Các Thỏa thuận Minsk có vai trò thế nào trong cuộc khủng hoảng Ukraine?

Thế giới hôm nay-Thứ sáu, ngày 25/02/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Khi tình hình liên tục nóng lên, thỏa thuận Minsk được xem là con đường giải quyết xung đột, là phương tiện cho những cuộc trao đổi trực tiếp giữa Moscow và Kiev.

Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kích hoạt kế hoạch bảo vệ đối với khu vực Đông Âu. Với cơ chế này, Tư lệnh lực lượng NATO sẽ nhận được quyền hạn sâu rộng, chẳng hạn như lệnh triệu tập hoặc chuyển quân. Mục tiêu là tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ trong toàn bộ liên minh. 

NATO cho biết, tất cả các biện pháp vẫn sẽ mang tính phòng ngừa, tương xứng và không leo thang. Dự kiến, ngày 25/2, khối này sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh đặt trong tình huống khủng hoảng về Ukraine.

Các Thỏa thuận Minsk có vai trò thế nào trong cuộc khủng hoảng Ukraine?

Trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang căng thẳng như hiện nay, đã có rất nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Một điểm tựa quan trọng cho các cuộc đàm phán là các thỏa thuận hòa bình từng được các bên ký kết tại thủ đô Minsk của Belarus. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ ra rằng, Thỏa thuận Minsk mới nhất năm 2015 có thể được coi là cơ sở để đạt được bước đột phá. Vào lúc này, khi tình hình liên tục nóng lên, thì một thỏa thuận Minsk mới lại được nhắc đến, là con đường giải quyết xung đột, là phương tiện cho những cuộc trao đổi trực tiếp giữa Moscow và Kiev. Vậy các Thỏa thuận Minsk có vai trò thế nào trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Thỏa thuận Minsk 1 được các đại diện của Nhóm liên lạc ba bên về Ukraine (gồm Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu, OSCE) ký ngày 05/09/2014 tại Minsk, nhằm chấm dứt căng thẳng trong vùng Donbass. 

Vào thời điểm đó, miền Đông Ukraine là nơi giao tranh dữ dội giữa một bên là lực lượng trung thành với Chính phủ Ukraine và bên kia là lực lượng ly khai. Các điều khoản của Minsk 1 bao gồm trao đổi tù nhân, cung cấp viện trợ nhân đạo và rút vũ khí hạng nặng, sau 5 tháng xảy ra xung đột khiến hơn 2.600 người thiệt mạng. Thỏa thuận nhanh chóng đổ vỡ với sự vi phạm của cả hai bên.

Thỏa thuận hòa bình Minsk 2 được Nhóm Bộ tứ Normandy gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức thúc đẩy tại thủ đô của Belarus hồi năm 2/2015, nhằm kết thúc cuộc xung đột đẫm máu khi đó đã kéo dài 10 tháng ở miền Đông Ukraine. Thỏa thuận này gồm 13 điểm, trong đó điều khoản hàng đầu là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.

Các Thỏa thuận Minsk có vai trò thế nào trong cuộc khủng hoảng Ukraine? - Ảnh 1.

Lãnh đạo bốn nước Nga, Pháp, Đức, Ukraine tại Hội nghị Hòa bình Minsk. Ảnh: AP

Các bên cũng nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến. OSCE, tổ chức an ninh với 57 thành viên, trong đó có cả Nga, Ukraine và Mỹ, sẽ cử quan sát viên giám sát các khu vực này. Chính phủ Ukraine cũng nhất trí cải cách hiến pháp nhằm cấp quyền tự trị lớn hơn cho vùng Donbass vốn đã không còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương.

Ông Jean-Marc Ayrault - Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ngày 29/11/2016: "Thỏa thuận Minsk là con đường dẫn tới thương lượng và đối thoại, đó là con đường khả thi duy nhất để chúng ta có thể giải quyết tình hình hiện nay".

Sau khi Thỏa thuận Minsk 2 có hiệu lực, các trận giao tranh đẫm máu chấm dứt, tạo điều kiện cho quan sát viên của OSCE thực hiện nhiệm vụ giám sát khu vực giới tuyến giữa quân đội chính phủ và phe ly khai. OSCE tới nay vẫn phát hiện các trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn lẻ tẻ dọc giới tuyến, nhưng giao tranh và thương vong đã giảm đáng kể so với giai đoạn 2014-2015. Tuy nhiên, đã có 1,5 triệu người ở vùng xung đột phải rời bỏ nhà cửa và gần 14.000 người thiệt mạng trong các trận giao tranh.

