Thế giới lại đang chứng kiến một giai đoạn nguy hiểm mới của COVID-19, với số ca nhiễm tiếp tục gia tăng ở nhiều khu vực. Đã có hơn 4 triệu người tử vong từ đầu dịch và con số này vẫn không ngừng tăng lên... "Biến thể Delta đang lây lan trên khắp thế giới với tốc độ kinh hoàng, khiến số ca mắc và tử vong tăng đột biến" - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.
Biến thể Delta xuất hiện lần đầu vào tháng 10/2020 tại Ấn Độ. Cho đến nay, biến thể này đã lây lan đến hơn 100 quốc gia khác: Từ các nước đang phát triển có tốc độ tiêm chủng chậm, không tự chủ được vaccine đến các khu vực tưởng như đã dần trở lại nhịp sống cũ nhờ vào tốc độ tiêm chủng nhanh như Israel, Mỹ và các nước châu Âu. Cuộc đua với biến thể Delta đang đòi hỏi các nước phải nhanh chóng tìm những giải pháp ứng phó mới.
Sẽ có nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện và thế giới sẽ phải vượt qua các chướng ngại vật đó trên con đường thoát ra khỏi đại dịch.
Phim tài liệu: Cuộc chiến với các biến thể
Biến thể Delta khác biệt gì và nguy hiểm như thế nào so với loại virus ban đầu?
Hiện tại, WHO chia các biến thể của virus SARS-CoV-2 thành hai nhóm: biến thể đáng quan tâm và biến thể đáng quan ngại. Trong đó, trong 4 biến thể đáng quan ngại, tốc độ lây lan của biến thể Delta là nhanh nhất.
Các nghiên cứu cho thấy biến thể Delta có thể lây nhiễm hơn 50% so với biến thể Alpha, trong khi biến thể Alpha vốn đã có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với chủng gốc được tìm thấy ở Vũ Hán, Trung Quốc. Thời gian ủ bệnh với biến thể Delta ngắn hơn, chỉ 2-4 ngày, trong khi các biến thể khác là 5-7 ngày.
Các nhà dịch tễ học cho rằng, biến thể Delta là một kẻ thù đặc biệt đáng sợ. Nó đã học cách để lây lan nhiều hơn với ít tiếp xúc hơn nhưng không chỉ có vậy, nó có thể gây ra các triệu chứng trên cơ thể con người không giống virus gốc.
Biến thể Delta học cách ngụy trang thành các bệnh cúm theo mùa thông thường.
Biến thể Delta đang là con "quái vật" gây ra các làn sóng dịch mới khắp các châu lục, khiến các chính phủ khó khăn trong kiềm chế sự lây lan.
Tỷ lệ nhập viện với bệnh nhân nhiễm biến thể Delta cũng cao hơn 85% so với các bệnh nhân nhiễm biến thể Alpha. Hiện chưa có đủ dữ liệu để kết luận biến thể Delta có thể gây chết người nhiều hơn các biến thể khác hay không nhưng nó đang là con quái vật gây ra các làn sóng dịch mới khắp các châu lục, khiến các chính phủ khó khăn trong kiềm chế sự lây lan.
Làn sóng lây nhiễm khủng khiếp của biến thể Delta ở Ấn Độ và Đông Nam Á
ẤN ĐỘ - nơi lần đầu tiên phát hiện biến thể Delta - cũng là nơi bị tàn phá nặng nề nhất thế giới hiện nay bởi biến thể này. Tháng 1/2021, trung bình chỉ khoảng 10.000 ca mới/ngày. Đến tháng 5, lúc đỉnh dịch ngày 7/5/2021, Ấn Độ ghi nhận hơn 414.000 ca mắc mới. Vào lúc cao điểm, ngày 10/6 ghi nhận hơn 6.000 ca tử vong/ngày.
"Làn sóng thứ hai ập đến Ấn Độ đã khiến tất cả bất ngờ. Nó như nhấn chìm cả hệ thống y tế. Thiếu oxy, thiếu thuốc men, đặc biệt có rất nhiều biến chứng của COVID-19..." - Bà Somital Pal, phóng viên chuyên theo dõi các vấn đề y tế, Ấn Độ, chia sẻ.
"COVID-19 đã chứng minh cho thế giới thấy rằng, bảo đảm sức khỏe cộng đồng sẽ không phát huy tác dụng nếu xem đó là trách nhiệm của duy nhất chính phủ".
