Metaverse là gì?
Metaverse là một thế giới ảo được tạo nên từ Internet và hỗ trợ các công cụ thực tế ảo (Virtual Reality) hay thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality). Theo đó, Metaverse có thể mang lại cho người dùng một trải nghiệm rất chân thật. Dù người dùng đang ở trên nền tảng (social platform) nào, họ đều có thể mang hình ảnh đại diện (avatar) và tài sản của mình vào trong các không gian số được chia sẻ để cùng nhau làm việc, xem phim, tham dự các buổi hòa nhạc hoặc thử quần áo trong cửa hàng, giống như cách vẫn làm trong thế giới thực.
Hiện nay, Metaverse có thể được chia thành hai nhóm nền tảng riêng biệt. Nhóm đầu tiên xoay quanh việc xây dựng một thế giới ảo dựa trên blockchain, dùng NFT và tiền mã hóa để sử dụng các tính năng bên trong trò chơi. Trong khi đó, nhóm thứ hai sử dụng Metaverse để chỉ một thế giới ảo tổng quát hơn, nơi người dùng có thể gặp nhau để làm việc hoặc giải trí.
Theo các chuyên gia, kỷ nguyên tiếp theo của Internet là Metaverse, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến nhiều người phải ở nhà và nhu cầu giao tiếp online ngày càng cao. Trước tiềm năng của Metaverse, những ông lớn công nghệ phương Tây thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như Microsoft (chuyển về phần mềm và dịch vụ hỗ trợ máy tính), Facebook (công ty mạng xã hội mới đổi tên thành Meta), Nvidia (chuyển về đồ họa và chipset), Epic Games và Roblox (các hãng game), Match Group (dịch vụ hẹn hò trực tuyến) và nhiều công ty khác đang đổ dồn nghiên cứu nhằm hiện thực hóa Metaverse.
Cuộc đua Metaverse
Theo trang tin công nghệ The Verge, Microsoft sẽ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để lắng nghe giọng nói của một người và sử dụng giọng nói đó để tạo hoạt ảnh cho hình đại diện của họ. Bà Katie Kelly, giám đốc sản phẩm chính của Microsoft Mesh, cho biết: "Chúng tôi có thể giải thích các tín hiệu giọng nói của bạn để tạo hình ảnh động cho hình đại diện đó, vì vậy hình ảnh hiện ra và cảm giác như đang chính là bạn".
Hình đại diện 3D sẽ có mặt trên Microsoft Teams vào năm 2022 (Nguồn: Microsoft)
Bà Kelly nói thêm: "Mục tiêu là vào nửa đầu năm sau, bạn sẽ có thể bước vào một không gian sống động và sau đó có thể cộng tác và sử dụng các công cụ của Microsoft".
Trong khi đó, Facebook tuyên bố rằng họ đang cống hiến sức lực cho tương lai của Internet "nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác trên thế giới". Từ 2017, giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã tuyên bố đầu tư 1 tỷ USD vào công ty chuyên sản xuất thiết bị thực tế ảo Oculus. Vào tháng 7, Facebook cho biết sẽ thành lập một đội ngũ chuyên trách vấn đề "vũ trụ kỹ thuật số". Ngày 19/8, hãng giới thiệu ứng dụng làm việc từ xa Horizon Workroom sử dụng kính Oculus Quest 2. Người dùng có thể tổ chức các cuộc họp ảo với hình ảnh avatar của chính họ. Đây được xem là một bước đệm quan trọng cho tham vọng xây dựng vũ trụ ảo của Facebook.
CEO Facebook Mark Zuckerberg trong một trận đấu kiếm ảo trên Metaverse với một vận động viên đấu kiếm đoạt huy chương vàng Olympic (Nguồn: CNBC)
ByteDance, công ty mẹ của mạng xã hội TikTok, đã mua lại công ty thực tế ảo (VR) Pico Interactive vào tháng trước. Ngày 3/9, đến lượt Tencent Holdings, công ty game lớn nhất Trung Quốc đăng ký hai nhãn hiệu "Timi Metaverse" và "Kings Metaverse" để mở đường cho tương lai của dịch vụ nhắn tin QQ và game trực tuyến Honor of Kings.
Epic Games, nhà sản xuất trò chơi nổi tiếng Fortnite, là một trong những công ty đi đầu trong lĩnh vực sản xuất nội dung metaverse. Hãng mới nhận được khoản đầu tư 1 tỷ USD từ các đối tác để tạo ra "siêu vũ trụ".
"Gã khổng lồ" về giải trí và truyền thông Disney cũng tuyên bố việc xây dựng "công viên giải trí metaverse" sẽ là bước tiếp theo trong quá trình phát triển của hãng. Ông Tilak Mandadi, Giám đốc công nghệ của Disney, cho biết với sự bùng nổ của công nghệ, công viên giải trí trong tương lai không còn bị giới hạn bởi thế giới vật chất. Kể từ 2016, Disney đã đầu tư vào các trò chơi VR thông qua dịch vụ video 360 độ. Hiện tại, nhiều dự án trong công viên Disney là sự kết hợp giữa thế giới thực và công nghệ ảo kỹ thuật số, như các trò chơi Disney Leaping the Horizon hay Pirates of the Caribbean đều dựa trên cảnh thật hoặc sử dụng 3D để đưa du khách đắm chìm trong trải nghiệm "tự nhiên nhất".
Các công ty công nghệ và giải trí ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Metaverse (Nguồn: Investopedia)
"Gã khổng lồ" ngành thời trang Nike cũng đã thực hiện những bước đi đầu tiên của mình vào metaverse. Theo thông tin từ kênh CNBC, Nike vừa nộp hồ sơ đăng ký một số nhãn hiệu mới cho thấy ý định của họ trong việc sản xuất và bán hàng hoá (giày và quần áo) ảo. Ngoài việc đăng ký mới cho các nhãn hiệu, Nike cũng đang tìm kiếm nhân sự trong lĩnh vực này. Theo thông tin tuyển dụng của Nike, công ty này gần đây đã đăng tin tuyển dụng nhà thiết kế vật liệu ảo cho giày dép cùng với các vị trí thiết kế ảo khác.
Mặc dù vậy, sự phát triển của metaverse vẫn gây nhiều tranh cãi. Con người không thể tiếp xúc mãi với một thế giới ảo, do đó, mô hình này có thể sẽ nhận được nhiều phê bình hơn là được công nhận trong tương lai. Mặt khác, một metaverse hoạt động đầy đủ chức năng có thể mất nhiều năm và chi phí đầu tư nghiên cứu khổng lồ. Các công ty lớn tham gia cuộc đua hiện giờ có thể chỉ đơn giản là muốn trấn an các nhà đầu tư rằng họ sẽ không bỏ lỡ bất kỳ xu hướng lớn nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!