Vấn đề này phải đưa ra họp ở Đại hội đồng sau khi bị tắc tại Hội đồng Bảo an. Nguyên nhân là do các nước thành viên thường trực sử dụng quyền phủ quyết, khiến các dự thảo đều không nhận được sự đồng thuận cần thiết.
Dự thảo nghị quyết do Brazil và Thụy Sĩ xây dựng, được các nước phương Tây ủng hộ xác định thời gian gia hạn cho cơ chế vận chuyển nhân đạo qua biên giới là 9 tháng, trong khi dự thảo của Nga chỉ cho 6 tháng. Hôm 11/7, nghị quyết của nhóm phương Tây bị Nga dùng quyền phủ quyết, còn dự thảo Nga chỉ được 2 phiếu thuận trên tổng số 15 phiếu.
Đại hội đồng LHQ cho rằng không thể để những bất đồng của các thành viên HĐBA ảnh hưởng tới việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho miền bắc Syria. Và hai cơ quan là Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an phải làm việc với nhau về các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng.
Theo các báo cáo của LHQ, nhu cầu nhân đạo tại Syria đang khẩn cấp khi khoảng 4,1 triệu người ở khu vực miền bắc hầu như không có thức ăn, nước uống và thuốc men, 80% trong số đó là phụ nữ và trẻ em. Việc cứu trợ chậm ngày nào, tính mạng của họ bị đe dọa ngày đó.
Theo Nghị quyết của Đại hội đồng năm 2022, nếu một dự thảo chỉ cần bị một trong 5 thành viên thường trực HĐBA phủ quyết, trong 10 ngày sau Chủ tịch Đại hội đồng phải triệu tập cuộc họp của tất cả các thành viên LHQ để thảo luận về vấn đề này.
Kể từ khi quyền phủ quyết của 5 nước Ủy viên Thường trực HĐBA LHQ được sử dụng lần đầu vào năm 1946, tới nay đã có tới gần 300 lượt phủ quyết được cả 5 nước lúc này hay lúc khác đưa ra. Chiếm nhiều nhất vẫn Liên Xô trước đây hay Nga hiện nay và Mỹ. Và trong khoảng 30 năm trở lại đây, các dự thảo nghị quyết liên quan tới các vấn đề ở Trung Đông nổi lên là các văn kiện bị hai nước này lần lượt phủ quyết nhiều nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!