Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đang chứng kiến một bước ngoặt mới. Quyết định bất ngờ không tái tranh cử nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang trở thành một ẩn số mới trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Nếu ở đảng Cộng hòa, liên danh tranh cử Donald Trump - J.D. Vance đã được xác nhận, ở đảng Dân chủ sẽ chỉ còn 1 tháng để lựa chọn ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống của Đảng này trước khi Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ diễn ra. Cỗ máy vận động tranh cử của cả hai bên sẽ có nhiều xáo trộn và buộc phải thay đổi trước bước ngoặt này.
Bước ngoặt trong cuộc đua vào Nhà Trắng
Tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa, ông Donald Trump chính thức chấp nhận đề cử của đảng Cộng hòa, trở thành ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, cùng với "phó tướng" đồng hành tranh cử là ông J.D. Vance.
Ông Donald Trump phát biểu: "Tôi cam kết với những người dân Mỹ vĩ đại tôi sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng lạm phát tàn khốc ngay lập tức, giảm lãi suất và giảm chi phí năng lượng".
Tuy nhiên, đối thủ của ông Trump giờ đây không còn là đương kim Tổng thống Joe Biden. Đương kim Tổng thống Mỹ hôm 23/7 tuyến bố rút lui và theo cách nói của ông Biden là chuyển giao ngọn đuốc cho bà Kamala Harris - Phó Tổng thống đương nhiệm, ứng cử viên tiềm năng của đảng Dân Chủ.
Bà Kamala Harris - Phó Tổng thống Mỹ - nói: "Chúng ta phải đối mặt với sự lựa chọn giữa hai tầm nhìn rất khác nhau cho quốc gia. Chúng ta đang đấu tranh cho những quyền tự do cơ bản nhất của mình. Tôi muốn nói với các bạn rằng, hãy tiến lên. Chúng ta tin vào nước Mỹ và sẵn sàng chiến đấu vì niềm tin đó. Chúng ta sẽ giành chiến thắng".
Quyết định rút lui của Tổng thống Biden đã tạo ra một bước ngoặt không chỉ cho đảng Dân chủ mà cả với ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump. Những nước cờ được tính toán kỹ lưỡng trong chiến lược tranh cử của ông Trump buộc phải thay đổi khi đối thủ của ông giờ đã không còn là đương kim Tổng thống Biden.
Ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử tại Trung tâm khúc côn cầu quốc gia Herb Brooks ở Saint Cloud, Minnesota, ngày 27/7/2024 (Ảnh: AFP)
Ngay khi có được tin tức từ phía đảng Dân chủ, đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump đã công kích bà Harris vì những vấn đề chính sách mà ông Biden và bà Harris đã triển khai và gặp khó khăn, bao gồm lạm phát và làn sóng nhập cư bất hợp pháp của người tị nạn.
Còn đối với đảng Dân chủ, phương án là bà Kamala Harris đã hóa giải phần nào tình trạng hỗn loạn hiện nay trong Đảng này. Bà Harris được coi như một khởi đầu mới trong giai đoạn nước rút của cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, thách thức sắp tới là làm sao để thuyết phục cử tri Mỹ rằng bà Harris có thể làm tốt hơn hơn những gì đã thể hiện ở cương vị Phó Tổng thống khi thời gian từ nay đến bầu cử chỉ còn khoảng 3 tháng.
Theo giới phân tích, ở thời điểm này của cuộc đua vào Nhà Trắng, hầu hết các cử tri đã đưa ra quan điểm với từng ứng cử viên, khiến một số chuyên gia nghi ngờ rằng chỉ còn lại rất ít cử tri dao động có thể thuyết phục được. Sự xuất hiện của bà Harris có thể làm thay đổi "phương trình" này hay không vẫn còn là một ẩn số. Trước mắt, nước Mỹ sẽ trông đợi vào một cuộc tranh luận trên truyền hình giữa ông Trump và bà Harris.
Chân dung bà Kamala Harris - ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ
Cho tới lúc này, bà Kamala Harris đã nhận được sự ủng hộ của khá nhiều thành viên của đảng Dân Chủ, trong đó có cả những nhân vật quan trọng. Các đại diện của Đảng này tin rằng bà Harris, nữ Phó Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, là ứng cử viên tốt nhất để đánh bại ông Donald Trump trong cuộc bầu cử năm nay.
Bà Kamala Harris, 59 tuổi, là một chính trị gia và luật sư người Mỹ, Phó Tổng thống thứ 49 của Mỹ. Bà là nữ Phó Tổng thống đầu tiên và là nữ quan chức nắm giữ vị trí cao nhất trong lịch sử Mỹ. Mang trong mình 2 dòng máu Jamaica và Ấn Độ nên bà cũng là Phó Tổng thống người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Á đầu tiên.
