COVID-19 ngày 28/4: Hơn 3 triệu ca nhiễm bệnh, nghị sỹ Mỹ coi vai trò của WHO là "vô giá"

Thùy An-Thứ ba, ngày 28/04/2020 07:44 GMT+7

VTV.vn - Đại dịch COVID đã ghi một dấu mốc mới khi đã có hơn 3 triệu người nhiễm bệnh trên toàn thế giới.

Số ca nhiễm tại Mỹ vượt 1 triệu người

Mỹ vẫn tiếp tục là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới khi theo số liệu cập nhật từ Worldometers, hiện nước này đã có 1,008 triệu người nhiễm bệnh. Tức chiếm 1/3 số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới. Hiện Mỹ cũng là quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với hơn 56.000 người chết.

COVID-19 ngày 28/4: Hơn 3 triệu ca nhiễm bệnh, nghị sỹ Mỹ coi vai trò của WHO là vô giá - Ảnh 1.

Nước Mỹ chiếm 1/3 trong tổng số hơn 3 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới

Tuy nhiên điểm tích cực là số ca nhiễm mới COVID-19 tại Mỹ dường như đang có xu hướng giảm. Trong vòng 24 giờ qua, số ca nhiễm mới tại nước này được phát hiện chỉ trên 20.000 ca, so với 26.000 ca của ngày hôm qua.

Sau Mỹ, ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 trên thế giới là Tây Ban Nha với gần 230.000 nhiễm bệnh. Tiếp theo là Italy với xấp xỉ gần 200.000 ca nhiễm.

Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn là ổ dịch lớn nhất khi nước này phát hiện thêm 799 ca nhiễm mới, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 14.423 ca. Indonesia là ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 tại khu vực khi nước này đang có 9.096 người nhiễm bệnh.

COVID-19 ngày 28/4: Hơn 3 triệu ca nhiễm bệnh, nghị sỹ Mỹ coi vai trò của WHO là vô giá - Ảnh 2.

12 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng

Tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất từ Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, hôm nay (28/4) là ngày thứ 12 liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới trong công đồng. Hiện số ca nhiễm tại Việt Nam vẫn là 270 người, trong đó 222 người đã được điều trị khỏi bệnh.

Tổng thống Trump bị cáo buộc "đổ lỗi" cho WHO

Trong một diễn biến đáng chú ý khác tại Mỹ, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã mở cuộc điều tra đối với quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), yêu cầu Bộ Ngoại giao trong vòng 1 tuần phải cung cấp thông tin liên quan đến quyết định này giữa lúc thế giới đang đối mặt với đại dịch COVID-19.

COVID-19 ngày 28/4: Hơn 3 triệu ca nhiễm bệnh, nghị sỹ Mỹ coi vai trò của WHO là vô giá - Ảnh 3.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot Engel

Ủy ban trên đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp danh sách tất cả các cuộc thảo luận kể từ tháng 12/2018 về vấn đề tài trợ cho WHO và chuyển những đánh giá chưa qua chỉnh sửa về tác động của quyết định này đối với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot Engel cảnh báo, Quốc hội Mỹ có thể buộc Bộ Ngoại giao phải chuyển giao những tài liệu này trước 5 giờ chiều 4/5 (giờ địa phương).

Theo ông Engel, dù có những sai sót nhưng WHO vẫn có vai trò "vô giá". Ông cũng đồng thời cáo buộc Tổng thống Trump đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận về những thất bại của mình trong công tác đối phó với dịch bệnh COVID-19.

"Chắc chắn rằng quyết định ngừng tài trợ cho WHO trong lúc thế giới đương đầu với thảm họa COVID-19 không phải là một lời giải đáp", ông Engel nhấn mạnh.

COVID-19 ngày 28/4: Hơn 3 triệu ca nhiễm bệnh, nghị sỹ Mỹ coi vai trò của WHO là vô giá - Ảnh 4.

Nhiều nghị sỹ của đảng Dân chủ đang cáo buộc Tổng thống Trump đổ lỗi cho WHO nhằm đánh lạc hướng sự chú ý đối với công tác xử lý tình trạng bùng phát của đại dịch COVID-19 của Mỹ

Động thái trên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện diễn ra giữa lúc các Hạ nghị sĩ của đảng Dân chủ cáo buộc chính quyền của Tổng thống Trump cố tình "đổ lỗi" cho WHO nhằm đánh lạc hướng sự chú ý đối với công tác xử lý tình trạng bùng phát của đại dịch COVID-19 của Mỹ, đồng thời hối thúc Washington ngay lập tức nối lại hoạt động tài trợ cho WHO.

Bức thư gửi Tổng thống Trump - đề ngày 22/4, do ông Engel khởi xướng và có chữ ký của tất cả 26 thành viên thuộc đảng Dân chủ trong ủy ban khẳng định: "Chính sách này là hết sức sai lầm và dường như là một nỗ lực đổ lỗi cho WHO nhằm đánh lạc hướng sự chú ý đối với công tác ứng phó yếu kém và bị chính trị hóa từ chính quyền của Ngài".

Nhiều quốc gia từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa

Khi mà tình hình dịch bệnh ở châu Âu đang có xu hướng lắng dịu, nhiều quốc gia tại Lục địa già đang cân nhắc việc nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa.

Theo đó, Tây Ban Nha đang dần nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa. Các nhà máy và công ty bắt đầu mở cửa trở lại. Trước đó ngày 26/4, lần đầu tiên sau 6 tuần, trẻ em Tây Ban Nha được phép ra khỏi nhà đi dạo phố.

COVID-19 ngày 28/4: Hơn 3 triệu ca nhiễm bệnh, nghị sỹ Mỹ coi vai trò của WHO là vô giá - Ảnh 5.

Italy đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa

Tại Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte cam kết sẽ mở lại các trường học vào tháng 9, đồng thời sẽ cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại ngay trong tuần sau khi dừng lệnh phong tỏa được áp đặt gần như trên toàn quốc, vốn là biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất và lâu nhất ở châu Âu.

Còn tại Pháp cũng đang lên kế hoạch dừng các biện pháp phong tỏa. Thủ tướng Edouard Philippe cho biết sẽ đưa ra chiến lược quốc gia nhằm chấm dứt lệnh phong tỏa áp đặt từ ngày 17/3. Chiến lược sẽ được công bố sau cuộc thảo luận và bỏ phiếu tại quốc hội trong ngày 28/4.

COVID-19 ngày 28/4: Hơn 3 triệu ca nhiễm bệnh, nghị sỹ Mỹ coi vai trò của WHO là vô giá - Ảnh 6.

Thủ tướng Boris Johnson đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau gần một tháng điều trị COVID-19

Trong một diễn biến đáng chú ý tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau gần một tháng điều trị COVID-19. Ông dự kiến sẽ thông báo nới lỏng lệnh phong tỏa trong tuần này sau khi ông trở lại làm việc .

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước