Ảnh minh họa: Reuters.
Hiệp hội Bác sỹ Italy (Fnomceo) cho biết, số lượng nhân viên y tế tử vong hoặc bị nhiễm COVID-19 của nước này tăng lên mỗi ngày. Ngoài 100 bác sĩ đã tử vong, Italy cũng ghi nhận 26 y tá đã tử vong và 6.549 y tá nhiễm COVID-19. Tổng số nhân viên y tế của Italy bị nhiễm bệnh lên tới 12.681 trường hợp bao gồm bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, lái xe cứu thương và các nhân viên hỗ trợ.
Hiệp hội Y tá Italy (Fnopi) nhấn mạnh, trong vòng 48 giờ qua, số lượng y tá bị nhiễm bệnh bằng 1/3 tổng số người dân Italy bị nhiễm bệnh trong cùng thời gian. Theo ông Tonino Aceti, người phát ngôn của Fnopi, các y tá có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao do họ phải chăm sóc bệnh nhân trong thời gian dài, đồng thời, mỗi ca làm việc của họ kéo dài tới 12 tiếng. Ông Tonino cũng yêu cầu cung cấp đầy đủ các thiết bị y tế chuyên dụng cho đội ngũ y tá đang chăm sóc bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là khẩu trang.
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 9/4, nước này ghi nhận thêm 4.204 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 143.626 trường hợp. Đây là ngày thứ 2 Italy ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày tăng so với hôm trước sau số ca nhiễm mới trong ngày xuống mức thấp nhất kể từ khi dịch bệnh chạm đỉnh với 3.039 ca vào ngày 7/4. Số ca tử vong tăng lên 18.279 trường hợp (tăng 610 ca). Số ca hồi phục tăng lên 28.470 ca (tăng 1.979 ca).
Trong khi đó, số lượng các ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm ngày thứ 5 liên tiếp với 3.605 ca (giảm 88 ca). Ngoài ra, Italy hiện có 28.399 ca nhập viện và 64.873 ca cách ly tại nơi ở. Tại vùng tâm dịch Lombardia đã ghi nhận số ca tử vong vượt 10.000 người, với 300 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 9/4, nâng tổng số ca tử vong của vùng này lên 10.022 trường hợp. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm bệnh tại Lombardia là 54.802 trường hợp (tăng 1.388 ca).
Trong khi đó, chiều 9/4, Thượng viện Italy đã thông qua gói biện pháp kinh tế của chính phủ với 142 phiếu thuận, 99 phiếu chống và 4 phiếu trắng. Kết quả cho thấy, toàn bộ phe đối lập, đứng đầu là đảng Liên đoàn (Lega), đã bỏ phiếu chống với lý do thiếu sự so sánh thực tế giữa các biện pháp được đưa ra. Gói biện pháp kinh tế của Chính phủ Italy mang tên "Cura Italia" (Chăm sóc Italy), được ban hành ngày 16/3 với những quy định nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!