Phó Tổng thống Mỹ, ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris phát biểu trong một sự kiện gây quỹ tranh cử tại Nhà hát Colonial ở Pittsfield, Massachusetts, ngày 27/7/2024 (Ảnh: AFP)
Trước khi trở thành Phó Tổng thống, bà từng là Thượng Nghị sĩ đại diện cho bang California từ năm 2017 đến năm 2021 và là Tổng Chưởng lý của California từ năm 2011 đến năm 2017.
Với vai trò Thượng Nghị sĩ, bà ủng hộ việc cải cách chăm sóc sức khỏe, hủy bỏ luật sử dụng cần sa của liên bang, tạo điều kiện thuận lợi cho những người nhập cư không có giấy tờ thực hiện quyền công dân, đạo luật Dream, lệnh cấm vũ khí tấn công và cải cách thuế lũy tiến.
Bà Harris nổi tiếng là người cứng rắn - một đặc điểm mà bà có thể tận dụng trong chiến dịch tranh cử dự kiến sẽ tập trung vào vấn đề tội phạm và nhập cư.
Cục diện tại đảng Dân chủ Mỹ
Hầu hết thành viên nổi bật của đảng Dân chủ đều lên tiếng ủng hộ bà Harris, bao gồm cả các đại biểu bang quê hương California của bà Harris. Sự ủng hộ này thực sự có ý nghĩa sống còn đối với chiến dịch tranh cử của bà Harris.
Việc được những nhân vật chủ chốt trong phe Dân chủ như cựu Chủ tịch Hạ viện bà Nancy Pelosy, hay những ngôi sao đang lên từng được kỳ vọng sẽ đại diện đảng ra tranh cử Tổng thống như Gavin Newsom (Thống đốc bang California) nhiệt thành ủng hộ đã giúp chiến dịch tranh cử bà Harris tiến bước vững chắc. Sự ủng hộ này không chỉ mang về cho bà Harris những lá phiếu đại biểu cần thiết để được đề cử đại diện Đảng vào Đại hội này mà còn nhanh chóng củng cố thống nhất nội bộ trong đảng Dân chủ sau những rạn nứt không tránh khỏi từ sau kết quả tranh luận của ông Biden khi còn là ứng cử viên Tổng thống.
Quan trọng hơn, với sự ủng hộ của giới tinh hoa trong Đảng, bà Harris còn khơi thông được nguồn tài chính ủng hộ từ các tập đoàn, các ủy ban hành động chính trị, cử tri nòng cốt trong Đảng. Chưa đến 1 tuần, chiến dịch tranh cử của bà đã thu về con số khổng lồ 126 triệu USD.
Việc thay đổi ứng viên ở giai đoạn nước rút là một bước ngoặt chính trị đầy rủi ro và hiếm có trong lịch sử bầu cử Mỹ hiện đại, khiến cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng khó đoán định hơn bao giờ hết.
Kết quả thăm dò của hàng loạt hãng tin và tổ chức lớn đều cho thấy một kết quả sít sao giữa hai ứng cử viên. Chênh lệnh chỉ khoảng 1 - 2 điểm % với lợi thế nghiêng về ông Donald Trump. Tuy nhiên, đây là một khoảng cách không hề an toàn.
Cục diện cuộc bầu cử vì vậy sẽ phụ thuộc vào các bang chiến địa, nơi mà sự ủng hộ của cử tri vẫn chưa rõ ràng. Đó là các bang như Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin.
Những điểm nóng chính sách trong cuộc đua vào Nhà Trắng
Cỗ máy vận động tranh cử của Mỹ không có thời gian nghỉ. Chỉ 1 ngày sau khi được Tổng thống Joe Biden ủng hộ, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ - bà Kamala Harris - đã một mình đi vận động tranh cử tại bang chiến địa Wisconsin. Còn ở bên kia, liên danh tranh cử Trump - Vance cũng đi vận động tại bang chiến địa Michigan. Trên các phương tiện truyền thông dường như không có thời gian chết, các quảng cáo chính trị mới của cả hai bên đã bắt đầu được đăng tải để thu hút cử tri, tập trung vào những chính sách mà cử tri quan tâm, từ đối nội đến đối ngoại. Tiền quảng cáo của mùa bầu cử năm nay cũng được dự báo sẽ tiêu tốn số tiền kỷ lục 14 tỷ USD.
Về kinh tế
Ưu tiên hàng đầu của nhiều người dân Mỹ là kinh tế. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, gần 75% số người được hỏi coi củng cố nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu, cao hơn bất cứ mục tiêu nào khác. Về tổng thể, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tích cực, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 tăng vượt dự kiến, đạt 2,5%, thị trường việc làm ổn định, tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức thấp lịch sử.
Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò của tờ Wall Street Journal mới đây, nhiều cử tri vẫn lo ngại về chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tăng trưởng không đồng đều, khoảng cách thu nhập ngày càng lớn.