TS. Shubnum Singh, Giám đốc Viện nghiên cứu Chăm sóc sức khỏe Max Healthcare, Ấn Độ.
Làn sóng lây nhiễm của biến thể Delta chưa kịp lắng ở Ấn Độ thì lại lan sang các khu vực khác. Những hình ảnh từng xuất hiện ở Ấn Độ, nay lại xuất hiện ở INDONESIA. Nghĩa địa mới với huyệt mộ đào mới liên tục. Liên tục trong những tuần qua, ngày nào Indonesia cũng có kỷ lục các ca lây nhiễm mới, cao nhất là 56.000 ca dương tính cùng hơn 1.200 người tử vong/ngày.
Không cần phải tới nghĩa trang thì mới thấy được sự bi đát, còi hú xe cứu thương vang lên liên tục, những khu vực bệnh viện la liệt người nhà, bệnh nhân xếp hàng từ ngoài cổng. Bên trong các hành lang cũng kín chỗ.
Bức ảnh mô tả hiện thực dịch bệnh khắc nghiệt ở Indonesia. Hai bức ảnh chụp cách nhau khoảng 10 ngày. Bức ảnh đầu tiên chụp ngày 28/6 cho thấy một góc của một bãi đất trống được dùng để chôn cất người chết. Đến ngày 7/7, số huyệt mộ đã tăng mạnh. ( Ảnh: Reuters)
Không riêng Indonesia, nhiều quốc gia trong ASEAN cũng đối mặt với làn sóng nhiễm COVID-19 mới số ca nhiễm và tử vong chưa từng có tiền lệ, như ở MALAYSIA từ tháng 6 đã phải quay lại phong tỏa, có những người quá khó khăn phải treo cờ trắng trước cửa để xin trợ giúp.
Dưới 2 tháng sau khi các quốc gia Đông Nam Á ghi nhận các ca nhiễm Delta đầu tiên thì biến thể này đã trở thành biến thể đa số ở đây. Nó lây lan rất nhanh.
Tuần gần đây nhất là tuần của những kỷ lục lây nhiễm ở một số quốc gia Đông Nam Á. Campuchia có trung bình 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, Việt Nam có hơn 2.000 ca/ngày, Thái Lan có khoảng 10.000 ca/ngày và Malaysia trên 10.000 ca/ngày.
Không hẳn các biện pháp kiểm soát cũ không hiệu quả nhưng một loạt các yếu tố nguy cơ đã gia tăng như nới lỏng hạn chế, mở cửa nhập cảnh quốc tế quá sớm, trong khi Đông Nam Á chưa phải khu vực có độ phủ vaccine rộng. Virus biến thể mới với khả năng lây lan mạnh hơn sẽ tận dụng các sơ hở dù là nhỏ nhất.
Biến thể Delta cũng đang lan rộng khắp châu Âu, Mỹ, châu Phi
"Dựa trên những số liệu về biến thể Delta kết hợp với mô hình dự báo, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu dự đoán, đến đầu tháng 8 này, 70% số ca nhiễm mới tại châu Âu sẽ do biến thể này và đến cuối tháng 8, tỷ lệ sẽ lên tới 90%. Đây là xu hướng đáng lo ngại buộc chúng ta phải cảnh giác" - ông Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết.
Biểu đồ gia tăng số ca nhiễm mới tại châu Âu.
Tại Anh, dù hơn 67% dân số đã tiêm phòng COVID-19 nhưng từ cuối tháng 6 đến nay vẫn ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới/ngày. Trong đó, 99% ca nhiễm mới liên quan đến biến thể Delta.
Cơ quan y tế Bồ Đào Nha cũng báo cáo tình trạng gia tăng chóng mặt tỷ lệ mắc biến thể Delta, chỉ chiếm 4% tổng số ca nhiễm trong tháng 5 nhưng tăng vọt lên 56% trong tháng 6. Số ca nhiễm COVID-19 tại Hà Lan hiện dao động từ 8.000-10.000 ca/ngày, gấp 10 lần so với tháng trước.
Tại châu Mỹ, biến thể Delta đang lây lan mạnh tại Mỹ, số ca nhiễm mới ở nước này tăng từ 10.000ca/ngày hồi tháng 6 lên 20.000ca/ngày trong tháng 7. Đáng chú ý, trong tuần qua, số ca nhiễm mới đang tăng cao ở giới trẻ, từ 30-50 tuổi, thậm chí là ở trẻ em.
