - người bạn "sắt son" của Trung Quốc
"Sắt son" là từ thường được dùng để mô tả mối quan hệ giữa Trung Quốc và Serbia. Ông Tập gọi Serbia là "người bạn sắt son" của Trung Quốc trong cuộc gặp với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic khi Tổng thống Serbia ở Bắc Kinh tham dự Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba vào tháng 10/2023.
Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Serbia đã đứng vững trước những thay đổi trong bối cảnh quốc tế trong những năm gần đây và là một ví dụ về mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và các nước châu Âu.
Quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Serbia đã đứng vững trước những thay đổi trong bối cảnh quốc tế. Trong ảnh là các cuộn thép tại nhà máy thép của HBIS Serbia ở Smederevo, Serbia được nhâp từ Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)
Đáp lại, ông Vucic cho biết đất nước của ông tự hào về tình bạn "sắt son" với Trung Quốc. Trong đó, hợp tác thành công Vành đai và Con đường giữa Trung Quốc và Serbia là minh chứng cho mối quan hệ đặc biệt này.
Chương mới trong quan hệ Trung Quốc - Hungary
Chuyến công du sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hungary đánh dấu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông tới quốc gia châu Âu này với tư cách là nguyên thủ quốc gia Trung Quốc.
Trong 75 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc và Hungary đã có được sự tôn trọng, hiểu biết, hỗ trợ và tin cậy lẫn nhau.
Một chuyến tàu chở hàng Trung Quốc - châu Âu đi qua Budapest, Hungary (Ảnh: Xinhua)
Hungary là quốc gia châu Âu đầu tiên ký văn kiện hợp tác Vành đai và Con đường với Trung Quốc. Năm 2017, hai nước tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Năm ngoái, khi trả lời thư của một sinh viên trường song ngữ Hungary - Trung Quốc ở Hungary, ông Tập đã khuyến khích thanh niên Hungary tìm hiểu thêm về Trung Quốc và trở thành đặc phái viên của tình hữu nghị Trung Quốc - Hungary.
Chuyến thăm ba nước châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh EU đang dần có được tiếng nói thống nhất hơn với Washington về việc phản đối năng lực xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc và những rủi ro về an ninh quốc gia.
Cựu nhà ngoại giao Cui Hongjian, Giáo sư tại trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, cho biết: "Trung Quốc cần đưa ra một thông điệp rõ ràng hơn cho người dân châu Âu rằng họ vẫn là một đối tác đáng tin cậy và có khả năng cung cấp các chính sách thuận lợi hơn cho các nước và công ty châu Âu".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!