Về vấn đề nhập cư
Bên cạnh kinh tế, nhập cư bất hợp pháp cũng là một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý của ngày càng nhiều cử tri. Kết quả cuộc thăm dò dư luận của hãng Gallup cho thấy khoảng 28% số người được hỏi khẳng định nhập cư là vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay, tăng đáng kể so mức 9% vào tháng 8/2023.
Ông Donald Trump nói về vấn đề nhập cư tại đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa, ngày 18/7/2024 (Ảnh: AFP)
Các nhà phân tích cho rằng việc cử tri Mỹ dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề nhập cư là hoàn toàn dễ hiểu. Dòng người di cư ở khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico đã tăng lên mức cao kỷ lục vào cuối năm 2023. Trong năm tài chính 2023, hơn 2,4 triệu người đã vào Mỹ trái phép từ Mexico.
An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại
Khác với các kỳ bầu cử trước đây, hiện ngày càng nhiều cử tri cho rằng an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại cần được coi là một trong những ưu tiên của nước Mỹ trong bối cảnh Mỹ vẫn đang căng mình trên nhiều điểm nóng toàn cầu, từ xung đột lan rộng ở Trung Đông đến cuộc chiến tại Ukraine.
Kết quả thăm dò dư luận của AP và Trung tâm Nghiên cứu quan hệ công chúng (NORC) cho thấy khoảng 40% số người được hỏi khẳng định chính sách đối ngoại nên là một trong năm ưu tiên của Nhà Trắng trong năm 2024.
Các vấn đề khác
Hàng loạt vấn đề khác cũng thu hút sự quan tâm của cử tri Mỹ, trong đó có chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe, tội phạm, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, giáo dục, kiểm soát súng đạn… Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, ưu tiên của người dân Mỹ cũng có sự phân hóa theo yếu tố đảng phái. Cử tri đảng Cộng hòa quan tâm nhiều hơn đến nhập cư, chống khủng bố. Trong khi cử tri đảng Dân chủ chú trọng chăm sóc y tế, giáo dục, môi trường.
Yếu tố kinh tế trong bầu cử Mỹ
Từ trước tới giờ, ông Trump chủ trương giảm thuế thu nhập của giới siêu giàu và của cả doanh nghiệp, kỳ vọng sẽ thúc đẩy chi tiêu và thu hút đầu tư nhưng ông lại chủ trương tăng thuế lên hầu hết hàng hóa nhập khẩu, trong đó đặc biệt là hàng từ Trung Quốc, mong muốn giảm thâm hụt thương mại, tạo thêm nhiều việc làm tại Mỹ.
Chính sách mà bà Harris theo đuổi hiện tại là di sản từ nhiệm kỳ này mà bà làm Phó Tổng thống: tạo cơ hội kinh tế cho mọi thành phần trong xã hội, tăng thuế thu nhập lên giới siêu giàu. Chủ trương không tăng thêm thuế nhập khẩu vì e ngại làm giá cả hàng hóa tăng, lạm phát tăng trở lại, người dân thêm gánh nặng chi tiêu.
Vậy chính sách kinh tế của chính quyền đương nhiệm hiệu quả hay không?
GDP quý II vừa công bố tăng gấp 2 lần so với quý I, lên 2,8%. Lạm phát đã giảm sâu xuống 3%, từ mốc đỉnh điểm 9,1% của 1 năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp thì tăng nhẹ. Thêm vào đó, lãi suất đi vay vẫn cao, song, lại có triển vọng sẽ sớm hạ.
Nói tóm lại, tới thời điểm này, kinh tế Mỹ đang cho thấy tình trạng rất khỏe mạnh.
Nếu các số liệu này tiếp tục phát huy trong gần 100 ngày tới, chính quyền của đảng Dân chủ nói chung được lợi, trong đó bà Harris đang có đóng góp ít nhiều. Còn nếu tình hình xấu đi, ông Trump có thể có lợi thế vì được kỳ vọng có thể giải quyết các vấn đề kinh tế bất ổn không theo cách của một lãnh đạo chính trị truyền thống.
Sự sít sao trong các cuộc thăm dò cho thấy người dân Mỹ cũng đang đắn đo với lựa chọn bầu ai. Liệu đó sẽ là sự quay trở lại của ông Donald Trump với chính sách ưu tiên nước Mỹ là trên hết hay sẽ là chiến thắng của nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ.
Thế giới đang chờ xem diễn biến của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra theo kịch bản nào và sẽ còn chứng kiến những sự bất ngờ nào nữa trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ nhiều diễn biến khó lường này.
Lịch sử chính trường Mỹ đã nhiều lần chứng minh bầu cử Tổng thống luôn tiềm ẩn bất ngờ. Câu trả lời sẽ chỉ có vào "ngày phán quyết" 5/11 tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!