Tuy nhiên, bà Merkel từ chối cho biết khi nào Ukraine nên đàm phán với Nga.
Phát biểu với đài truyền hình Đức ZDF vào ngày 28/11, bà Merkel cho biết bà ủng hộ quyết định của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đảo ngược chính sách đối ngoại hòa bình kéo dài hàng thập kỷ và trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine.
Bà Merkel nói thêm rằng mặc dù bà ủng hộ "mọi thứ mà cộng đồng quốc tế đang làm để đưa Ukraine vào vị thế tốt" nhưng "luôn phải xem xét các giải pháp ngoại giao song song".
Cựu Thủ tướng Đức cho biết Ukraine nên tìm kiếm một giải pháp ngoại giao vào thời điểm thích hợp mà không giải thích khi nào sẽ là thời điểm đó.
Bà Merkel giữ chức Thủ tướng Đức từ năm 2005 đến năm 2021 và là một trong những chính trị gia bảo lãnh cho các thỏa thuận Minsk 2014 - 2015. Theo đó, quân đội Ukraine và các lực lượng ủng hộ độc lập ở Donetsk và Luhansk đã đồng ý ngừng giao tranh để đổi lấy việc Kiev trao một số quyền tự chủ cho chính quyền hai khu vực này với dân số nói tiếng Nga chiếm đa số.
Năm 2022, bà Merkel thừa nhận rằng các thỏa thuận trên thực tế là một "nỗ lực cho Ukraine thời gian" để xây dựng quân đội nhằm chuẩn bị cho một cuộc xung đột dữ dội hơn với Nga.
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại Stralsund, Đức, ngày 29/11 (Ảnh: AP)
Trong cuốn hồi ký mới xuất bản gần đây, bà Merkel đã bảo vệ quyết định ngăn cản Ukraine gia nhập NATO vào năm 2008, lập luận rằng cuộc xung đột hiện tại sẽ bắt đầu sớm hơn nhiều năm nếu Kiev được "bật đèn xanh" để gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu.
"Tôi hoàn toàn hiểu rõ rằng Tổng thống Nga Putin sẽ không đứng yên và nhìn Ukraine gia nhập NATO" - bà nói vào đầu tuần này. "Và khi đó, Ukraine với tư cách là một quốc gia chắc chắn sẽ không được chuẩn bị tốt như vào tháng 2/2022".
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cam kết sẽ buộc Ukraine và Nga chấm dứt xung đột bằng một giải pháp ngoại giao, nhưng không nói rõ ông sẽ đạt được mục tiêu này như thế nào. Một trong những kế hoạch được cho là đang được nhóm phụ tá của Trump cân nhắc là "tái hiện lại các thỏa thuận Minsk đã thất bại" - tờ Financial Times đưa tin vào tháng 10, trích dẫn lời một cố vấn giấu tên của Trump.
Điện Kremlin đã bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng dễ dàng chấm dứt xung đột Nga - Ukraine của ông Trump. Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã nói vào đầu tháng 11 rằng phát biểu của Tổng thống đắc cử Trump "ít nhất cũng đáng được chú ý".
Moscow vẫn duy trì quan điểm rằng bất kỳ giải pháp nào cũng phải bắt đầu bằng việc Ukraine ngừng các hoạt động quân sự và thừa nhận "thực tế lãnh thổ" rằng họ sẽ không bao giờ giành lại quyền kiểm soát các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia đã sáp nhập vào Nga, cũng như bán đảo Crimea. Ngoài ra, Điện Kremlin nhấn mạnh rằng các mục tiêu của hoạt động quân sự của Moscow, bao gồm cả việc Ukraine duy trì thế trung lập, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa sẽ đạt được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!