Một nữ y tá thực hiện mặc đồ bảo hộ trước khi bước vào vùng dịch Ebola ở Monrovia, Liberia. (Ảnh: AP)
Cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola hiện đang là mối quan tâm hàng đầu, khi thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận trên 9.200 trường hợp nhiễm Ebola, trong đó 4.555 ca tử vong. Nhiều quốc gia trên thế giới đẩy mạnh các biện pháp phòng tránh loại virus chết người này lây lan.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa công bố Bộ quy tắc hướng dẫn về trang phục bảo hộ cho các nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Ebola. Theo đó, nhân viên y tế sẽ phải được trang bị quần áo không thấm chất dịch, găng tay cao su, mặt nạ bảo vệ có kính chắn. Bộ quy tắc cũng bao gồm quy trình xử lý quần áo hay các vật dụng như ga trải giường của bệnh nhân Ebola. Các vật dụng này sẽ được khử trùng hai lần và được bọc trong nhiều lớp túi đựng chất thải, sau đó chúng sẽ được bỏ vào 2 lớp thùng rác và trải qua công đoạn xử lý cuối cùng tại nhà máy rác thải ở thành phố Porth Arthur, bang Texas. CDC cũng sẽ nâng cấp hệ thống cơ sở y tế hiện có, nhằm đảm bảo môi trường an toàn hơn trước nguy cơ lây nhiễm của virus Ebola.
Tại Canada, Chính phủ nước này thông báo bắt đầu từ ngày mai (20/10) sẽ chuyển 800 lọ vaccine Ebola do Canada sản xuất cho Tổ chức Y tế Thế giới ở Geneva. Hiện những vaccine trên đang được thử nghiệm lâm sàng tại Viện nghiên cứu quân sự Walter Reed ở Mỹ. Việc phân phối và sử dụng số vaccine này tại những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Ebola sẽ do WHO quyết định.
Trong lúc này, đã xuất hiện những tia hy vọng về sự thành công trong nỗ lực khống chế virus Ebola khi Senegal mới đây được WHO tuyên bố thoát dịch do không có ca nhiễm mới trong vòng 42 ngày tính đến ngày 17/10. Theo WHO, quốc gia tiếp theo có thể được công bố thoát dịch vào ngày 20/10 là Nigeria.