Biểu đồ gia tăng số ca nhiễm mới tại Bắc Mỹ.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở quốc gia láng giềng với Mỹ là Mehico khi hàng nghìn ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận trong những ngày vừa qua.
Tại châu Phi, theo WHO, số ca bệnh tại châu lục này đã tăng mạnh trong 7 tuần liên tiếp. "Châu Phi vừa ghi nhận tuần đại dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay, vượt qua đỉnh sóng lần thứ 2" - bà Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi cho biết. Tuy nhiên, theo bà, điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra khi làn sóng thứ 3 này vẫn đang di chuyển nhanh khi các nước đang liên tiếp ghi nhận các ca nhiễm mới.
Biểu đồ gia tăng số ca nhiễm mới tại châu Phi.
Cuộc đua giữa vaccine với virus biến thể đang diễn ra gay cấn
Biến thể Delta đang chọc thủng các tấm khiên bảo vệ vững chắc mà nhiều quốc gia thiết lập trước đây. Các nước như Việt Nam, Singapore từng kiểm soát khá tốt nhờ các tấm khiên như truy vết, cách ly, khoanh vùng cùng với các biện pháp phòng dịch nhưng biến thể Delta khiến các nước phải thay đổi cách tiếp cận phòng dịch khi cuộc đua giữa vaccine và virus biến thể đang diễn ra gay cấn.
Với một loại virus nguy hiểm chưa từng có, không ngừng biến đổi thì không có một cách tiếp cận hay mô hình chống dịch nào được khẳng định là hoàn hảo, hình mẫu. Mỗi nước đều phải tự lựa chọn và điều chỉnh cho phù hợp nhất với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo nhiều chuyên gia, virus SARS-CoV 2 sẽ không biến mất mà sẽ biến đổi theo thời gian, bởi thế mà tùy diễn biến tùy từng quốc gia cần kết hợp hài hòa theo dõi ca nhiễm, giãn cách và tăng tốc tiêm vaccine để định hình một chiến lược sống chung với virus trong tương lai.
Kể từ mũi tiêm vaccine đầu tiên vào cuối tháng 12 năm ngoái, đến nay, thế giới đã tiêm hơn 3,4 tỷ liều, Các nghiên cứu cho thấy, các loại vaccine được tiêm hiện nay đều giúp giảm nguy cơ triệu chứng nặng và nhập viện, từ đó giúp hệ thống y tế tránh nguy cơ quá tải.
Thế giới đã tiêm hơn 3,4 tỷ liều vaccine COVID-19.
Các chuyên gia quốc tế đều đồng thuận trong nhận định để chung sống bình thường với COVID-19 cần đảm bảo 3 yếu tố: xét nghiệm nhanh, chính xác; đảm bảo tỷ lệ cần thiết người dân được tiêm vaccine nhưng cũng cần phát triển nhanh thuốc trị bệnh. Cho đến nay, nhiều quốc gia đã phê chuẩn thuốc kháng virus và một số loại kháng thể khác để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Trong 6 tháng vừa qua, Mỹ quyết định rót 3,2 tỷ USD để thúc đẩy các loại thuốc kháng COVID-19 dạng viên với hy vọng bệnh nhân có thể uống tại nhà ngay khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.
Cuộc chiến với COVID-19 với các biến thể liên tục xuất hiện là cuộc chiến trên nhiều mặt trận: không chỉ ở các bệnh viện, các trung tâm y tế - nơi các y bác sĩ là tuyến đầu, không chỉ ở các nhà máy - nơi mỗi công nhân vừa sản xuất vừa chống dịch, mà còn cả trong các phòng thí nghiệm - nơi các thử nghiệm thuốc và vaccine đang được gấp rút tiến hành.
Mùa hè năm 2021 - mùa hè COVID-9 thứ hai, biến thể Delta đang gây ra làn sóng chết chóc ở nhiều nơi trên thế giới. Các loại biến thể vẫn sẽ xuất hiện trong quá trình tiến hóa của virus nhưng con virus bây giờ không phải là kẻ thù bí hiểm và vô hình như hơn 1 năm trước khi nó mới xuất hiện. Chúng ta đã hiểu phần nào về SARS-CoV-2 và đã có vũ khí chiến đấu trong cuộc chiến khó khăn này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!