Thỏa thuận Minsk 2 đã đưa ra những giải pháp chính trị và quân sự nhưng vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Trở ngại chính nằm ở việc Nga và Ukraine có những cách hiểu rất khác nhau về thỏa thuận, dẫn đến việc thực hiện thỏa thuận này trở thành vấn đề hóc búa.

Vùng Donbass trong cuộc khủng hoảng Ukraine

Một thỏa thuận ngừng bắn cho miền Đông Ukraine đã duy trì hơn 7 năm, nhưng luôn trong trạng thái mong manh, mỗi năm bị vi phạm tới hàng nghìn lần - theo các giám sát viên quốc tế. Sau khi công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố "Thỏa thuận hòa bình Minsk đã không còn tồn tại". Động thái này một lần nữa đưa Donetsk và Lugansk trở thành tâm điểm chú ý của thế giới.

Hai vùng Donetsk và Lugansk - gọi chung là Donbass - nằm ở miền Đông Ukraine, gần biên giới với Nga, các ngành công nghiệp chính bao gồm khai thác mỏ và sản xuất thép. Phần lớn trong số 3,6 triệu người sống ở Donetsk và Lugansk nói tiếng Nga, khu vực Donbass chiếm khoảng 16% GDP của Ukraine trước khi xảy ra xung đột.

Các Thỏa thuận Minsk có vai trò thế nào trong cuộc khủng hoảng Ukraine? - Ảnh 2.

Vùng Donbass bao gồm cả phần do Chính phủ Kiev kiểm soát cũng như phần do lực lượng đòi ly khai kiểm soát.

Bắt đầu từ năm 2014, xung đột đã nổ ra ở khu vực này. Nguyên nhân là do làn sóng người dân ở Donbass từ chối công nhận chính phủ mới lên nắm quyền ở Kiev sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Yanukovych.

Vùng Donbass bao gồm cả phần do Chính phủ Kiev kiểm soát cũng như phần do lực lượng đòi ly khai kiểm soát. Lực lượng ly khai kiểm soát khoảng 1/3 lãnh thổ của hai tỉnh Donetsk và Lugansk, lập nên hai nhà nước tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk. Chưa có quốc gia nào công nhận hai nhà nước này cho tới khi Nga có động thái công nhận vào ngày 21/2 vừa qua.

Xung đột ở Donbass đã leo thang nghiêm trọng vào tháng 2 năm nay. Ukraine và phương Tây cáo buộc Moscow kích động căng thẳng để tạo cớ cho một cuộc tấn công. Về phần mình, Nga cáo buộc Ukraine cố gắng giành lại các vùng lãnh thổ do lực lượng ly khai nắm giữ bằng vũ lực, tuyên bố mà Kiev mạnh mẽ bác bỏ.

Mặc dù căng thẳng hiện nay leo thang nhưng nhiều người Ukraine vẫn cho rằng chiến tranh không ở ngay trước mắt. Và rõ ràng, sẽ không có người thắng nếu chiến tranh nổ ra tại châu Âu. Vì thế, giới phân tích nhấn mạnh, sớm hay muộn vẫn cần phải tìm được biện pháp dàn xếp chấp nhận được với tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Quay lại với triển vọng về một Thỏa thuận Minsk 3, nếu các bên liên quan kiềm chế thì thỏa thuận Minsk sẽ là giải pháp mang tính cầu nối cho hòa bình ở Ukraine. Nhiều ý kiến cho rằng một thỏa thuận tiềm năng sẽ phải bao quát cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và những vấn đề an ninh sâu rộng hơn.

Sẵn sàng bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine Sẵn sàng bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine EU sẽ tích cực hỗ trợ các hoạt động sơ tán khỏi Ukraine EU sẽ tích cực hỗ trợ các hoạt động sơ tán khỏi Ukraine Nga hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng ở miền Đông Ukraine Nga hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng ở miền Đông Ukraine


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước