Chính trường Nhật Bản đang rất sôi động với cuộc đua tìm người kế nhiệm Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Người kế nhiệm sẽ lãnh đạo Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với GDP hơn 5 nghìn tỷ USD. Một quốc gia có vai trò an ninh hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, là thành viên của nhóm G7.
Bốn cái tên tiềm năng
Một nhân vật được đánh giá cao là Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, 71 tuổi. Ông Suga là đồng minh trung thành với ông Abe kể từ những năm 2006. Ông Suga được xem là một trong những người đứng sau việc ông Abe tái tranh cử Thủ tướng thành công vào năm 2012. Nhiệm vụ của ông Suga vừa là một phát ngôn viên của chính phủ, vừa là người điều phối các chính sách.
Người dân Nhật Bản theo dõi Thủ tướng Abe Shinzo hôm 28/8 tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm của Nhật Bản Taro Kono cũng là một gương mặt sáng giá. Ông Kono, 56 tuổi, từng giữ chức Ngoại trưởng và Bộ trưởng cải cách hành chính Nhật Bản. Ông Kono đang ghi điểm với cử tri nhờ ủng hộ chính sách cắt giảm chi tiêu. Với tư cách lãnh đạo Bộ Quốc phòng, năm nay, ông Kono đã cho hủy kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đắt đỏ Aegis do Mỹ chế tạo để dành ngân sách cho các ưu tiên cấp bách hơn của Nhật.
Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, 79 tuổi, cũng được xem là một ứng cử viên tiềm năng kế nhiệm ông Abe. Ông Aso hiện cũng đang là Phó Thủ tướng Nhật Bản và là nhân vật chủ chốt trong chính quyền của ông Abe. Năm 2008, ông Aso từng trở thành lãnh đạo đảng LDP và sau đó thành Thủ tướng Nhật Bản từ tháng 9/2008 cho tới tháng 9/2009.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, 63 tuổi, cũng được nhận định là gương mặt sáng giá để trở thành thủ tướng kế tiếp của Nhật Bản. Ông có quan điểm cứng rắn và là nhân vật hiếm hoi trong đảng LDP có quan điểm chỉ trích ông Abe. Ông Ishiba từng thua sít sao Thủ tướng Abe Shinzo trong cuộc bầu cử năm 2012.
Nhân vật nào đang chiếm ưu thế nhất?
Dự kiến, cuộc bỏ phiếu chủ tịch đảng LDP cầm quyền thay thế ông Abe diễn ra trong khoảng từ 13-15/9. Sau đó vào ngày 17/9 Đảng LDP sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt bầu ra Thủ tướng mới.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba bắt tay cùng ông Abe Shinzo. Ảnh: Reuters
Ngay từ lúc này, các ứng cử viên đã tiến hành vận động để tìm kiếm sự ủng hộ của các phe phái trong nội bộ đảng LDP trước khi ra tranh cử.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhiều lần phủ nhận khả năng trở thành kế nhiệm Thủ tướng Abe, nay đã bất ngờ tuyên bố muốn tranh cử cho vị trí này. Ông Suga được coi là cách tay phải của Thủ tướng Abe, giữ vị trí Chánh Văn phòng Nội các liên tục từ năm 2012, người nổi bật với chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài. Ông được dư luận đánh giá cao về khả năng kế thừa "di sản" của Thủ tướng Abe Shinzo.
Chủ tịch ủy ban nghiên cứu chính sách của đảng LDP Fumio Kishida, người được dư luận chú ý với hàng loạt đề xuất về chính sách của đảng cầm quyền nhất là liên quan tới giảm thuế và các biện pháp chống dịch COVID-19.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba được dư luận ủng hộ với tỉ lệ cao nhất trong các cuộc điều tra gần đây, tuy nhiên phái của ông Ishiba chỉ gồm có 19 nghị sĩ. Ngoài ra, dư luận Nhật Bản cũng đánh giá cao các nhân vật có triển vọng khác như Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono, Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tại một cuộc phỏng vấn của Reuters ở Tokyo ngày 26/8. Ảnh: Reuters
Thách thức mà người kế nhiệm ông Abe Shinzo phải đối mặt?
Thách thức bức thiết nhất hiện nay là nhiệm vụ kép vừa khống chế dịch COVID-19, vừa phải tái phục hồi kinh tế. Về vấn đề đối ngoại, tân thủ tướng phải giải quyết hai vấn đề hậu chiến tranh là bắt cóc con tin với Triều Tiên và đàm phán lãnh thổ đối với Nga. Giải quyết căng thẳng Nhật -Hàn cũng được dư luận đặt ra.
Chính sách quốc phòng của Nhật Bản cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như khủng hoảng trong chiến lược phòng thủ, nhất là phòng thủ tên lửa, quan hệ đồng minh Nhật Mỹ, giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và đặc biệt chính quyền mới có theo đuổi chính sách sửa đối hiến pháp nữa hay không?
Già hóa dân số, thiếu lao động và đảm bảo an sinh xã hội sẽ tiếp tục là vấn đề lớn đối với chính quyền mới tại Nhật Bản. Nhiều dự báo cho rằng, Nhật Bản vẫn phải mở cửa cho lao động nước ngoài nhằm giải quyết vấn đề thiếu lao động và đảm bảo quỹ an sinh xã hội.
Theo lịch trình thì ngay giữa tháng 9, gương mặt thủ tướng mới của Nhật Bản sẽ được công bố. Chiếc ghế thủ tướng Nhật Bản vẫn luôn được coi là ghế nóng, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản đang rơi vào suy thoái do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!