Nổi lên trên đường đua Tổng thống
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ - bà Kamala Harris - đã xuất hiện tại buổi khai mạc Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ vào sáng 20/8 (giờ Việt Nam). Sau khi Tổng thống Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua và ủng hộ bà Kamla Harris tiếp nối mình, Phó Tổng thống Mỹ đã nhanh chóng khẳng định là ứng cử viên Tổng thống sáng giá nhất của đảng Dân chủ.
Một cuộc thăm dò mới đây của Morning Consult với hơn 11.500 cử tri tại Mỹ cho thấy 50% số người được hỏi có quan điểm ủng hộ bà Harris trong khi 46% không ủng hộ. Như vậy, tỉ lệ ủng hộ ròng - nghĩa là giá trị có được khi lấy tỉ lệ ủng hộ trừ đi tỉ lệ không ủng hộ - của bà Harris là 4 điểm. Tỷ lệ này cao hơn so với bất cứ tỉ lệ nào mà ông Biden hoặc ông Trump đã từng đạt được trong cả chu kỳ bầu cử năm 2024.
Ứng cử viên Kamala Harris phát biểu trong ngày khai mạc Đại hội đảng Dân chủ hôm 19/8. (Ảnh: Getty Images)
Bà Kamala Harris cũng đã phá vỡ kỷ lục quyên góp trong tuần đầu tranh cử của các ứng viên khi quyên góp được hơn 200 triệu USD. Khoảng 2/3 tổng số tiền này đến từ những cử tri lần đầu quyên góp kể từ khi mùa bầu cử Tổng thống năm 2024 bắt đầu.
Ủy ban tranh cử Tổng thống của bà Harris cho biết có khoảng 170.000 tình nguyện viên mới đăng ký trong chưa đầy 1 tuần.
Nếu như chỉ chưa đầy 1 tháng trước, ông Donald Trump đã đứng trên sân khấu Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa với vẻ ngoài bất khả chiến bại, khi vừa thoát hiểm sau một vụ ám sát và có vị trí cao trong các cuộc thăm dò dư luận, thì giờ đây, cựu Tổng thống đã để mất vị trí dẫn đầu vào tay Phó Tổng thống Harris.
Cơn gió đảo chiều này cho thấy những đề xuất được đưa ra trong các bài phát biểu vận động tranh cử của bà Harris đã phần nào đáp ứng mối quan tâm của các cử tri Mỹ.
Kinh tế - Mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ
Cô Katherine Jeanes - cử tri bang North Carolina - cho biết: "Tôi rất hào hứng với việc đi bỏ phiếu năm nay, đặc biệt là bầu cho Kamala Harris, vì tôi biết bà ấy đang đấu tranh vì những điều gì. Bà ấy vừa công bố những chương trình kinh tế muốn thiết lập để giúp những người như tôi lần đầu tiên mua được nhà và cũng để giúp các gia đình với việc mở rộng các chính sách như khoản tín dụng bổ sung cho gia đình có trẻ em".
Anh Joseph Critz - nhân viên kế toán - nói: "Tôi thích đạo luật giảm lạm phát và thỏa thuận về chuỗi cung ứng của ông Biden và thực tế là bà Harris có liên quan ở đó. Việc bà và nội các có mối liên quan với các chính sách đó khiến tôi muốn ủng hộ bà ấy. Tôi cũng thích các kế hoạch thuế của bà ấy".
Chị Maria - người dân bang Wisconsin - cho rằng: "Giá xăng giảm có thể đem đến cơ hội việc làm bình đẳng, mức lương tốt hơn, giá cả thấp hơn trong toàn bộ nền kinh tế. Đó là tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến ngay bây giờ".
Anh Dyllan Strassburg - người dân bang Wisconsin - cũng chung quan điểm: "Với tôi thì chắc chắn là nền kinh tế rồi. Làm sao để đưa nền kinh tế của chúng ta trở lại đúng hướng, đảm bảo rằng chúng ta là cường quốc số 1 trên thế giới là điều tôi quan tâm".
Kết quả các cuộc khảo sát luôn cho thấy kinh tế là vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm nhất. Quan trọng hơn, các cuộc thăm dò đang cho thấy cử tri Mỹ dường như không thực sự hài lòng với tình hình hiện tại. Đây có lẽ là điều kiện lý tưởng cho bất kỳ ứng viên Tổng thống nào.
Sự đối lập giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris về chính sách kinh tế đang nổi lên như một trong những vấn đề then chốt của cuộc bầu cử Mỹ sắp tới. Hai ứng cử viên đại diện cho hai triết lý kinh tế hoàn toàn khác biệt, phản ánh tầm nhìn đối lập về vai trò của chính phủ trong nền kinh tế.
Sự tương phản trong chính sách kinh tế của hai ứng cử viên
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ chính sách cắt giảm thuế mạnh mẽ, đặc biệt là cho doanh nghiệp và người có thu nhập cao, với mục tiêu kích thích tăng trưởng kinh tế. Ông cho rằng việc giảm gánh nặng thuế sẽ khuyến khích đầu tư và tạo việc làm. Bên cạnh đó, ông Trump chủ trương giảm quy định, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường và lao động, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Ngược lại, bà Kamala Harris đề xuất tăng thuế đối với người giàu và doanh nghiệp lớn để tài trợ cho các chương trình xã hội. Bà ủng hộ tăng lương tối thiểu liên bang và mở rộng bảo hiểm y tế công, với mục tiêu giảm bất bình đẳng và cải thiện an sinh xã hội.
Triết ly kinh tế của ông Trump và bà Harris bộc lộ nhiều điểm đối lập. (Ảnh: Getty Images)
Về thương mại quốc tế, ông Trump theo đuổi chính sách bảo hộ và đàm phán lại các thỏa thuận thương mại, với quan điểm rằng điều này sẽ bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ. Bà Harris, mặt khác, ủng hộ thương mại tự do có điều kiện, nhấn mạnh việc bảo vệ quyền lợi người lao động và môi trường trong các thỏa thuận thương mại.
Đối với chi tiêu công, ông Trump muốn cắt giảm chi tiêu cho các chương trình xã hội, trong khi bà Harris đề xuất đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế. Ông Trump nhấn mạnh vào việc giảm nợ công, trong khi bà Harris cho rằng đầu tư công là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Những sự khác biệt sâu sắc trong tầm nhìn kinh tế đang là tâm điểm của cuộc tranh luận chính trị giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ. Nó không chỉ phản ánh hai triết lý khác biệt về vai trò của chính phủ trong nền kinh tế mà còn thể hiện hai cách tiếp cận khác nhau để giải quyết các thách thức kinh tế mà Mỹ đang phải đối mặt, từ bất bình đẳng thu nhập đến cạnh tranh toàn cầu.
Nền tảng chính sách kinh tế của ứng cử viên Tổng thống là bản thiết kế cho việc điều hành. Các khảo sát được thực hiện cho thấy điều mà người Mỹ mong muốn ở Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo là một cách thức quản lý kinh tế mới, một mô hình ổn định hơn, ít gây chia rẽ hơn, có trách nhiệm hơn và vững chắc hơn.
Cuộc bầu cử vào tháng 11 tới sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý quan trọng về hướng đi kinh tế của nước Mỹ trong những năm tới. Kết quả có thể có tác động sâu rộng không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!